Chiều 25/4, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”.
Dự và chủ trì hội thảo có PGS, TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị; TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội. Cùng dự có đại diện các đơn vị thuộc Báo Kinh tế và Đô thị, Đại học Luật Hà Nội, thành phố Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học...
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là một bước tiến lớn trong công cuộc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Trong đó, các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về con người của nước ta.
PGS, TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: KHÁNH HUY) |
Điều 16 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh việc thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc hơn so với quy định trong văn bản trước đây khi Luật Thủ đô năm 2012 chỉ đặt ra quy định chung về vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và các cơ quan báo chí-truyền thông thảo luận, đóng góp các ý kiến khoa học về vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó giúp các cơ quan báo chí-truyền thông thông tin sâu hơn về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Tại hội thảo, các tham luận, ý kiến phát biểu đã tập trung phân tích và làm rõ hơn nhận thức chung về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề trọng dụng nhân tài hiện nay, khẳng định đây là yếu tố nòng cốt để phát triển nhanh và bền vững cho kinh tế và xã hội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho ý kiến về tiêu chuẩn xác định nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao; làm rõ các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, thảo luận, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngàn năm văn hiến.
ThS Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trường Đại học Luật Hà Nội tham luận về vai trò của phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: KHÁNH HUY) |
Theo ThS Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trường Đại học Luật Hà Nội, nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng trong việc thực hiện những bước nhảy vọt, giúp Thủ đô Hà Nội có thể rút ngắn về thời gian, ứng dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ của thế giới, hướng đến phát triển nền kinh tế tri thức.
Đồng thời, đây cũng là nền tảng giúp Hà Nội nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập, cũng như thu hút và giữ chân nhà đầu tư. Do vậy, thành phố cần đưa ra những chính sách nhằm phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có chế độ đãi ngộ xứng đáng để giữ chân họ, bảo đảm sự trung thành, gắn bó lâu dài để cống hiến.
Đánh giá các quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về cơ bản có tính khả thi, có thể tạo ra cú hích cho phát triển nguồn nhân lực, ThS Nguyễn Thị Hồng Thúy đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với nguồn nguồn nhân lực chất lượng cao, ít nhất là ở 3 chế độ: thu nhập, nhà ở, vị trí việc làm phù hợp.
Hiện nay, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa quy định rõ nội dung về chế độ, chính sách riêng cho nhân lực chất lượng cao, mới chỉ có chế độ tiền lương thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói chung.
“Cần phải có các chế độ, chính sách đặc thù theo hướng thu nhập cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương khác mới có thể giữ nhân lực chất lượng cao làm việc lâu dài tại Thủ đô”, ThS Nguyễn Thị Hồng Thúy nói, đồng thời dẫn thí dụ tại Hàn Quốc, lương của các nhà khoa học không theo thang bậc lương chung mà được trả theo kết quả công việc.
Cũng theo ThS Nguyễn Thị Hồng Thúy, Hà Nội cần đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau như: sinh sống và làm việc toàn thời gian hoặc trong một thời gian nhất định ở trong nước; sống ở nước ngoài nhưng tham gia tư vấn, tham mưu, kiêm nhiệm… để vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức của những đối tượng này.
Bên cạnh đó, cần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là người nước ngoài cống hiến cho thành phố và đất nước bằng các chính sách phù hợp. Chẳng hạn, Chính phủ Singapore tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên năng lực, khả năng đóng góp chứ không phân biệt quốc tịch của người nhập cư. Chính phủ Nhật Bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người nước ngoài có tài năng đang làm việc tại nước này thông qua việc nới lỏng các hạn chế liên quan tới visa lao động...
Có chung quan điểm, TS Trần Thị Quyên, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng cho rằng, pháp luật về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cần mở rộng đối tượng thuộc diện thu hút, đó là những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước.
TS Trần Thị Quyên, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, pháp luật về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cần mở rộng đối tượng thuộc diện thu hút. |
Trong đó, đặc biệt chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số…
Đối với nhóm nguồn nhân lực chất lượng cao là kiều bào, trước mắt cần xây dựng hệ thống văn bản, nghị định, quy chế, hướng dẫn cụ thể nhằm thu hút hiệu quả và sự tham gia rộng rãi của lực lượng trí thức kiều bào; phối hợp với đội ngũ tri thức trong nước để triển khai các nhiệm vụ khoa học-công nghệ phù hợp với nhiệm vụ của địa phương.
Bên cạnh đó, theo TS Trần Thị Quyên, cần quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc bảo đảm quyền lợi, môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, cạnh tranh để phát huy được các nhân tố tài năng của nguồn nhân lực chất lượng cao đã thu hút. Việc thu hút được các tài năng làm việc trong khu vực công chỉ là điều kiện cần nhưng để giữ chân người tài năng thì cần phải có môi trường làm việc phù hợp với năng lực của họ.
Một đề xuất khác được TS Trần Thị Quyên đưa ra phải là xây dựng bảng lương riêng cho các nhân tài đã thu hút, có thể được xây dựng cao hơn từ 3 đến 5 lần so với bảng lương của những người cùng vị trí việc làm tương tự. Sự đãi ngộ này sẽ là động lực giữ chân nhân tài cho đất nước, tạo cho họ sự yên tâm công tác và cống hiến.
Ngoài ra, TS Trần Thị Quyên nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực này đối với sự phát triển của đất nước, bởi đây là nhóm lao động lõi của xã hội, đóng vai trò “đầu tàu” trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; là động lực chủ yếu tiếp cận và phát triển nền kinh tế tri thức; là điều kiện quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.