Đà Lạt, khát vọng thành phố sáng tạo

Trong thư gửi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc về việc tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú bày tỏ: “Đà Lạt là miền đất hiền hòa, đã cuốn hút biết bao tâm hồn văn nghệ sĩ; là miền đất thăng hoa khởi nguồn cảm xúc, sáng tạo, phát triển tài năng và cống hiến nhiều tác phẩm giá trị cho nền âm nhạc địa phương và quốc tế”.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi biểu diễn âm nhạc ngoài trời ở Đà Lạt. (Ảnh MÂY LANG THANG)
Một buổi biểu diễn âm nhạc ngoài trời ở Đà Lạt. (Ảnh MÂY LANG THANG)

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu Đà Lạt chính là đặc thù khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, di sản kiến trúc cùng sự bặt thiệp, hiền hòa, thân thiện của cư dân phố núi...

Những giá trị ấy tạo nên sự thăng hoa về tinh thần để sáng tạo nghệ thuật. Đó cũng chính là những tài nguyên để Đà Lạt chọn gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN).

Phân tích 7 lĩnh vực trong UCCN, cùng các tiêu chí xét chọn, thành phố Đà Lạt chọn âm nhạc để xây dựng hồ sơ gia nhập UCCN trên cơ sở những tài nguyên, thế mạnh riêng có của xứ sở mộng mơ, lãng mạn.

Trong thư gửi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc vào tháng 6/2023, về việc tham gia UCCN năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú khẳng định, Đà Lạt luôn được nhắc đến là một thành phố hội tụ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa, di sản kiến trúc độc đáo, khí hậu mát mẻ quanh năm; người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách.

Đà Lạt mộng mơ, thành phố ngàn hoa, thành phố sương mù, thành phố tình yêu và thành phố của những bản tình ca… là những “thương hiệu” của thành phố bản sắc này.

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành và không gian diễm lệ, những thứ ấy là tài nguyên hiếm hoi mà Đà Lạt sở hữu. Đây không phải là “giá trị gia tăng” mà chính là “giá trị cơ bản” của xứ sở này, tạo nên cảm xúc thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật.

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Thiên nhiên, văn hóa và con người Đà Lạt đã làm cho xứ sở này trở thành thiên đường sáng tạo nghệ thuật”. Ông lý giải, Đà Lạt mộng mơ, lãng mạn đã làm say đắm lòng người. Nhiều nhà thơ, nhạc sĩ đến đây, ở đây, đã sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng.

“Qua thống kê chưa đầy đủ, đến nay có khoảng 200 bài hát viết về Đà Lạt”, Tiến sĩ Phạm S thông tin.

Đà Lạt, miền đất thăng hoa kết tụ trên những khuông nhạc của nhiều nhạc sĩ tài danh trước 1975, như Hoàng Nguyên, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Phạm Duy, Lam Phương…

Không gian văn hóa Đà Lạt cũng sinh ra những tài năng âm nhạc như Tuấn Ngọc, Thanh Tuyền… và những cuộc gặp gỡ dấu ấn trong âm nhạc, như Lê Uyên-Phương, Khánh Ly-Trịnh.

“Mấy năm gần đây có rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng chọn Đà Lạt để sáng tác, biểu diễn; cùng những nhóm nhạc bắt đầu nở rộ, đã tạo ra phong trào nghệ thuật âm nhạc sôi nổi trên phố núi”, anh Nguyễn Trung Hiền, người sáng lập Không gian sáng tạo Phố Bên Đồi-Đà Lạt, chia sẻ.

Văn hóa nghệ thuật là thứ làm nên hồn cốt Đà Lạt. Cùng với những nhạc quán xưa và nay, hiện Đà Lạt có hàng loạt không gian âm nhạc, nghệ thuật được tổ chức chuyên nghiệp, như Phố Bên Đồi, Mây Lang Thang, Lululola, Stop and Go Art Space, Hey Storm Art Space… đã góp phần tạo ra những góc phố nghệ thuật, với sự góp mặt của những nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Cùng với những đêm phố lạnh nghe dương cầm ngân vang, những “đêm nhạc trên mây”, sự hòa điệu của violin và piano, không gian nhạc cổ điển, những nhóm “du ca” phố núi và những chương trình thể thao kết hợp âm nhạc, tất cả đã tạo nên những món ăn tinh thần đặc biệt cho người dân địa phương và du khách.

Mới đây, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hoa Sen SoundFest 2023 lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Lạt, với sự xuất hiện của dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng quốc tế Bucharest Symphony Orchestra (Romania), cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu Việt Nam.

Trên tinh thần tôn trọng nguyên tắc và giá trị cốt lõi của Mạng lưới UCCN, các hoạt động gắn với thành phố sáng tạo đòi hỏi sự tham gia tích cực, chủ động và sự đóng góp của nhiều chủ thể, bao gồm các nhà quản lý, nghệ sĩ, người thực hành văn hóa và sáng tạo, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và công chúng…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt Trần Thị Vũ Loan cho biết, thành phố đang có thế mạnh là hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực âm nhạc rất mạnh. Cùng với những không gian nghệ thuật, show diễn trên, thời gian qua những câu lạc bộ âm nhạc dân gian, âm nhạc cồng chiêng của người Cơ Ho bản địa… phát triển khá tốt.

“Đối chiếu những tiêu chí của UNESCO đặt ra với thành phố sáng tạo, thì Đà Lạt khả thi nhất là lĩnh vực âm nhạc. Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo UNESCO là hoàn toàn phù hợp với tiềm năng và xu thế”, bà Trần Thị Vũ Loan thông tin.

Tiến sĩ Phạm S cho rằng, khi Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo sẽ tiếp tục phát huy chuỗi thời gian và quá trình tích lũy hài hòa giữa thiên nhiên, di sản kiến trúc và con người Đà Lạt qua 130 năm hình thành và phát triển.

Mỗi người dân Đà Lạt sẽ có động lực sáng tạo hơn nữa, góp phần quan trọng tạo nét riêng cho thành phố, tăng thêm giá trị cho Đà Lạt, nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho bạn bè, du khách trong nước và quốc tế trên nhiều lĩnh vực.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nét đẹp của Đà Lạt về cảnh quan tự nhiên, kiến trúc và văn hóa trở thành yếu tố thu hút nhiều người đến tìm hiểu thành phố.

Từ đó, Đà Lạt trở thành nơi giao thoa đa dạng lối sống và biểu đạt văn hóa, tạo nên một không gian và cộng đồng nghệ thuật sống động. Đà Lạt được định hướng trở thành đô thị sinh thái. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, thành phố xem văn hóa và sáng tạo là cốt lõi và động lực phát triển.

Trong đó, âm nhạc đóng vai trò chiến lược trong việc huy động mạng lưới các chủ thể và dịch vụ văn hóa để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Đà Lạt.

Dẫu biết rằng, so với nhiều thành phố trong mạng lưới sáng tạo UNESCO, Đà Lạt là một địa phương nhỏ, với hoạt động âm nhạc còn khiêm tốn.

Song Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú tin tưởng: “Với chúng tôi, thành phố sáng tạo không đơn thuần là một danh hiệu, mà còn là chiến lược phát triển với trọng tâm và ưu tiên để bảo đảm mỗi người dân đều được phát huy khả năng sáng tạo, tham gia và thụ hưởng bình đẳng, tạo nên bản sắc cho Đà Lạt”.