Chiều 25/9, tiếp tục chương trình tham dự Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 5 năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên đối thoại chính sách. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, lãnh đạo các thành phố, địa phương của các nước trên thế giới; các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Phiên đối thoại chính sách diễn ra với phần phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, sau đó là phần hỏi đáp với các bộ, ngành, địa phương bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương.
Phiên Đối thoại chính sách nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị cho Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự và chủ trì phiên đối thoại chính sách. (Ảnh: THANH GIANG) |
Khai mạc phiên đối thoại, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, nhờ vào chuyển đổi kinh tế số, chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách phát triển để bứt phá đi lên, tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo ra thách thức, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đầu tư nguồn lực phải lớn, nhân lực dồi dào, tăng cường hợp tác quốc tế, sự tích cực, chủ động của các địa phương là cần thiết nhưng những quyết sách của Trung ương là quan trọng, mang tính quyết định thành công của quá trình chuyển đổi.
Trong sự phát triển kinh tế của Thành phố, ngành công nghiệp có vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng rất cao. Bên cạnh những thành tựu đạt được, công nghiệp Thành phố đang đứng trước nhiều thách thức, do đó việc chuyển đổi công nghiệp Thành phố là hết sức cấp bách, phải phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chíp, vi mạch bán dẫn, điện tử, công nghiệp xanh gắn với chuyển đổi số, phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ như logistics, dịch vụ số, dịch vụ tài chính, hình thành các ngành công nghiệp mới như năng lượng mới, dược, văn hóa… Việc chuyển đổi này phải tính gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thành phố sẽ tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế; khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, ứng dụng hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các ngành. Để việc chuyển đổi công nghiệp thành công, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, xây dựng các chính sách ưu đãi mạnh mẽ, và những chính sách thuộc thẩm quyền của Thành phố.
Thành phố sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận hiệu quả nguồn lực theo cơ chế thị trường, tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, các thành phố trên thế giới.
Đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu mở đầu phiên đối thoại chính sách. (Ảnh: THANH GIANG) |
Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội đã mở ra nhiều cơ hội cho Thành phố Hồ Chí Minh trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội nói chung, chuyển đổi công nghiệp nói riêng, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, phiên đối thoại này là cơ hội để doanh nghiệp phản ánh kiến nghị, Chính phủ và chính quyền Thành phố lắng nghe, tìm kiếm giải quyết để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhận thức rằng sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình này chính là thành công của Thành phố, góp phần tiếp thêm nội lực phát triển mạnh mẽ theo tinh thần Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh.
Mở đầu đối thoại, Thủ tướng chia sẻ sự vui mừng vì được tham dự Diễn đàn - một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng; bày tỏ vui mừng vì sự quan tâm của các tổ chức, bạn bè quốc tế đối với Diễn đàn; cho rằng vấn đề chuyển đổi công nghiệp là phạm trù rộng nhưng cũng có giới hạn, là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Thành phố Hồ Chí Minh, là chủ đề mang tính thời sự, do đó Diễn đàn rất có ý nghĩa không chỉ với Thành phố Hồ Chí Minh mà cả Việt Nam, thậm chí cả quốc tế để học hỏi, chia sẻ lẫn nhau, từ đó trao đổi, dẫn đến hợp tác; chúng ta cùng chia sẻ, lắng nghe, cùng trao đổi về tầm nhìn, hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng có niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào. Thủ tướng tin tưởng chắc chắn rằng, sau Diễn đàn này, ai cũng thu nhận được nhiều kiến thức quý báu và tình cảm chân thành của Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong phần đối thoại, trả lời các câu hỏi của các đại biểu đặt ra tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra chủ trương, đường lối phát triển công nghiệp, trong đó có Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nhiệm vụ của Chính phủ là thể chế hóa, cụ thể hóa thể chế này. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải nắm chắc tình hình quốc tế, khu vực, liên quan tình hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phải dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của một quốc gia để phát triển chứ không công nghiệp hóa đơn thuần.
Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng phải phù hợp điều kiện Việt Nam, xu thế thế giới; xây dựng một số cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực thực hiện; góp phần phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, giao thông, chống biến đổi khí hậu, hạ tầng xanh, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa; hình thành quản trị phù hợp chuyển đổi, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; huy động được sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế.
