Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi, giá trị gia tăng cao và hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh đang được các cấp, ngành ở tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh triển khai, mang lại nhiều kết quả tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Nhãn lồng Hưng Yên tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn ở thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Nhãn lồng Hưng Yên tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn ở thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác

Chủ tịch UBND xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên Đỗ Xuân Huấn nhấn mạnh: xã Tân Dân luôn quan tâm, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng giá trị sản xuất, nên phần lớn diện tích đất canh tác của xã được quy hoạch, chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, như: cam, nhãn, chanh, bưởi, cây cảnh… đã nâng giá trị thu 1ha canh tác của xã đạt 265 triệu đồng/năm; góp phần hoàn thành mục tiêu thu nhập bình quân đầu người, giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Tân Dân.

Trong hơn 2 năm qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các cơ chế, chính sách, đề án, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý đối với cây trồng có thế mạnh của tỉnh. Các địa phương đã chuyển 1.238 ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nâng tổng số diện tích đã chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên lên hơn 19 nghìn ha. Diện tích nhiều loại cây trồng có giá trị thu nhập cao tăng nhanh, nhất là cây nhãn đạt khoảng 5000ha, tăng hơn 2% so với năm 2020, vải 1.200ha, tăng 4,51%, cây có múi khoảng 4.600ha, tăng 5,2%... Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hình thành các vùng chuyên canh trồng cây có giá trị cao, như: Vùng trồng chuối, trồng cam, bưởi ở huyện Khoái Châu và Kim Động; vùng trồng nhãn ở thành phố Hưng Yên, Khoái Châu và huyện Tiên Lữ; vùng trồng vải huyện Phù Cừ, vùng trồng hoa cây cảnh ở huyện Văn Giang…

Nhiều vùng trồng cây ăn quả và rau màu chuyển sang sản xuất theo hướng chất lượng cao, theo tiêu chuẩn GAP. Đến nay, tỉnh Hưng Yên có hơn 3.100ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGap, hơn 48ha sản xuất hữu cơ, 128 mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi , đã góp phần tăng chất lượng, sản lượng và giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác. Nhiều mô hình sản xuất rau, quả, cây dược liệu,... cho thu nhập cao gấp 3-5 lần so với sản xuất lúa; giá trị sản xuất trên một ha canh tác năm 2022 đạt trên 230 triệu đồng.

Tạo điều kiện cho việc chuyển đổi cây trồng theo phương thức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, tỉnh Hưng Yên khuyến khích việc tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Giai đoạn 2021-2022, các địa phương đã xây dựng được gần 180 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích thực hiện 3.795ha (bình quân khoảng 21ha/mô hình), tăng 40 mô hình và 606 ha so với năm 2020. Các cơ quan chức năng từng bước hoàn thiện việc đo vẽ bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến cuối năm 2022, đã cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với đất ở cho hộ gia đình, cá nhân được hơn 278 nghìn thửa đất, đạt 69,84% tổng số thửa đất cần cấp; cơ bản đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2025 của các huyện, thị xã, thành phố,...

Tỉnh Hưng Yên hàng năm đầu tư tổ chức triển khai các trình diễn, khảo nghiệm, chọn tạo nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và dịch bệnh đưa vào sản xuất, như: giống lúa Nếp thơm Hưng Yên; giống vải trứng và vải lai chín sớm Hưng Yên; công nghệ nuôi cấy mô giống hoa các loại..; ứng dụng công nghệ tưới phun nhỏ giọt tự động, tưới tiết kiệm nước, sản xuất nhà lưới, nhà màng,...; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Check.net; OTAS); ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về mạ khay, máy cấy phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp… Từ đó tác động, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo quy hoạch, gắn với nhu cầu thị trường.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên ảnh 1

Nông dân huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng vải lai chín sớm cho thu nhập hơn 250 triệu đồng/ha/năm.

Giai đoạn 2021-2022, nhiều giống cây trồng có giá trị kinh tế và mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao được đưa vào sản xuất; tổ chức lại sản xuất gắn với xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ nông sản được quan tâm, thúc đẩy và đạt được nhiều kết quả tích cực cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị kinh tế cao; giá trị thu được trên 1 ha canh tác năm 2022 đạt 230 triệu đồng/ha; góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 64 triệu đồng/người/ năm; toàn tỉnh Hưng Yên đã có 98 xã được công nhận xã đạt nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 70,5% tổng số xã và 24 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt tỷ lệ 17,3% tổng số xã.

Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, hiệu quả cao

Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Hưng Yên còn gặp một số khó khăn, tồn tại: một số địa phương chưa tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp; nhất là triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều; chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao chưa nhiều; còn hiện tượng bỏ ruộng, gieo cấy ngoài cơ cấu giống; việc tìm đầu ra cho các loại nông sản còn khó khăn. Đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng theo yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại còn nhiều hạn chế, nhất là hạ tầng đáp ứng sản xuất công nghệ cao. Tình trạng người dân vi phạm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp; ô nhiễm môi trường. Công nghệ bảo quản, chế biến chủ yếu vẫn là tiêu thụ sản phẩm thô hoặc chế biến thủ công quy mô nhỏ, hộ gia đình. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, hạn chế. Nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra...

Để khắc phục các tồn tại yếu kém, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chuỗi giá trị, hiệu quả cao, gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hưng Yên sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên ảnh 2

Nông dân huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng vải lai chín sớm cho thu nhập hơn 250 triệu đồng/ha/năm.

Tăng cường nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế để đưa vào sản xuất; ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng theo quy hoạch; hỗ trợ quảng bá, phát triển thị trường và chuyển giao công nghệ; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đào tạo khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân; xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đồng thời chủ động lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới theo phương thức đi tắt, đón đầu, đặc biệt là công nghệ giống, công nghệ tự động hóa, tin học hóa, công nghệ sau thu hoạch...