COP26: Nỗ lực toàn cầu mới nhằm ngăn chặn thảm họa khí hậu

NDO -

Ngày 31/10, các nhà lãnh đạo thế giới bắt đầu tề tựu tại thành phố Glasgow của Scotland để tham dự Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) - sự kiện được coi là cơ hội sống còn để cứu Trái đất khỏi những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP26 sẽ diễn ra tại Khuôn viên Sự kiện Scotland (SEC) ở Glasgow, Scotland. (Ảnh: Transport Scotland)
Hội nghị COP26 sẽ diễn ra tại Khuôn viên Sự kiện Scotland (SEC) ở Glasgow, Scotland. (Ảnh: Transport Scotland)

Được tổ chức sau một năm trì hoãn do đại dịch Covid-19, COP26 nhằm duy trì mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo các nhà khoa học, giới hạn này sẽ giúp con người tránh được những tác động tàn phá nhất mà biến đổi khí hậu có thể gây ra.

Để đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015 đòi hỏi phải có động lực chính trị cũng như nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ hơn để bù đắp cho các cam kết “trống rỗng” và hành động thiếu hiệu quả.

Hội nghị lần này cần bảo đảm các cam kết tham vọng hơn nhằm tiếp tục cắt giảm khí thải, duy trì hàng tỷ USD tài chính khí hậu, và hoàn thiện những quy tắc để triển khai Thỏa thuận Paris đã được gần 200 quốc gia đồng thuận ký kết.

Với mức cam kết cắt giảm phát thải như hiện nay của các nước, nhiệt độ trung bình của Trái đất sẽ tăng 2,7oC trong thế kỷ này và khiến mức độ tàn phá của biến đổi khí hậu càng thêm trầm trọng, như làm tăng cường độ các cơn bão, đẩy nhiều người đối mặt với nắng nóng và lũ lụt chết người, giết chết các rặng san hô và phá hủy các môi trường sống tự nhiên.

Sau bốn năm vắng mặt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, việc nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ quay trở lại vào các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc được cho là sẽ mang lại lợi ích cho hội nghị COP26 ở Glasgow.

Tuy nhiên, cũng giống nhiều nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Joe Biden sẽ tham dự COP26 mà không có sự bảo đảm chắc chắn về mặt lập pháp để đưa ra cam kết của mình trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua dự luật về khí hậu.

Theo bản dự thảo thông cáo chung Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome do Reuters tiết lộ, các nhà lãnh đạo G20 sẽ cam kết giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5oC, nhưng phần lớn sẽ né tránh đưa ra những cam kết chắc chắn.

Tuyên bố chung phản ánh sự khó khăn trong các cuộc đàm phán, song lại không thông tin chi tiết về các hành động cụ thể để hạn chế phát thải carbon.

Bóng đen Covid-19

Cùng với bối cảnh địa chính trị đầy thách thức, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã khiến Trung Quốc chuyển sang sử dụng nhiên liệu than gây ô nhiễm cao để giải quyết tình trạng thiếu điện trong nước, đồng thời buộc châu Âu phải gia tăng sử dụng một loại nhiên liệu hóa thạch khác là khí đốt.

Suy cho cùng, bản chất của các cuộc đàm phán sẽ là những câu hỏi về sự công bằng và lòng tin giữa các nước giàu có lượng phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu và các nước nghèo được yêu cầu khử carbon nền kinh tế mà không có đủ hỗ trợ về mặt tài chính.

Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm sự phân hóa giàu nghèo trên thế giới. Việc thiếu vaccine và hạn chế đi lại đồng nghĩa rằng một số đại diện từ các quốc gia nghèo nhất sẽ không thể tham dự hội nghị khí hậu lần này.

Ngoài ra, một số trở ngại khác như giá khách sạn cao ngất trời ở Glasgow cũng làm dấy lên lo ngại rằng đại diện của các nhóm xã hội dân sự từ các nước nghèo nhất – những đối tượng có nguy cơ cao nhất chịu tác động của sự nóng lên toàn cầu – sẽ không thể tham dự đông đủ.

Covid-19 sẽ làm cho Hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc lần này khác với bất kỳ hội nghị nào trước đây, khi mà 25 nghìn đại biểu từ các chính phủ, công ty, xã hội dân sự, người bản địa và giới truyền thông sẽ lấp đầy Khuôn viên Sự kiện Scotland tại Glasgow.

Tất cả các đại biểu đều phải đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và xuất trình xét nghiệm âm tính với Covid-19 để được phép ra vào mỗi ngày. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính phải cách ly trong 10 ngày và nhiều khả năng sẽ bỏ lỡ phần lớn chương trình của hội nghị.

Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ khởi động COP26 vào thứ Hai với hai ngày dành cho các bài phát biểu, trong đó có thể sẽ gồm một số cam kết cắt giảm khí thải mới, trước khi các nhà đàm phán kỹ thuật tranh luận về các quy tắc thực thi Thỏa thuận Paris. Các thỏa thuận mới có khả năng đạt được vài giờ hoặc thậm chí là vài ngày sau thời điểm bế mạc hội nghị (ngày 12/11).

Không giống như các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trước đây, sự kiện lần này sẽ không mang lại một hiệp ước mới hay một “chiến thắng” lớn mà nhằm bảo đảm những chiến thắng nhỏ hơn nhưng quan trọng về các cam kết cắt giảm khí thải, tài chính khí hậu và đầu tư.

Cuối cùng, thành công sẽ được đánh giá dựa trên việc liệu những thỏa thuận đó có tạo ra đủ tiến bộ để duy trì mục tiêu 1,5oC hay không.

Kể từ sau Thỏa thuận Paris năm 2015, các nhà khoa học đã đưa ra những cảnh báo ngày càng khẩn cấp rằng mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5oC đang dần vượt ra ngoài tầm với. Để đạt được mục tiêu trên, lượng phát thải toàn cầu phải giảm mạnh 45% vào năm 2030 so với mức năm 2010, và đạt mức ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này đòi hỏi những thay đổi lớn đối với hệ thống giao thông, sản xuất năng lượng, sản xuất và canh tác của các nước. Với mức cam kết hiện nay của các quốc gia, phát thải toàn cầu sẽ tăng 16% trong thập kỷ tới.

Bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu