Hiện cả nước có 23 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép tạng. Bộ đã cấp phép hoạt động cho 10 ngân hàng mô, trong đó có một số ngân hàng mô chuyên biệt (tế bào gốc) và đã thực hiện được hàng nghìn ca ghép mô (giác mạc, da, tủy...).
Mới nhất, ca ghép da đầu tiên từ người cho chết não được thực hiện thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh.
Người ghép thận đầu tiên ở Việt Nam cách đây 30 năm đang có cuộc sống bình thường như nhiều người. Không ít bệnh nhân được ghép thận 2 lần, 3 lần vẫn sống khỏe mạnh sau 5 năm, 8 năm.
Việt Nam cũng thực hiện gần 500 ca ghép gan, tim, phổi, ruột, tay; ghép 2 tạng tụy, thận hay ghép 2 tạng tim, phổi.
Phẫu thuật ghép tạng là một trong các phẫu thuật phức tạp nhất của lĩnh vực ngoại khoa, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kỹ năng tổng hợp nhiều chuyên ngành và phải làm chủ được các biến chứng trong và sau mổ.
Ghép tạng cũng là sự hiệp đồng sức mạnh của rất nhiều các chuyên khoa: ngoại, tiết niệu, thận học, gan mật, tiêu hóa, ung bướu, chẩn đoán hình ảnh, tim mạch, gây mê hồi sức, huyết học, tâm lý, phục hồi chức năng,…
Nhờ ghép tạng, hàng nghìn người được hồi sinh; niềm tin vào trình độ của thầy thuốc Việt Nam được nâng lên. Cùng với những câu chuyện về hiến mô, tạng gây xúc động đã tạo nên hiệu ứng tích cực nhiều năm gần đây, số lượng người đăng ký hiến tạng sau chết, chết não tăng vọt.
Theo Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đến tháng 8/2022, trung tâm đã nhận đơn đăng ký hiến của gần 50.000 người. So với 8 năm trước chỉ 200 người đăng ký, số lượng này được đánh giá là ấn tượng.