Xe đạp thồ cùng dân công tỉnh Thanh Hóa từng được huy động phục vụ chiến dịch Thượng Lào. Trước yêu cầu số lượng lớn lương thực, thực phẩm để phục vụ bộ đội ta thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” ở Mặt trận Ðiện Biên Phủ; cấp ủy, ủy ban kháng chiến hành chính các cấp tỉnh Thanh Hóa đã quán triệt chủ trương, đưa ra dân bàn bạc, phát huy tinh thần xung phong của mỗi cá nhân, tự nguyện của các gia đình.
Tại Thanh Hóa, ban bảo trợ dân công được thành lập, vận động các gia đình góp xe đạp, nhân dân góp tiền mua sắm thêm phương tiện, thiết bị, công cụ, vật tư y tế dự phòng, bảo đảm hậu cần cho các đoàn dân công.
Sau thao diễn kỹ thuật, kỹ năng, các dân công hướng dẫn, trợ giúp nhau gia cố phương tiện nhằm tăng tải trọng, năng suất vận tải. Dân công tháo, cất đôi gác đờ bu trên hai bánh xe; chế tác, gia cố thêm đôi bu lông dài néo hai càng trước xe đạp với ghi đông, cổ phoóc. Phía trước uốn, hàn, buộc rọ thép bỏ đồ dùng, vật dụng; cây đèn chai bỏ vào ống luồng khoét lỗ buộc thấp vào càng trước xe để thắp, chiếu sáng lối đi.
Nhân viên Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa giới thiệu về phương tiện vận tải phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Ông Trần Khôi, 97 tuổi, ở thành phố Thanh Hóa, nguyên Chính trị viên Ðại đội xe thồ phục vụ chiến dịch Ðiện Biên Phủ cho biết: Ðể chở hàng tạ gạo, dân công sử dụng những thanh tre chắc, buộc chống từ vành vào may ơ trục bánh xe. Trong khung xe đạp lắp cọc gỗ theo phương thẳng đứng, đỡ ống khung ngang, buộc ngang nẹp luồng định vị khung với gác ba ga phía sau để các bao chứa lương thực không chèn ép vào bánh xe.
Dân công còn dùng dép cao su hãm bánh sau xe, cắm đoạn tre già néo song song với tiếp đứng khung xe đạp làm cọc thồ có lắp phanh tay ở vị trí thường cầm để hãm tốc độ, buộc chếch đoạn tre nhỏ vào ghi đông trái để cầm lái và ghé, tì vai vào cọc thồ, đẩy phương tiện. Tháng 3/1954, đại đội gồm 100 xe đạp thồ cùng xe ban chỉ huy, y tế, xe chở vật tư dự phòng kiêm sửa chữa phương tiện đi về huyện Thọ Xuân. Nhận gạo ở xã Xuân Lập, đoàn xe đạp thồ ngược lên miền tây Thanh Hóa, sang tỉnh Hòa Bình, hướng về Ðiện Biên.
Xe đạp thồ đi cách nhau theo tốp ba phương tiện, gọi là “tổ tam tam” nhằm tránh máy bay đánh phá, trợ giúp nhau vượt đèo, dốc, tràn trên suối. Ban ngày nghỉ trong rừng, chiều dần muộn đoàn xe đạp thồ vận hành tải lương.
Ông Khôi đã cùng ban chỉ huy cảnh báo phòng tránh máy bay địch, quản lý, động viên tinh thần dân công, hỗ trợ khắc phục sự cố. Gặp điểm nước suối ngập sâu, dân công tháo, di chuyển các bao bì chứa lương thực qua rồi tiếp tục hành trình. Tiếp đó, đại đội đóng quân trong rừng gần khu vực Suối Rút, hằng ngày nhận lương thực từ kho, vận chuyển đến khu vực ngã ba Cò Nòi giao hàng, rồi trở lại địa điểm đóng quân; hôm sau lại hành trình tải lương dưới tầm trinh sát, oanh tạc của không quân địch.
