Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ: Tham nhũng làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước. Qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta đã nhận diện tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam; một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta. Đúng như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “chúng ta chưa bao giờ chủ quan; trái lại, luôn luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và sự tác hại của tệ tham nhũng ở mức độ cao nhất”.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc cực kỳ phức tạp khó khăn vì liên quan tới lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, chủ nghĩa cá nhân của những cán bộ có chức, có quyền.
Với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng và hệ thống chính trị, vai trò Trưởng Ban của đồng chí Tổng Bí thư, từ khi thành lập (năm 2013) đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã sâu sát, quyết liệt, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua đó khẳng định những kết quả đạt được, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn tiếp theo; lan tỏa quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Năm 2022, thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố được thành lập, hoạt động tích cực, bớt đi tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Kết quả thực tế công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian gần đây bám sát tư tưởng chỉ đạo và quan điểm mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên yêu cầu, trong nhiều bài viết của cuốn sách. Đó là: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được điều tra, khởi tố, truy tố và xử lý công khai.
Dù cán bộ đương chức hay đã về hưu, nếu có sai phạm đều bị xử lý, kỷ luật, thể hiện sự nghiêm minh của Đảng, sự thượng tôn pháp luật, góp phần cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ đối với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Đó chính là điểm nhấn trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thành tựu đó được đông đảo các tầng lớp nhân dân ghi nhận.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, cam go, nhưng nhân dân tin tưởng vào quyết tâm chính trị của Đảng, sự đồng lòng trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên. Đảng ta cần phải kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, bởi vì còn nhiều vụ án đang trong quá trình điều tra chưa được đưa ra xét xử và thậm chí còn chưa được phát hiện rõ.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng những giải pháp mạnh mẽ hơn, đồng bộ trên cơ sở kỷ luật Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và áp lực xã hội; Đảng ta sẽ tiếp tục làm nghiêm minh hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sớm đạt mục tiêu “là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước”.