Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc góp ý kiến Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, đã đến thời điểm chín muồi để tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và cũng là thời điểm để có thể ban hành nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ðây có lẽ là niềm mong chờ của toàn ngành nông nghiệp cũng như khu vực nông thôn và hàng chục triệu nông dân trên cả nước, bởi lẽ chưa bao giờ nền nông nghiệp Việt Nam đứng trước những cơ hội lớn và đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay, đòi hỏi phải có định hướng phát triển mới và toàn diện. Thách thức đến từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; từ những quy định mới về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của hầu hết các quốc gia nhập khẩu trên thế giới. Trong điều kiện dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp thì an toàn dịch bệnh cũng đang là mối lo lớn trong sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa. Ngoài ra, thách thức còn đến từ công cuộc “chuẩn hóa” đội ngũ nông dân, đưa họ trở thành những nông dân chuyên nghiệp thông qua việc từ bỏ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ “mạnh ai nấy làm”, “ruộng nhà ai nhà nấy cấy” để thay bằng tư duy liên kết, hợp tác. Thách thức đến từ việc làm thế nào để xây dựng nông thôn mới thực sự mới, không chỉ là sự khang trang của các công trình điện, đường, trường, trạm... mà còn là sự đa dạng, hiệu quả trong các mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp; sự lớn mạnh của các tổ hợp tác, hợp tác xã; sự hiện diện của các vùng nguyên liệu tập trung, các nhà máy chế biến ở các làng quê...

Song, bên cạnh những thách thức ấy còn là nhiều cơ hội lớn. Chuyển đổi số đang mở ra tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt Nam với việc áp dụng các công cụ mới trong sản xuất như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) giúp đơn giản và hợp lý hóa việc thu thập, kiểm tra và phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp bằng các cảm biến và quản lý dữ liệu Big data; ứng dụng robot trong nông nghiệp; thiết bị máy bay không người lái; công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc... Bên cạnh đó là xu hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn... cũng đang mở ra những hướng đi mới để tiến đến mục tiêu tăng trưởng xanh của toàn ngành.

Mặt khác, các vấn đề “nóng” như thể chế về đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp cũng đang được khẩn trương hoàn thiện; đầu tư vào nông nghiệp thu hút được sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức; nông thôn cũng đã bước đầu trở thành điểm đến để giới trẻ khởi nghiệp kinh tế nông nghiệp. Ðáng chú ý, thời gian vừa qua, Việt Nam đã tham gia vào hàng loạt hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới, tạo lợi thế cho nông nghiệp nước nhà hội nhập và lớn mạnh.

Chính vì vậy, tại thời điểm này, một nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mang “hơi thở mới” của cuộc sống với tầm nhìn và giải pháp mới cho những vấn đề thời sự đang đặt ra là vô cùng cần thiết, nhằm tạo “lực đẩy” phát triển khu vực nông thôn mạnh hơn nữa, từ đó nâng cao đời sống nông dân, đồng thời củng cố vai trò trụ đỡ nền kinh tế của ngành nông nghiệp.