Quang cảnh Phiên đối thoại chính sách trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 5. (Ảnh: THANH GIANG) |
Về phát triển khoa học công nghệ, theo Thủ tướng, trước hết phải phát triển giáo dục, đào tạo vì đây là nền tảng. Đảng đã xác định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, trong đó phải đổi mới giáo dục. Thời gian qua, Đảng đã ban hành Nghị quyết để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, trong đó trang bị kiến thức toàn diện; muốn khoa học công nghệ phát triển thì giáo dục phải phát triển.
Chính phủ cụ thể chủ trương, đường lối của Đảng bằng các thể chế; thể chế rất quan trọng để phát triển khoa học công nghệ vì chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; muốn đột phá về khoa học công nghệ thì vừa phải tăng cường nhận thức, hoàn thiện thể chế. Nếu chúng ta phát triển khoa học công nghệ mà không phát triển các môn khoa học cơ bản thì không thể phát triển khoa học công nghệ. Chúng ta phải tiếp tục bổ sung, xây dựng thể chế là một trong những đột phá. Chúng ta vẫn phải coi trọng nguồn lực con người.
Muốn phát triển khoa học công nghệ thì phải phát triển thị trường khoa học công nghệ; sản phẩm trí tuệ phải được giao dịch, coi đó là hàng hóa để giao dịch trên thị trường công khai, minh bạch, đúng giá trị, tuân thủ quy luật thị trường, tạo ra thị trường công nghệ cạnh tranh. Vốn của Nhà nước là vốn mồi, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.
Chúng ta cần tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy để hoạt động tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các cơ chế ưu đãi khuyến khích sự năng động, sáng tạo, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, trong đó có cả giải pháp về cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thủ tướng một lần nữa khẳng định muốn phát triển khoa học công nghệ thì nền tảng vẫn là giáo dục, đào tạo.
Theo Thủ tướng, để kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế, phong trào, nhất là trong bối cảnh cạn kiệt tài nguyên, thì Đảng ta xác định rõ chủ trương không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; một trong những yếu tố bảo vệ môi trường là kinh tế tuần hoàn để giảm thâm hụt tài nguyên, thí dụ rác thải sinh hoạt có thể sản xuất ra điện.
Phải nâng cao nhận thức, tạo cơ chế, chính sách để huy động mọi người dân, mọi quốc gia; có cơ chế huy động nguồn lực của người dân, sự tham gia của người dân tham gia kinh tế tuần hoàn có tính chất quyết định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận chính sách. (Ảnh: THANH GIANG) |
Phát biểu ý kiến kết luận phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khi tình hình thay đổi thì phải thích ứng tình hình, cách làm phải thay đổi để phù hợp, vươn lên phát triển; nêu rõ, hiện nay, tình hình thế giới về tổng thể là hòa bình, nhưng cục bộ vẫn có chiến tranh - Tổng thể là hòa hoãn, nhưng cục bộ vẫn căng thẳng - Tổng thể là ổn định, nhưng cục bộ vẫn có xung đột. Những vấn đề toàn cầu hiện nay liên quan tất cả các quốc gia, tất cả người dân, do đó chúng ta phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân, trong đó có chuyển đổi công nghiệp, vận dụng sáng tạo cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; muốn có chính sách hiệu quả thì phải nắm chắc diễn biến tình hình.
Về tình hình Việt Nam, Thủ tướng chia sẻ, sau 40 năm đổi mới, Việt Nam đã hình thành chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với 3 trụ cột chính là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt quá trình này, Việt Nam luôn lấy con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế, do đó Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ của tất cả các bên.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là hình mẫu tiêu biểu về hàn gắn và khôi phục lại sau chiến tranh. Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực; xây dựng nền an ninh quốc phòng là thường xuyên và trọng yếu, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc. Việt Nam theo đuổi chính sách quốc phòng “4 không”; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa là sức mạnh nội sinh; xây dựng Đảng lãnh đạo, trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên.
Trong tổng thể này có chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi năng lượng. Về những thành tựu đạt được, Thủ tướng nêu rõ, nền kinh tế trước khi đổi mới có quy mô khoảng 4 tỷ USD, nay vươn lên đứng thứ 33 thế giới, xuất khẩu đứng thứ 20 thế giới; thu nhập bình quân đầu người từ chỗ chỉ có 100 USD tăng lên đạt hơn 4.300 USD. Việt Nam đang giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài; bảo đảm các cân đối lớn.
