Thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thanh Hóa quan tâm lãnh đạo, điều hành phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, phát triển dữ liệu số; đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực nhằm đảm bảo đầy đủ các điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin, thúc chuyển đổi số thuận lợi, toàn diện.
Thực hiện khâu đột phá về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng, Trung tâm Điều hành thông minh tập trung và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (BigData), Khu công nghệ thông tin tập trung, từng bước xây dựng thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn thành các đô thị thông minh.
Chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện ở Thanh Hóa
Năm nay, doanh nghiệp viễn thông tiếp tục hướng hoạt động về cơ sở, khách hàng, hỗ trợ người dân chuyển đổi, nâng cấp, sử dụng mạng 3-4G. Các doanh nghiệp đầu tư mở rộng, xây dựng mới thêm các trạm BTS, nâng tổng số trạm BTS trên toàn tỉnh lên 9.433 trạm BTS, trong đó có 2.466 trạm 2G, 2.620 trạm 3G, 4.247 trạm 4G, 100 trạm 5G, bảo đảm cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng di động, phủ sóng đến 4.342 thôn, bản, đạt tỷ lệ 99,66% tổng 4.357 thôn, bản.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có 2.311 thiết bị cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng cố định với 4.342 thôn, bản được cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng cố định, đạt 99,66% tổng số thôn, bản.
Hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn, chuyển đổi số.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông, đóng góp 150 tỷ đồng/năm cho ngân sách địa phương, đồng hành trong công tác chuyển đổi số.
Trạm BTS của Viettel Thanh Hóa. |
Thanh Hóa phát huy lợi thế hạ tầng công nghệ thông tin, tăng thời lượng tuyên truyền về chuyển đổi số. Trang thông tin chuyển đổi số của tỉnh đã cập nhật, đăng hơn 856 tin, bài về các chính sách pháp luật, sáng kiến, cách làm chuyển đổi số phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, thu hút 8.273.551 lượt người theo dõi.
Các ngành, đơn vị chuyên môn tổ chức các hội nghị chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp, phát huy hệ thống phòng họp trực tuyến quán triệt, triển khai hướng dẫn mô hình chuyển đổi số cấp huyện và mô hình “3 không” cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã; tổ chức thi trực tuyến tìm hiểu chuyển đổi số.
Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đã đăng 12 nghìn tin, bài, phát 1,47 triệu lượt tin tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Thúc đẩy phát triển kinh tế số, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Theo đó, 100% doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thanh Hóa quan tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ số, nâng tổng số doanh nghiệp công nghệ số lên 615 doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh có 5.550 doanh nghiệp đạt mức độ chuyển đổi số theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Người lao động lắp màn hình led. |
Khởi nghiệp, lập nghiệp từ sản phẩm, công nghệ số, Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông số ADVTV Nguyễn Hữu Thế cho biết: Tự nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng đèn led phục vụ truyền thông, hiện doanh nghiệp cung ứng ra thị trường các sản phẩm: Màn hình tương tác ứng dụng cho gia đình, phần mềm soạn giảng giáo án điện tử ứng dụng trong hoạt động giáo dục, màn hình led quảng cáo và đang xây dựng công xưởng livestream, hỗ trợ doanh nghiệp, các chủ thể phát huy lợi thế bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Ngoài thị trường nội tỉnh, doanh nghiệp hợp tác, liên kết, cung ứng sản phẩm tới các tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ doanh nghiệp bộc bạch, cần chi phí cả tỷ đồng để tạo ra một sản phẩm số nhưng lợi nhuận không cao. Số đông khách hàng có tâm lý thích, chọn hàng ngoại trong khi sản phẩm sản xuất trong nước có chất lượng, mẫu mã, cơ chế bảo hành tương tự, nhất là giá bán thấp hơn.
Phần lớn doanh nghiệp công nghệ số tiếp nhận chuyển giao công nghệ, lắp ráp, ứng dụng sản phẩm số nên cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước sản xuất, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm số hơn nữa và quan tâm phát triển hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Cơ quan quản lý nhà nước nhận xét, các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; quan tâm ứng dụng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy sáng tạo, như ứng dụng công nghệ mới vào quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản phẩm thông minh.
Quá trình ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp dần hình thành, thiết lập hệ thống sản xuất kinh doanh có tính linh hoạt cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng, mang lại hiệu quả tích cực, đồng thời mang đến diện mạo, năng lực mới cho các doanh nghiệp.
Tuổi trẻ Thanh Hóa ứng dụng công nghệ số giới thiệu các di tích cách mạng. |
Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực. Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, các sản phẩm lợi thế ở địa phương đưa thông tin, hình ảnh sản phẩm lên sàn thương mại điện tử của tỉnh để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ hàng hóa; tham mưu thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.
