Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa Trần Duy Bình giải trình, hoạt động khoa học và công nghệ mang tính đặc thù, đi tìm cái mới, có tính thử nghiệm, rủi ro cao. Dự án nghiên cứu ứng dụng không thành công cũng là một đóng góp để làm rõ hướng đi cho cộng đồng khoa học trong các nghiên cứu khác.
Nhiều điểm nghẽn trong hoạt động khoa học-công nghệ
Chính phủ hiện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá, các giải pháp toàn diện, hiệu quả để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo, trong đó xác định cần “Ban hành cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ; tập trung gỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ”.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa giải trình tại phiên chất vấn. |
Hoạt động khoa học và công nghệ luôn có độ trễ và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhiệm vụ còn những bất cập, nhiều điểm chưa rõ ràng, trình tự thủ tục thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ rườm rà, gây phiền hà, khó khăn, làm giảm hiệu quả “cấp thiết”, không tạo động lực cho các nhà nghiên cứu.
Thêm nữa, kinh phí bố trí cho ngành khoa học và công nghệ chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ được giao; đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện quản lý các nhiệm vụ ngành khoa học và công nghệ còn mỏng…
Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chất vấn lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa. |
Tại phiên họp, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chất vấn lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ về thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của các đề tài, đề án, dự án khoa học và công nghệ sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020-2023.
Ghi nhận thời gian qua hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ được triển khai ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả tích cực và phát huy tốt vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội; diễn đàn kỳ họp cũng chỉ rõ, nhân lực trực tiếp làm công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ ở Thanh Hóa còn ít và thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Nhiều sở, ngành, địa phương chưa đề xuất nghiên cứu khoa học và công nghệ, đề xuất nhiệm vụ chưa cân đối; tham mưu đề xuất, tuyển chọn, giao cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa thường xuyên và trách nhiệm chưa cao; sử dụng kinh phí thực hiện một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa thực sự hiệu quả, tỷ lệ cấp kinh phí thực hiện hàng năm thấp so với dự toán giao.
Một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi triển khai thực hiện chưa thực sự thiết thực, hiệu quả, chưa đáp ứng mục tiêu đề ra, phải dừng thực hiện, gia hạn thời gian thực hiện nhiệm vụ; thực hiện xong nhưng nghiệm thu không đạt; chậm đưa vào ứng dụng hoặc đưa vào ứng dụng phục vụ sản xuất và đời sống nhưng hiệu quả không cao; chưa thực hiện công tác hậu kiểm đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi nghiệm thu, đưa vào ứng dụng...
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa kết luận nội dung chất vấn Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. |
Để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và việc thực hiện các mục tiêu phát triển của từng ngành, lĩnh vực; thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025.
Các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực của sở, ngành, của các địa phương, đề xuất thực hiện nhiệm vụ; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ, chú trọng đổi mới sáng tạo, chủ động, tích cực tham gia và ứng dụng mạnh mẽ thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, xét giao trực tiếp, thẩm định, phê duyệt kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ bảo đảm đúng quy định, khuyến khích khoa học, công nghệ phát triển. Hằng năm xây dựng và thông báo công khai định hướng ưu tiên trong việc đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, các nội dung về khoa học và công nghệ đặc trưng riêng của tỉnh, tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn, cấp thiết tại ngành, lĩnh vực, địa phương để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Sớm phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ hằng năm, hạn chế tối tối đa phương thức giao trực tiếp, thực hiện tuyển chọn, tổ chức đánh giá năng lực để lựa chọn đơn vị có đủ năng lực chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; bảo đảm tính minh bạch, khách quan và bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh theo quy định.
Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhất là nguồn kinh phí đối với cấp huyện, cấp xã; tập trung chỉ đạo sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đã cấp theo đúng dự toán, nội dung, nhiệm vụ phê duyệt.
Thực hiện chặt chẽ, trách nhiệm, chất lượng, đúng quy trình quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định ở tất cả các khâu; thực hiện triệt để khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ triển khai thực hiện thực sự thiết thực, chất lượng, góp phần giải quyết một cách khoa học, hiệu quả những vấn đề thực tiễn xã hội đang đặt ra, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa yêu cầu cần có giải pháp khả thi phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đẩy mạnh thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là thu hút, tuyển dụng các nhà khoa học trẻ tài năng, nhằm tạo nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao cho tỉnh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng trang thiết bị phục vụ công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; có giải pháp thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển khoa học và công nghệ.