Đa dạng hóa cây trồng trong vụ đông

Sản xuất vụ đông năm 2023 được đánh giá có nhiều thuận lợi do thu hoạch lúa mùa ở các địa phương sớm hơn; giá vật tư đầu vào dự báo giảm; dự báo nhu cầu nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc tăng cao. Nhiều địa phương tiếp tục duy trì cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực thúc đẩy sản xuất cây vụ đông phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vụ đông năm 2022, các địa phương phía bắc gieo trồng 373 nghìn héc-ta, sản lượng khoảng 4,7 triệu tấn, giá trị đạt 36.794 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 99 triệu đồng/ha, tăng 3,4 triệu đồng/ha so với vụ đông 2021. Để đạt được kết quả này là do hầu hết các địa phương ban hành mới hoặc duy trì các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm đẩy mạnh sản xuất cây trồng vụ đông.

Các vùng sản xuất cây vụ đông tập trung đã hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ khá ổn định; nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương đã chủ động hỗ trợ tìm kiếm đối tác ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cây vụ đông cho nhân dân; số lượng, chủng loại giống trong vụ đông phong phú, đa dạng nên đáp ứng đầy đủ nguồn cung với giá cả hợp lý; nhiều tiến bộ về giống cây trồng, giải pháp canh tác tiết kiệm, hiệu quả được chuyển giao và ứng dụng rộng rãi…

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ đông năm 2023, các địa phương phía bắc dự kiến gieo trồng khoảng 380 nghìn héc-ta, phấn đấu sản lượng 5 triệu tấn, giá trị đạt hơn 40 nghìn tỷ đồng, bình quân đạt 110 triệu đồng/ha. Nhằm bảo đảm sản xuất vụ đông 2023 đạt kết quả tốt, các địa phương cần tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho nông dân. Các địa phương cần tập trung chỉ đạo đón thời cơ về thị trường tăng tối đa diện tích nếu có thể, nhất là các địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế như: Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa...

Các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ hình thành những vùng sản xuất cây vụ đông lớn, tập trung và ổn định; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Ngoài ra cần xây dựng, nhân rộng mô hình ứng dụng theo hướng sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đơn vị chức năng cần hỗ trợ nhân dân kinh phí mua giống cây trồng, đặc biệt là các giống mới nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất vụ đông; xây dựng kế hoạch trữ và tiêu thoát nước phù hợp, nhất là những nơi trồng cây vụ đông sớm.

Đơn vị chức năng cần có giải pháp bố trí cơ cấu giống rau ngắn ngày, thời vụ phù hợp để tránh hiện tượng dư thừa, rớt giá sản phẩm thu hoạch trùng vào lịch lấy nước, đổ ải gieo cấy lúa vụ đông xuân 2023-2024; đa dạng hóa nhóm cây khác trong vụ đông, lưu ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ; ưu tiên mở rộng diện tích nhóm cây có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định.