Cúng sức khỏe cho voi

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, voi không chỉ là tài sản lớn thể hiện sức mạnh, sự giàu có của gia đình, dòng họ mà còn là hiện thân của thần voi, biểu trưng của sự may mắn và bảo vệ buôn làng.
0:00 / 0:00
0:00
Nghi thức trong lễ cúng sức khỏe cho voi.
Nghi thức trong lễ cúng sức khỏe cho voi.

Vì vậy, từ ngàn xưa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã hình thành nhiều nghi lễ cúng voi để thể hiện lòng yêu thương, quý trọng đối với loài voi. Hiện nay, dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, số lượng đàn voi nhà cũng giảm mạnh, nhưng cộng đồng các dân tộc ở Đắk Lắk vẫn còn lưu giữ nhiều lễ nghi, tập tục liên quan đến voi, trong đó có lễ cúng sức khỏe cho voi được tổ chức hằng năm.

Để thực hiện các lễ cúng cho voi, thầy cúng phải là người có uy tín trong buôn làng và am hiểu tập tục. Lễ cúng sức khỏe cho voi thường được diễn ra vào đầu năm để cầu mong cho voi luôn khỏe mạnh, giúp đỡ gia chủ và nhắc nhở mọi người yêu quý, chăm sóc, bảo vệ voi.

Già làng Y Khiă Byă ở buôn Tunr, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những dũng sĩ săn voi một thời. Già cũng là thầy cúng voi uy tín nhất vùng cho nên các chủ voi khi tổ chức lễ cúng voi đều mời già cúng.

Già Y Khiă cho biết: Đồng bào M’Nông quan niệm, con voi là hiện thân của sự may mắn và thịnh vượng của buôn làng, là người thân trong gia đình, là niềm tự hào lớn của cộng đồng, dân tộc.

Voi có thần linh bảo vệ cho nên phải được chăm sóc chu đáo, cẩn thận, nếu chẳng may voi gặp nạn chết thì thần voi sẽ xử phạt cả buôn làng. Người nuôi voi và thuần dưỡng voi đều phải thực hiện những kiêng kỵ theo luật tục, nếu không tuân thủ thì cả voi và chủ sẽ gặp những điều không may.

Lễ cúng sức khỏe cho voi thể hiện lòng yêu thương, quý trọng của người M’Nông đối với voi, tạ ơn thần linh, cảm ơn voi đã giúp đỡ cho chủ nhà, buôn làng và mong voi luôn khỏe để phục vụ và gắn bó với con người. Những buôn còn nhiều voi dân làng thường tập trung làm lễ cúng chung cho tất cả voi.

Lễ cúng gồm các vật phẩm: Rượu cần, bánh nếp, hai tấm vải thổ cẩm, gạo, nến, sáp ong, chỉ sợi, vòng tay bằng đồng, một bát cơm, một quả trứng, một đĩa thịt có cả gan, lòng, một lá trầu có quét vôi…tất cả được bày vào cái nia. Ngoài ra, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mà lễ cúng tổ chức lớn nhỏ khác nhau. Lễ cúng tươm tất nhất là khi chủ nhà làm trâu ăn mừng, bình thường là heo nếu không có điều kiện thì làm gà.

Bắt đầu lễ cúng, thầy cúng gọi mời Yàng, thần núi, thần sông, thần voi…về chứng kiến và ban phát sức khỏe cho voi, cầu mong cho voi luôn được khỏe mạnh, giúp đỡ chủ nhà trong những công việc quan trọng. Các nài voi cũng được cúng sức khỏe, con voi nào được cúng, nài voi cũng được ban rượu, thịt và thực hiện nghi lễ cúng với ý nghĩa cam kết thương yêu voi như người bạn, chăm sóc cho voi luôn khỏe mạnh.

Sau lời khấn, voi được nài voi đưa đến gần thầy cúng và được đặt đầu heo, gạo, bôi tiết, tưới rượu lên đầu voi để cầu chúc voi luôn mạnh khỏe. Sau lễ cúng, người thuần dưỡng voi được chủ nhà mời uống rượu, ăn cỗ.

Cúng thần voi cũng được coi là tục lệ nhỏ mang tính chất gia đình, ấm cúng, cũng có tấu cồng chiêng, ca múa. Ngoài gia đình chủ voi, người thuần dưỡng voi, lễ này còn thu hút rất đông người dân trong buôn đến mừng voi với chủ nhà.

Ngày nay, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi, voi không còn phục vụ, giúp đỡ gia đình chủ voi những công việc như trước đây và số lượng voi ngày càng giảm dần.

Tuy nhiên, các nghi lễ, tập tục liên quan đến voi vẫn còn được đồng bào dân tộc M’Nông ở huyện Buôn Đôn và huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk gìn giữ, tuy đơn giản hơn so với trước đây (không còn các lễ cúng khi voi chửa, voi đẻ; cúng cắt ngà; cúng thần khi voi bị thương tích và mai táng khi voi chết…). Duy chỉ có lễ cúng sức khỏe cho voi được gìn giữ và tổ chức quy mô vào dịp Hội voi Buôn Đôn diễn ra vào tháng 3 hằng năm.

Lễ cúng sức khỏe cho voi là thông điệp nhắn gửi tới mọi người, nhất là cộng đồng dân tộc M’Nông, hãy chăm sóc, bảo vệ loài voi như người thân trong gia đình mình.