Mặc dù ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương và người dân đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ cây trồng, vật nuôi, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất ổn định, song thiệt hại do nắng nóng gây ra đối với cây trồng trong thời gian qua là không nhỏ, nhiều diện tích lúa thiếu nước bị khô héo, cây trồng, hoa màu bị chết...
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, thời tiết nắng nóng ở các tỉnh miền trung tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Nhiệt độ tăng cao làm cho đất khó giữ đủ độ ẩm để đáp ứng lượng nước hấp thụ nhiều của cây trồng trong mùa nắng hạn, vì vậy ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện kịp thời, đúng cách các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng như che phủ đất, tưới giữ ẩm, hạn chế sốc nhiệt, làm mát cây...
Thiệt hại do nắng nóng gây ra đối với cây trồng trong thời gian qua là không nhỏ, nhiều diện tích lúa thiếu nước bị khô héo, cây trồng, hoa màu bị chết...
Các huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các công ty quản lý và khai thác công trình thủy lợi, chi nhánh điện xây dựng lịch bơm nước, cấp nước cụ thể đối với diện tích lúa và hoa màu. Nếu nguồn nước tưới không bảo đảm đủ thường xuyên cho cây lúa và hoa màu thì phân chia nguồn nước tưới sao cho hợp lý để cây trồng không bị thiếu nước gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển.
Người dân cần theo dõi thường xuyên diễn biến của thời tiết để có các biện pháp chống hạn phù hợp đối với từng loại cây trồng. Quan trọng nhất với cây trồng là thường xuyên bảo đảm đủ nước tưới, được cung cấp nguồn dinh dưỡng hợp lý theo nhu cầu. Người dân được khuyến khích lắp đặt hệ thống nhà lưới, khoan giếng bơm, lắp giàn phun tưới nước tự động cho cây trồng…
Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần phổ biến và nhân rộng kinh nghiệm bảo vệ hiệu quả cây trồng trong mùa nắng nóng qua các mùa vụ trước của một số hộ gia đình ở các tỉnh miền trung như: Chủ động tích trữ nước trong các ao, hồ; gia cố hệ thống đê bao giữ nước trong vườn; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả thông qua đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới.
Nắng nóng kéo dài cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của một số loại rau màu, nhất là rau ăn lá, rau gia vị. Để rau màu phát triển tốt trong mùa nắng nóng cần tưới nước đầy đủ vào sáng sớm và chiều muộn, khi nhiệt độ giảm; đồng thời, bổ sung lượng phân bón cần thiết để cây sinh trưởng, phát triển tốt, không để tình trạng cây héo rũ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Một số gia đình đã làm vòm thấp và giăng lưới đen mắt thưa chống nắng từ 9 giờ sáng đến 15 giờ chiều, sau đó cuộn lên cho cây hấp thụ ánh sáng, bảo đảm phát triển bình thường.
Nhiều hộ gia đình trồng cây ăn trái đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây từ các vụ trước, nay khơi thông cho nước chảy đều khắp; tăng cường bón phân hữu cơ, sử dụng cây cỏ, rơm rạ che chắn mặt đất, bảo vệ vườn cây trong mùa nắng nóng.
Các biện pháp này khá đơn giản nhưng đã phát huy hiệu quả, cây ít bị thiệt hại. Vườn cây mới trồng, cây ăn quả đang trong thời kỳ ra hoa, quả non cần được tưới ẩm hằng ngày hoặc ít nhất 2-3 ngày/lần. Không tiến hành cắt tỉa cành, trồng mới các loại cây khi thời tiết nắng nóng gay gắt xảy ra.
Đối với diện tích đất cao, khô ráo, thiếu nguồn nước tưới cần chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn thích hợp, giúp cây phát triển và giữ nước tốt hơn...
Ở hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, một số diện tích đất trước đây trồng lúa, hoa màu cho năng suất, hiệu quả thấp (do thiếu nguồn nước) đã chuyển sang trồng dưa hấu, lạc, đậu xanh... vì đây là loại cây có khả năng chống chịu được với nắng hạn cho năng suất cao.
Hiện nay, mặc dù nắng nóng gay gắt chưa gây thiệt hại nghiêm trọng đối với sản xuất nông nghiệp nhưng người dân không nên lơ là, chủ quan, cần triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó với thời tiết bất lợi, bảo vệ hiệu quả cây trồng.