Tuyên bố chung của G7 và Australia được đưa ra không lâu sau khi Ba Lan thông báo đồng ý với kế hoạch tương tự của EU, theo đó giữ cho giá trần đối với dầu mỏ Nga thấp hơn giá thị trường ít nhất 5%. Sau động thái “bật đèn xanh” của Warszawa, Séc - nước Chủ tịch EU đã triển khai các thủ tục về mặt văn bản để 27 nước thành viên EU chính thức thông qua quyết định này.
Theo đó, từ ngày 5/12, EU không còn mua dầu thô xuất khẩu của Nga và sẽ ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga từ ngày 5/2/2023. Mức giá trần đối với các sản phẩm dầu của Nga trong thời gian tới sử dụng cùng cơ chế đối với giá dầu thô.
Ngoài ra, cũng từ ngày 5/12, các công ty vận tải biển của EU chỉ được phép chuyên chở dầu thô của Nga nếu mặt hàng này được bán với giá bằng hoặc thấp hơn mức giá trần nêu trên. Các nước EU sẽ xem xét lại mức giá trần vào giữa tháng 1/2023 và sau đó là định kỳ hai tháng một lần. Giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 45 ngày sẽ được áp dụng đối với những tàu nhận dầu của Nga trước ngày 5/12 và sẽ được giao tại điểm cuối trước ngày 19/1/2023.
Từ ngày 5/12, EU không còn mua dầu thô xuất khẩu của Nga và sẽ ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga từ ngày 5/2/2023. Mức giá trần đối với các sản phẩm dầu của Nga trong thời gian tới sử dụng cùng cơ chế đối với giá dầu thô.
Các nước tham gia “Liên minh giá trần” sẽ chỉ được phép mua dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ vận chuyển qua đường biển được bán bằng hoặc thấp hơn mức giá trần. Cơ sở để áp đặt biện pháp này là việc phương Tây nắm trong tay các công ty vận tải biển và bảo hiểm danh tiếng, vốn cung cấp 85-90% bảo hiểm, tái bảo hiểm và dịch vụ cho xuất khẩu dầu thô của Nga.
Phần lớn các công ty vận chuyển và bảo hiểm lớn đều có trụ sở tại các nước G7 nên việc giới hạn giá được cho là sẽ khiến Nga rất khó bán dầu với giá cao hơn mức giá đã định. Quyết định nêu trên là một phần trong các biện pháp trừng phạt nhằm cắt giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, trong khi vẫn để dầu mỏ của Nga lưu thông trên thị trường quốc tế.
Phản ứng trước quyết định của phương Tây, Nga khẳng định giá trần mà phương Tây áp đặt với dầu mỏ của Nga là động thái nguy hiểm, sẽ làm mất ổn định thị trường năng lượng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho mọi quốc gia. Các biện pháp như vậy không chỉ là một cơ chế phi thị trường mà còn là chống lại thị trường, phá hủy chuỗi cung ứng và có thể làm phức tạp đáng kể tình hình trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Nga cho rằng, việc áp giá trần đối với dầu mỏ của nước này là biện pháp không hiệu quả, mang tính phi thị trường, can thiệp vào thị trường và đi ngược lại tất cả các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiện Chính phủ Nga đang xem xét cơ chế cấm buôn bán dầu mỏ trong điều kiện bị áp giá trần. Nga tuyên bố sẽ không cung cấp dầu mỏ cho các quốc gia ủng hộ áp giá trần, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục tìm được khách hàng mua dầu mỏ của Nga.
Là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu, đồng thời là quốc gia có tiếng nói quan trọng trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), việc Nga đưa ra các biện pháp đáp trả sẽ tác động lớn tới thị trường dầu mỏ nói riêng, thị trường năng lượng thế giới nói chung.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, “cuộc chiến dầu mỏ” giữa Nga và phương Tây càng gây căng thẳng cho thị trường và ảnh hưởng tới an ninh năng lượng.