Lực lượng tiếp cận sớm nhất, gồm 20 cán bộ chiến sĩ công binh, quân y mang theo thùng cứu thương vào cấp cứu các trường hợp bị thương. Có bốn trường hợp bị thương nặng được đưa ra trước, trong đó có hai trẻ nhỏ từ khu vực sạt lở xã Trà Leng, đến Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My, chữa trị.
Hiện nay, xe cứu thương tiếp tục vào hiện trường, đưa các nạn nhân bị thương trong số những người mất tích ở Trà Leng đến bệnh viện cấp cứu. Người bị thương nặng sẽ tiếp tục được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam.
Theo Thượng tá Hà Ra Diêu, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Nam Trà My, tính đến đầu giờ chiều nay, đã cứu được 33 người, 16 người bị thương, trong đó có tám người bị thương nặng; tìm thấy sáu thi thể, còn 13 người chưa tìm thấy.
Những người may mắn sống là do được nước bùn đẩy dồn về chân núi, sau đó trồi lên trên lớp đất nên thoát chết.
Bác sĩ chuyên khoa I, Trần Thị Minh Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Bắc Trà My cho biết, đến 16 giờ chiều 29-10, Trung tâm Y tế huyện đã tiếp nhận năm bệnh nhân tại xã Trà Leng, trong đó có hai bệnh nhân nặng, qua hội chuẩn thống nhất chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam, điều trị.
Toàn tỉnh Quảng Nam, tới 16 giờ chiều 29-10, có 19 người chết do sạt lở đất, 22 người mất tích. Trong đó, huyện Nam Trà My có 14 người chết, 13 người mất tích; huyện Phước Sơn có năm người chết, tám người mất tích; huyện Bắc Trà My có một người mất tích.