Thủ tướng khẳng định mặc dù gặp nhiều khó khăn do hậu quả cơn bão số 3 nhưng Chính phủ đã nhanh chóng ban hành các chính sách để bảo đảm tăng trưởng, cố gắng giữ mức tăng trưởng kinh tế 7% năm nay. Trong nỗ lực chung đó, Thành phố Hồ Chí Minh có đóng góp quan trọng cả về tăng trưởng, thu ngân sách nhà nước. Thủ tướng cũng cảm ơn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đại dịch Covid-19 cũng như hiện nay luôn là trung tâm đổi mới, trung tâm tăng trưởng; luôn tiên phong trong nhiều lĩnh vực như đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng mong bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp tự hào về điều này.
Về chuyển đổi ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi công nghiệp không phải là công nghiệp thuần túy, mà chúng ta phải làm mới lại công nghiệp truyền thống, thí dụ ngành cơ khí chế tạo, hóa chất vẫn phải phát triển, nhưng phải phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí là lĩnh vực mới; phát triển các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm… đều có dáng dấp của công nghiệp. Thủ tướng hoan nghênh chủ đề của Diễn đàn năm nay rất “đúng và trúng”; cho rằng công nghiệp cũng nằm trong dịch vụ, trong dịch vụ có công nghiệp thí dụ như công nghiệp số, công nghiệp xanh…; chuyển đổi của Thành phố Hồ Chí Minh là chuyển đổi một cách toàn diện.
Việc này đặt mục tiêu tham vọng xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh mang thương hiệu quốc gia, vươn tầm khu vực và quốc tế, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nhân dân luôn được ấm no, hạnh phúc năm sau cao hơn năm trước, và Thủ tướng tin tưởng Thành phố sẽ đạt được mục tiêu này vì truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Nhấn mạnh quan điểm phát triển phải hài hòa giữa thiên nhiên, con người, kinh tế với văn hóa, Thủ tướng cũng cho rằng trong quá trình phát triển phải ưu tiên thể chế để phát triển hài hòa, nhanh và bền vững; coi trọng đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược gồm hạ tầng số, giao thông, y tế, văn hóa…; về nguồn nhân lực, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho vùng, cả nước; tập trung cho quản trị thông minh, xây dựng thành phố phát triển ngang tầm truyền thống lịch sử.
Thủ tướng nhấn mạnh phải tăng cường huy động nguồn hợp tác công tư, nguồn lực ngoài xã hội, thành phần kinh tế tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh có đủ điều kiện để thực hiện tốt việc này.
Chính phủ và các bộ, ngành phải xây dựng thể chế cùng với Thành phố Hồ Chí Minh; ưu tiên cho Thành phố về cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy; xây dựng chiến lược chung và riêng vì Thành phố Hồ Chí Minh có cái đặc thù, gánh vác trọng trách, sứ mệnh lịch sử nhiều hơn, cao hơn nên phải có chính sách phù hợp.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; các nhà quản lý, tổ chức phải hài hòa, doanh nghiệp cũng phải hài hòa.
Trách nhiệm của Thành phố Hồ Chí Minh đối với doanh nghiệp là phải bảo đảm chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững; các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển thành công thì Thành phố Hồ Chí Minh thành công; Nhà nước luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tuy nhiên phải xử lý những hành vi vi phạm pháp luật như trốn thuế, buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái… để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chính đáng.
Thủ tướng mong các đối tác ủng hộ Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh ưu đãi về tài chính; chuyển giao công nghệ cho Việt Nam phù hợp, hài hòa để tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; đa dạng hóa chuỗi cung ứng; đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, có chương trình đào tạo nguồn nhân lực mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, đối tác; về quản trị, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, do đó các đối tác ủng hộ cách quản trị thông minh. Về thể chế,
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp… Việt Nam đang từng bước hoàn thiện phương thức quản trị, tuy nhiên quá trình này sẽ nảy sinh mâu thuẫn mới, điều quan trọng là chúng ta biết lắng nghe với tinh thần 4 cùng: “cùng lắng nghe, thấu hiểu”, “cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động”, “cùng làm cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chiến thắng”, “cùng có niềm vui hạnh phúc và niềm tự hào”.
Thủ tướng tin tưởng Thành phố Hồ Chí Minh sau Diễn đàn này sẽ học hỏi được nhiều bài học kinh nghiệm, thu được “món quà” xứng đáng là sự chân thành, tình cảm và tin tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác để trao đổi thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề, góp ý mang tính xây dựng để Thành phố vươn lên phát triển mạnh mẽ, xứng tầm, vai trò và vị thế.