Chiếc xe đạp thồ của dân công Trịnh Ngọc trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. |
Từ tháng 3/1954 trở đi, thị trấn Thanh Hóa tổ chức 17 đợt dân công, 1.780 xe đạp thồ, hoạt động vận tải trên tuyến đường từ Thanh Hóa đi Hồi Xuân-Phú Lệ-Suối Rút-Mộc Châu-Cò Nòi đến Sơn La.
Các “tổ tam tam” với nhiều sáng kiến, kinh nghiệm đã tăng năng suất vận tải lên gấp hai lần. Nhiều xe đạp thồ liên tục phá kỷ lục vận tải, tiêu biểu như tại trung tuyến, Chiến sĩ thi đua Ðào Ðức Tỵ (Cao Tỵ) cùng phương tiện nâng năng suất từ 160 kg lên 195 kg, rồi 250 kg và thường xuyên đạt tải trọng 3,2 tạ hàng hóa/chuyến.
Ở hậu tuyến, Chiến sĩ thi đua Trịnh Ngọc đạt kỷ lục vận tải hơn 3,45 tạ hàng/chuyến. Thị trấn Thanh Hóa được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cờ thi đua khá nhất về thành tích của đoàn xe đạp thồ và các điển hình năng suất cao; 13 Chiến sĩ thi đua được tặng Huy hiệu Bác Hồ.
Từng đi dân công gánh gạo phục vụ các chiến dịch, ông Lê Văn Minh, sinh năm 1933, ở xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa trúng tuyển thanh niên xung phong. Tháng 2/1954, ông Minh cùng hơn 20 người đi bộ về xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa nhận hải sản khô, gánh về khu vực tập trung quân ở xã Thọ Vực. Lực lượng thanh niên xung phong được biên chế thành các đơn vị, quán triệt tinh thần chỉ đạo cùng nhiệm vụ, rồi hành quân bộ hai ngày đến huyện Lang Chánh. Ông Minh cùng Ðại đội 415, Ðội 40, thuộc Ðoàn thanh niên xung phong Trung ương nhận mỗi người một xe đạp thồ cùng hai bao bì chứa hai tạ gạo. Phương tiện đã lắp sẵn phụ kiện, kể cả chiếc “đèn gầm” hình hộp, hoặc chụp bằng vỏ chai thủy tinh.
Các thanh niên xung phong chế tác thêm cụm phanh bằng mảnh cao su phía càng sau xe đạp, sử dụng giảm tốc độ khi đổ dốc. Xuất phát từ huyện Lang Chánh, các “tổ tam tam” cơ động, hỗ trợ nhau vượt dốc Sáp Ong, qua Ðồng Tâm, vượt phà cáp Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, sang huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Liên lạc cùng xe hậu cần đi trước trinh sát cung đường, chuẩn bị ăn, nghỉ, Chính trị viên, Ban chỉ huy Ðại đội cơ động đôn đốc, hỗ trợ các nhóm và bộ phận mang theo phụ tùng, linh kiện kịp thời trợ giúp xe gãy nan hoa, lệch vành, thay bánh, săm, lốp, khắc phục hư hỏng phương tiện. Sau 17 ngày, ban ngày nghỉ ở các lán trại dựng dưới tán rừng, đêm vận hành xe đạp thồ tải gạo, đại đội xe đạp thồ của ông Minh đến khu vực ngã ba Cò Nòi giao hàng cùng phương tiện.
Thời điểm đó ngã ba Cò Nòi bị máy bay địch ném bom phá, cho nên chi chít hố bom, thảm rừng cháy nham nhở. Ðội 40 có thanh niên xung phong Trịnh Xuân Hiền được phong tặng Chiến sĩ thi đua phá bom nổ chậm, nhưng cũng có nhiều dân công, thanh niên xung phong hy sinh tại những “tọa độ lửa”. Ðại đội thanh niên xung phong của ông Minh tiếp tục bám tuyến san lấp hố bom, sửa đường từ ngã ba Cò Nòi đi Tuần Giáo để các phương tiện, bộ đội hành quân, các đoàn dân công gùi, gánh gạo vượt đèo Pha Ðin, hướng về Ðiện Biên Phủ.
