Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, khi tiếp nhận, trên người anh M.Đ.T có nhiều vết thương sắc nhọn vùng thượng vị, kích thước 6x4cm do người bệnh tự dùng dao gây thương tích.
Nhận định đây là trường hợp có thể phối hợp giữa vết thương thấu bụng-ngực và cần phải được phẫu thuật khẩn cấp, ngay lập tức hệ thống “báo động đỏ bệnh viện” được kích hoạt. Người bệnh nhanh chóng được đưa vào phòng mổ, mặc dù huyết áp đã tụt thấp rồi ngừng tim.
Trong suốt 2 giờ phẫu thuật căng thẳng, kíp phẫu thuật tim mạch do Tiến sĩ Lô Quang Nhật, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch-Lồng ngực làm trưởng kíp phẫu thuật cho người bệnh gặp rất nhiều khó khăn, vì mất nhiều máu kèm tạo máu cục khoang màng tim, chèn ép tim và ngừng tuần hoàn đến 3 lần.
Với quyết tâm cứu sống người bệnh, toàn kíp phẫu thuật đã phối hợp chặt chẽ và dùng nhiều biện pháp để đưa nhịp tim của người bệnh quay trở lại như: mổ cấp cứu, thăm dò, xử trí theo thương tổn của vết thương; ép tim, đặt đường truyền vào tĩnh mạch lớn để truyền dịch, truyền máu, hạ thân nhiệt...
Khi tiến hành mở bụng theo vết thương, máu đỏ tươi trào ra ồ ạt qua đường thủng gan xuyên qua cơ hoành lên ngực, lúc này người bệnh tiếp tục ngừng tuần hoàn. Sau khi được ép tim ngoài lồng ngực( bác sĩ dùng tay trực tiếp xoa bóp tim) 2 lần, dù người bệnh đã có nhịp tim trở lại nhưng máu vẫn chảy ồ ạt qua vết thương. Nhận định đây là trường hợp có thương tổn tim, kíp phẫu thuật nhanh chóng phối hợp để mở ngực kiểm soát, xử trí vết thương.
Khi mở khoang màng ngoài tim thấy nhiều máu cục, máu đông, mỏm tim phần buồng thất thủng rách phức tạp với 5 lỗ thủng, đặc biệt có vết thương dài gần 3cm gây máu chảy ồ ạt. Lúc này, người bệnh lại ngừng tim một lần nữa, phẫu thuật viên chính vừa tiến hành xoa bóp, ép tim trong lồng ngực, vừa khẩn trương khâu những chỗ thủng rách của tâm thất, vừa bảo tồn tối đa những nhánh mạch vành tổn thương. Người bệnh đã được truyền 5 lít máu và các chế phẩm trong suốt cuộc mổ.
Sau phẫu thuật, điều kỳ diệu đã xảy ra, trái tim người bệnh đã đập trở lại và đáp ứng tốt với thuốc vận mạch, kiểm tra không thấy ruột bị thương tổn, máu đã được cầm qua vết thương, người bệnh nhanh chóng được chuyển về khoa Hồi sức tích cực-Chống độc để tiến hành các biện pháp hồi sức chuyên sâu. Sau phẫu thuật 7 ngày, người bệnh đã tỉnh và không cần phải sử dụng thuốc vận mạch.
Ca mổ thành công, người bệnh được cứu sống và xuất viện trở về nhà. Đây thật sự là một thành công lớn của kíp phẫu thuật Tim-Mạch liên khoa, khẳng định năng lực chuyên môn của đội ngũ bác sĩ, phẫu thuật viên của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, mở ra những cơ hội được cứu sống cho thêm nhiều người bệnh nguy kịch.