Cổng dữ liệu mở của tỉnh thông tin liên quan đến các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, các điều kiện, năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân; công bố hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng của các đơn vị sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng, giá sản phẩm hàng tháng, quý, năm; thông báo danh sách các đối tượng dự kiến được mua, thuê nhà ở xã hội và bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, phát triển nông nghiệp và nông thôn được triển khai ứng dụng trong theo dõi diễn biến rừng, quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng thiết bị hiện đại phát hiện sớm cháy rừng, quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ và thiết bị giám sát đa dạng sinh học, phần mềm MapInfo chuyển bản đồ các khu bảo tồn phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra, lập tuyến tuần tra cố định trong rừng đặc dụng; vận hành hệ thống giám sát tàu cá, cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá; xây dựng, thiết lập hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng, từng bước truy xuất nguồn gốc nông sản…
Người tiêu dùng lựa chọn nông sản sạch, an toàn. |
Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo mở rộng, tăng cường phối hợp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Đến nay, 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh và 80% trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn đã sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, góp phần chống thất thu thuế, thất thu ngân sách. Thanh Hóa đã thực hiện rà soát gần 2,3 triệu mã số thuế cá nhân, đạt tỷ lệ 98,4%; các doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt tỷ lệ 84%.
Thanh Hóa được ghi nhận là một trong những địa phương đầu tiên trong toàn quốc ban hành Bộ tiêu chí và giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã.
Mô hình “3 không” (không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công; không dùng tiền mặt trong một số dịch vụ thiết yếu và không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền) được xây dựng, nhân rộng.
Đẩy mạnh chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã nên năm nay có thêm 10 huyện, 155 xã triển khai thực hiện, nhân rộng mô hình 3 không; nâng tổng số huyện, xã triển khai mô hình “3 không” trên địa bàn tỉnh lên 20 huyện, gần 230 xã, tăng gấp 3 lần so với năm 2023.
Các địa phương cùng cơ quan chức năng hướng dẫn, phối hợp chi trả không dùng tiền mặt đến người thụ hưởng các chính sách, an sinh xã hội. Toàn tỉnh, 32.654 người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đã có tài khoản, trong đó 21.275 người được chi trả mức thụ hưởng hằng tháng qua tài khoản, đạt tỷ lệ hơn 65,2% so với tổng đối tượng đã có tài khoản. Trong thực hiện dịch vụ công, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt gần 59%. Các tổ chức tín dụng cùng tổ chức đoàn thanh niên hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm chủ công nghệ, nhất là cài đặt các phần mềm tiện ích trên điện thoại thông minh, tạo mã QR, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhân viên ngân hàng hỗ trợ người mua, bán hàng ứng dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt. |
Theo Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), Thanh Hóa có tỷ lệ kinh tế số lõi 2,15%, kinh tế số lan tỏa 8,58%, tỷ trọng kinh tế số chiếm 10,74% trong GRDP toàn tỉnh năm vừa qua; xếp thứ 2 trong vùng Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước về kinh tế số. Về phát triển doanh nghiệp công nghệ số,
Thanh Hóa xếp thứ 5 vùng Bắc Trung Bộ và xếp thứ 32 cả nước. Thanh Hóa cần tiếp tục quan tâm phát triển thương mại điện tử, khu công nghệ thông tin tập trung ngành bán dẫn và điện tử, chuyển đổi số các khu công nghiệp, hoạt động nông nghiệp có thương hiệu, giá trị cao gắn với du lịch, thúc đẩy kinh tế xanh.
Các doanh nghiệp trong tỉnh nên tăng cường các hoạt động bán buôn, đặc biệt là nông sản trên các nền tảng xuyên biên giới, phát huy nền tảng số trong các hoạt động bán buôn và tỉnh cần có chính sách thúc đẩy tỷ trọng thương mại điện tử lên ít nhất 10% tổng bán lẻ hàng hóa.
Cũng theo các chuyên gia, riêng công nghiệp dệt may ở Thanh Hóa đóng góp 8,51% GDP ngành sản xuất trang mục cả nước. Áp dụng chuyển đổi số tăng doanh thu 17%, tương đương 2.400 tỷ đồng/năm cho tỉnh Thanh Hóa. Các giải pháp chuyển đổi số có thể giúp các nhà sản xuất giảm hơn 95% và 10% chi phí sở hữu và chi phí sản xuất, tạo cơ hội tăng năng suất tới 20%...
Theo đó, Thanh Hóa cần xây dựng bài toán phát triển kinh tế số có trọng tâm, trọng điểm, có tính dẫn dắt, đột phá; dùng nền tảng số dùng chung, không dùng các ứng dụng công nghệ thông tin rời rạc và phân định rõ nền tảng nào Trung ương làm, nền tảng nào địa phương làm; tích hợp các nền tảng có tính hạ tầng trong việc triển khai các ứng dụng số. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp số Việt Nam xây dựng các nền tảng số, ứng dụng số giải quyết, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế số; nên xây dựng các trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số ở các địa phương, triển khai thí điểm nhằm tìm ra công thức thành công để nhân rộng.
Cũng theo các chuyên gia đến từ các cơ quan Trung ương, với hộ nghèo, cận nghèo, nhất là khu vực miền núi nên sử dụng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích hỗ trợ để 100% người dân có smartphone, nếu số lượng hộ cần hỗ trợ vượt khả năng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích thì địa phương kết hợp các nguồn lực thực hiện hỗ trợ; nên chuyển đổi các khu, cụm công nghiệp hiện hữu thành các khu, cụm công nghiệp thông minh