Ngoài số lượng xe đạp thồ do Hội đồng cung cấp mặt trận trang bị, tỉnh Thanh Hóa còn huy động 3.500 xe đạp thồ, hoạt động trên các tuyến vận tải từ hậu tuyến, trung tuyến, đến hỏa tuyến trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Làm lán nghỉ trong rừng, tựa vách núi, trải tấm ni-lông, áo tơi ngả lưng, ngủ trên nền đất, không ít dân công bị sốt rét. Nhiều người bị thương do vấp, ngã, đổ phương tiện, hy sinh trên tuyến đường vận tải bởi bom, đạn địch.
Từ Ðồng Ðăng-Kỳ Lừa, tỉnh Lạng Sơn, chiến sĩ Dương Ðình Nhì, sinh năm 1936, ở xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa cùng Ðoàn pháo cao xạ 367 hành quân bằng phương tiện cơ giới hướng về Ðiện Biên Phủ, vừa trực tiếp chiến đấu bảo vệ các nút giao thông, điểm đèo dốc, cung đường trọng yếu vừa đánh chặn máy bay địch.
Ông Nhì cho hay, khu vực ngã ba Tuần Giáo lúc bấy giờ là trung tâm hậu cần, điểm tập kết, hành quân qua của nhiều lực lượng, trong đó có các đoàn xe đạp thồ đạt năng suất vận tải gấp 10 lần gánh bộ. Sản lượng thóc chuyển lên Ðiện Biên khá nhiều, lực lượng chức năng cùng nhân dân sở tại đóng cối xay thóc; sử dụng nan gỗ, luồng thưng nghiêng vách thành hình nón chóp ngược có đáy là nền đá; chặt, chế tác cây gỗ rừng thành chày nhún, giã gạo.
Từ hậu phương lớn, nhân lực cùng các phương thức vận tải, trong đó các đoàn xe đạp thồ phát huy hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu hậu cần phục vụ chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Riêng tỉnh Thanh Hóa cung cấp 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 350 con trâu, bò, hàng chục tấn rau, đậu, lạc, vừng.
Bà Nguyễn Thị Út Ngọt, sinh năm 1933, ở thôn Nguyên Thành, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa may mắn sống sót trong lần máy bay địch ném bom xuống khu vực hang Co Phương, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa vào ngày 2/4/1953 khiến tiểu đội dân công hy sinh tới 11 người, thông tin thêm: Dân công thường mang theo khẩu phần cơm cùng ống luồng chứa khoảng 2 kg muối rang lẫn ít thịt mỡ băm để sử dụng. Có chuyến, dân công nhịn đói cả ngày vì quá giờ phát hỏa, thậm chí ăn canh bầu, bí trừ bữa cả tuần nhưng luôn bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho bộ đội ăn no, đánh giặc.
Cựu Ðại tá không quân Pháp Gi-uyn Roa thú nhận: “Mặc dù nhiều tấn bom đã trút xuống các trục lộ giao thông nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ đứt. Không phải vì viện trợ của Trung Quốc giúp Việt Minh thắng tướng Na-va, mà chính là những chiếc xe đạp mang nhãn hiệu Pơ-giô thồ được từ 200-300 kg hàng, được điều khiển bởi những dân công ăn không đủ no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm vải ni-lông. Tướng Na-va bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”.
(Lược ghi theo các nhân chứng lịch sử, sử dụng số liệu, đánh giá trong các sách: “Thành phố Thanh Hóa 1947-1994”; “Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Thanh Hóa 1930-1954” và “Trận Ðiện Biên Phủ”, Nhà xuất bản Giu-li-a, Paris 1964).