Đi suốt từ triền núi Ngok Linh phía bắc đến thung lũng sông Đồng Nai phía nam, đâu đâu cũng gặp những buôn làng sắc dân bản địa. Trong không gian đó, hình ảnh những vị già làng, nhân sĩ, trí thức, người có uy tín vẫn luôn hiện hữu như những cột trụ, những biểu tượng vững chãi giữa núi rừng. Theo thống kê, hiện toàn vùng có 3.702 già làng và hàng nghìn người là nhân sĩ, trí thức, những người có uy tín.
Các vị tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã gương mẫu đi đầu, vận động buôn làng, dòng tộc định canh định cư, thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng kinh tế vườn hộ, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, từng bước chuyển đổi từ hình thức sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa.
Đây cũng chính là sự chuyển biến cơ bản trong tư tưởng và hành động của đồng bào. Nhờ sự chuyển biến đó mà cuộc sống của người dân ngày càng thay da, đổi thịt, tiến bộ và ổn định.
Những già làng, nhân sĩ, trí thức không chỉ tích cực vận động mà còn gương mẫu đi đầu để con cháu, dòng tộc, buôn làng làm theo. Nhiều vị đã trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi; đi đầu trong áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn thay đổi từ lao động thủ công sang máy móc hiện đại cho nên hiệu quả kinh tế cao, nâng mức sống gia đình.
Họ cũng chính là những người đi đầu trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hơn ai hết, họ nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục, nâng cao dân trí cho nên đã tích cực vận động con em đến trường học chữ.
Nhiều buôn làng đã lập quy ước để các gia đình, dòng tộc có con em trong độ tuổi đều phải đến trường; nếu có trường hợp học sinh bỏ học, các vị trực tiếp gặp gỡ và vận động gia đình đưa con em trở lại trường.
Những người tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn đi đầu trong các cuộc vận động đồng bào thực hiện các chương trình quốc gia về y tế, chăm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình được nhận thức thông suốt và tích cực hưởng ứng. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng được quan tâm thực hiện.
Những già làng, nhân sĩ, trí thức đã đi đầu trong việc vận động bà con, dòng tộc duy trì, phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, bảo tồn các lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, các loại nhạc cụ dân gian và ngành nghề truyền thống. Họ cũng là những người tích cực nhất trong việc bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, không tin vào thầy lang, thầy cúng.
Với uy tín và tinh thần trách nhiệm của mình, họ cũng đã phát huy tốt vai trò trong việc vận động đồng bào thực thi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Người uy tín tham gia hòa giải thành công hàng trăm vụ việc, những mâu thuẫn trong nội bộ dòng họ, buôn làng. Cùng với công cuộc xây dựng buôn làng bình yên, họ còn tích cực động viên con cháu, gia đình, dòng tộc, đồng bào nêu cao cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu chia rẽ khối đoàn kết giữa các dân tộc, đấu tranh kịp thời, kiên quyết với những kẻ vi phạm pháp luật…
Không thể nào kể hết những công lao, đóng góp của những già làng tiêu biểu, nhân sĩ, trí thức trong các buôn làng miền rừng núi Tây Nguyên. Họ sống chung với đồng bào mình, chung tiếng nói và hòa mình trong nền văn hóa truyền thống ngàn đời.
Là những người có uy tín, gương mẫu đi đầu, họ đã thể hiện rõ vai trò trong việc ghé vai cùng cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể gánh vác trách nhiệm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc của quê hương. Họ xứng đáng là những tấm gương sáng giữa xứ sở đại ngàn.