Cân nhắc khi xuống giống vụ lúa thu đông

NDO - Dự báo hạn, mặn năm 2023-2024 sẽ diễn biến phức tạp, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích trồng lúa ở các địa phương trong vùng Ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang. Mặc dù tỉnh đã khuyến cáo, liên tục tuyên truyền, vận động, nhưng nhiều người dân vẫn “phá rào” xuống giống vụ lúa thu đông 2023 với diện tích khá lớn, ảnh hưởng chung đến lịch thời vụ của địa phương…
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang xuống giống vụ lúa thu đông 2023.
Nông dân xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang xuống giống vụ lúa thu đông 2023.

Triển khai sản xuất nông nghiệp phù hợp công tác phòng, chống và ứng phó hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã có công văn gửi các huyện, thị xã trong vùng Ngọt hóa Gò Công kiên quyết cắt vụ lúa thu đông 2023 để tập trung xuống giống vụ lúa đông xuân 2023-2024. Đây được xem là một trong những giải pháp căn cơ để ứng phó với hạn, mặn cho khu vực phía đông của tỉnh trong những năm qua.

Trên thực tế, tại nhiều xã như: Long Bình, Bình Tân, Yên Luông, Thạnh Trị, Đồng Thạnh, Bình Phú, Thành Công (huyện Gò Công Tây); Phước Trung, Tăng Hòa, thị trấn Tân Hòa (huyện Gò Công Đông)…, nông dân đã tranh thủ xuống giống vụ lúa thu đông 2023 sau khi thu hoạch xong vụ hè thu, không tuân thủ khuyến cáo cắt vụ của tỉnh và địa phương.

Ông Nguyễn Văn Mười ở xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây vừa thu hoạch xong 0,3 ha lúa hè thu 2023, tranh thủ làm đất để xuống giống vụ lúa thu đông 2023. Ông Mười cho rằng, khu ruộng của ông nằm gần kênh dẫn nước nên gia đình tiếp tục gieo sạ vụ lúa thu đông mà không cắt vụ. Giống lúa OM 5451 là giống lúa ngắn ngày nên được ông chọn để trồng nhằm rút ngắn thời gian và bảo đảm kịp thời gian xuống giống vụ đông xuân 2023-2024.

Hiện nay, nguồn nước ở tuyến kênh 14 còn rất dồi dào nên gia đình bà Nguyễn Thanh Nhàn ở xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) quyết định tiếp tục xuống giống vụ lúa thu đông. Theo bà Nhàn, vụ thu đông năm nay, 0,4 ha đất được bà thuê lại sẽ gieo sạ giống lúa Đài Thơm 8.

Bà Nhàn cho biết: “Năm rồi, gia đình tôi cũng không cắt vụ lúa thu đông, sản xuất ba vụ/năm và không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Năm nay, dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền nhiều nhưng tôi cũng như nhiều người dân nơi đây vẫn quyết gieo sạ vụ thu đông, bởi phần ruộng thuê này nằm cặp kênh 14, nguồn nước dồi dào nên đỡ lo thiếu nước hơn những khu vực khác. Làm ruộng một năm ba vụ nếu bỏ bớt một vụ sẽ thất thu”.

Ở vùng ven thị xã Gò Công, nông dân tại các xã như: Bình Xuân, Tân Trung, Long Chánh… đang tiến hành xuống giống vụ lúa thu đông rất nhiều. Ông Trần Văn Thanh ở xã Long Chánh, thị xã Gò Công đang bón phân cho ruộng lúa vụ thu đông gieo sạ được năm ngày. Gia đình ông đã được chính quyền tuyên truyền, vận động cắt vụ lúa thu đông do dự báo xâm nhập mặn mùa khô tới đây sẽ gay gắt. Tuy nhiên, ông cũng như nhiều người dân chung quanh không đồng thuận. Theo ông Thanh, giá lúa đang tăng cao, nếu cắt vụ lúa thu đông thì những tháng đất nghỉ cũng không gieo trồng cây gì khác. Cỏ mọc lên lại phải tốn tiền phun thuốc diệt cỏ. Trong khi đó, tiền hỗ trợ chỉ có 200.000 đồng/công đất (1.000 m2)…

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, mặc dù địa phương đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cắt vụ lúa thu đông để tránh ảnh hưởng bởi hạn, mặn, nhưng nhiều nông dân chưa đồng thuận cao. Các địa phương đang tiến hành rà soát và yêu cầu nông dân cam kết nếu xuống giống vụ lúa thu đông 2023 thì không xuống giống vụ lúa đông xuân 2023-2024.

Huyện Gò Công Tây là một trong những địa phương đã xuống giống vụ lúa thu đông 2023 hàng nghìn héc-ta dù địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân cắt vụ rất nhiều lần. Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây, nông dân vẫn kiên quyết xuống giống và chấp nhận rủi ro. Năm nay, giá lúa tăng cao, thêm vào đó, những ngày qua mưa nhiều, nguồn nước phục vụ ổn định nên nhiều nông dẫn đã gieo sạ vụ lúa thu đông.

Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men cho biết: Đến nay, nông dân các huyện, thị xã vùng phía đông của tỉnh đã xuống giống vụ thu đông hơn 4.000 ha. Ngành nông nghiệp đã tham mưu lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản yêu cầu địa phương nào để nông dân xuống giống vụ lúa thu đông 2023 sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Bởi nếu nông dân vẫn gieo sạ vụ lúa thu đông thì vụ lúa đông xuân 2023-2024 phải xuống giống vào thời điểm tháng 12/2023 sẽ không bảo đảm cho công tác phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2023-2024.

Những năm gần đây, hầu hết thông tin dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn rất chính xác. Năm nay, dự báo mưa sẽ ít, kết thúc sớm và không có mưa trái mùa. Như vậy, mùa khô năm sau, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, khả năng mặn đến sớm hơn, có thể tương đương năm 2015-2016, thậm chí có thể bằng 2019-2020. Do đó, để sản xuất vụ lúa đông xuân hiệu quả phải kiên quyết cắt vụ lúa thu đông. Vì thế, việc người dân xuống giống vụ lúa thu đông khá nhiều đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng chung đến lịch mùa vụ của địa phương...