Công tác thông tin, truyền thông cảnh báo có vai trò đặc biệt quan trọng để phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai

NDO - Từ thực tiễn ảnh hưởng thiệt hại do mưa bão, lũ quét xảy ra trên địa bàn thời gian qua, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, khẳng định: Công tác thông tin, truyền thông cảnh báo có vai trò đặc biệt quan trọng để phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên cung cấp thông tin, địa điểm các khu vực nằm trong vùng nguy cơ cao ảnh hưởng do mưa lũ, thiên tai đã được hệ thống thành sơ đồ.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên cung cấp thông tin, địa điểm các khu vực nằm trong vùng nguy cơ cao ảnh hưởng do mưa lũ, thiên tai đã được hệ thống thành sơ đồ.

Nhắc lại thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 2 gây lũ quét tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) vào cuối tháng 7 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, cho rằng công tác thông tin, cảnh báo của chính quyền địa phương còn hạn chế. Cùng với đó là sự chủ quan của chính người dân ở địa bàn bởi suy nghĩ “mấy chục năm liền vùng này không có lũ lớn”, nên khi lũ quét đổ về bà con hoàn toàn bất ngờ, bị động.

Nghiêm túc rút kinh nghiệm từ thực tiễn đó, cùng với chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả lũ quét ở Mường Pồn, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã quyết liệt chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phải rà soát khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét trên địa bàn; thống kê số hộ dân, số người nằm trong vùng nguy cơ cao; đồng thời chủ động phương án sẵn sàng di chuyển, bố trí di dời người dân trong trường hợp khẩn cấp.

Công tác thông tin, truyền thông cảnh báo có vai trò đặc biệt quan trọng để phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai ảnh 1

Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó cơn bão số 3 tại huyện Mường Chà.

Khẩn trương thực hiện chỉ đạo, trong thời gian rất ngắn, các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh đã thực hiện kiểm tra, báo cáo thống kê có 2.337 nhà ở của người dân và 101 trụ sở, tuyến đường, công trình có nguy cơ ảnh hưởng thiệt hại do sạt lở đất đá, lũ quét. Trong đó, thị xã Mường Lay có 61 nhà, 1 trụ sở, 2 tuyến đường; huyện Nậm Pồ có 322 nhà, 11 trường học, 4 công trình thủy lợi, 4 tuyến đường và 1 trụ sở; huyện Mường Ảng có 223 nhà, 11 điểm đường giao thông, 1 cầu, 3 cống, 2 công trình thủy lợi; huyện Mường Chà có 341 nhà, 6 trường học, 6 tuyến đường, 5 trụ sở; huyện Điện Biên Đông có 81 nhà, 8 tuyến đường…

Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngay khi có báo cáo, số liệu các khu dân cư, công trình nằm trong vùng nguy cơ cao, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đã thông báo khẩn đến các sở, ngành tỉnh, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, các khu dân cư, các công trình và sản xuất nông-lâm nghiệp.

Đồng chí Lò Văn Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, cho biết: Trong số các giải pháp mà Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh hướng dẫn, yêu cầu thực hiện thì công tác thông tin cảnh báo và tuyên truyền đến nhân dân được chú trọng hàng đầu.

Trước nhất là trách nhiệm của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các sở, ngành phải chủ động theo dõi, cập nhật thường xuyên, kịp thời diễn biến thời tiết, mưa bão để phát đi thông tin tuyên truyền, cảnh báo đến toàn thể nhân dân; cùng với đó là thông tin, tuyên truyền các biện pháp, giải pháp ứng phó trước, trong và sau khi thiên tai, bão lũ xảy ra đến toàn thể nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng nguy cơ cao chủ động thực hiện để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của gia đình, cộng đồng.

Công tác thông tin, truyền thông cảnh báo có vai trò đặc biệt quan trọng để phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai ảnh 2

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) giúp người dân bản Na Cô Sa 4, xã Na Cô Sa di dời nhà khỏi khu vực nguy hiểm trước khi cơn bão số 3 đổ vào nước ta.

Chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, cảnh báo, trước thời điểm cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào nước ta, tại Công điện khẩn số 3973/CĐ-UBND, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô yêu cầu Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão lũ. Trong đó tập trung việc thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ cao; chủ động di dời, sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân)…

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, trước và trong những ngày bão số 3 đổ vào các tỉnh, thành trong nước, tại các huyện trong tỉnh Điện Biên, như: Nậm Pồ, Mường Nhé, Tuần Giáo, Mường Ảng và thị xã Mường Lay dù chưa mưa lũ nhưng các huyện đã rốt ráo thông tin, giao nhiệm vụ từng cá nhân, từng đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra từng địa bàn, dân cư.

Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo được các địa phương thực hiện với tần suất cao nhất, tập trung nhất để người dân không chủ quan, lơ là và không bị động. Bởi vậy, dù có rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng địa hình, mưa bão nhưng chỉ trong thời gian rất khẩn trương, các huyện: Nậm Pồ, Tuần Giáo, Điện Biên đã huy động cán bộ, chiến sĩ các lực lượng: Bộ đội Biên phòng, công an, bộ đội, dân quân tự vệ cùng nhân dân ở địa phương hỗ trợ hàng trăm gia đình ở các điểm bản dân cư di chuyển tạm đến nơi an toàn.

Tại các bản Huổi Toóng 1, Huổi Toóng 2 xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) - nơi mà trước đó 2 năm đã từng xảy ra sạt lở do mưa lũ thì nay người dân đã cập nhật bản tin thời tiết, chủ động theo dõi lượng mưa từng giờ để chủ động di dời. Ở nhiều điểm bản xa xôi trong huyện Nậm Pồ, Mường Nhé và ngay các điểm bản vừa bị lũ quét ở Mường Pồn vừa qua, người dân đã chủ động kiểm tra địa chất địa hình quanh bản để báo cáo chính quyền địa phương và đề nghị Bộ đội Biên phòng hỗ trợ chuyển dân khi khẩn cấp.

Công tác thông tin, truyền thông cảnh báo có vai trò đặc biệt quan trọng để phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai ảnh 3

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nà Bủng và nhân dân trong xã chung tay khắc phục ảnh hưởng mưa bão.

Từ việc được thông tin cảnh báo, thông tin nguy cơ thiệt hại tiềm ẩn nên người dân ở vùng nguy cơ cao trong tỉnh Điện Biên đã chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho gia đình, cộng đồng. Bởi vậy, dù ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 vừa qua dù gây mưa nhiều trên địa bàn nhưng cơ bản các khu, điểm dân cư ở vùng nguy cơ cao trong tỉnh Điện Biên đều không xảy ra thiệt hại về người, nhà ở.

Sáng 12/9, tại buổi làm việc với đoàn công tác Trung ương do đồng chí Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường, đã khẳng định: Điện Biên không chịu ảnh hưởng nhiều do bão số 3 như các địa phương khác; thiệt hại về người không xảy ra; tỉnh đã hạn chế thấp nhất thiệt hại tại các vùng nguy cơ cao được cảnh báo, khoanh vùng. Và đó là kết quả quan trọng của công tác truyền thông, cảnh báo nâng cao ý thức phòng, chống, chủ động phòng tránh đến nhân dân mà các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí, truyền thông đã nỗ lực thực hiện.

Công tác thông tin, truyền thông cảnh báo có vai trò đặc biệt quan trọng để phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai ảnh 4

Tại thị xã Mường Lay, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng đoàn viên thanh niên đã chung sức giúp nhân dân thu hoạch lúa trên đất bán ngập, hạn chế rất nhiều thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Từ bài học thực tiễn được chứng nghiệm sau cơn bão vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục phát huy kinh nghiệm, trách nhiệm với nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác phòng, chống bão, lũ; tiếp tục hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thời tiết và điều kiện cụ thể của từng địa phương để đưa ra cảnh báo, khuyến cáo, thông tin phù hợp, kịp thời. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý biện pháp chủ động, quyết liệt để giảm nhẹ thiệt hại về người do lũ, lũ quét, sạt lở đất.

“Với thực tiễn tỉnh chúng ta còn nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn thì thiệt hại thiên tai gây ra sẽ càng khiến người dân và địa phương thêm khó khăn. Do vậy quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống giảm thiểu thiệt hại do thiên tai bằng cách thông tin, cảnh báo với sự vào cuộc của các cơ quan thông tin, báo chí, truyền thông là việc cần ưu tiên thực hiện”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường khẳng định.