Một trong 7 ngành, nghề nông thôn quan trọng
Ngày 16/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp báo công bố Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025, “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người”, chủ đề: “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”.
Theo đó, lễ hội được tổ chức từ ngày 6-8/3/2025, tại Bạc Liêu. Dự kiến sẽ có các hoạt động chính: Lễ khai mạc; Khu vực với khoảng 100 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm muối, các sản phẩm OCOP, sản phẩm muối kết hợp du lịch, hợp tác xã sản xuất, chế biến muối và các trang thiết bị, công nghệ sản xuất, chế biến…
Ngày 16/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp báo công bố Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025. |
Chia sẻ về lịch sử nghề muối, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh đến vai trò và sức ảnh hưởng của muối đối với xã hội loài người - trên toàn thế giới.
Nước ta có tiềm năng lớn, với 3.200km bờ biển; 11.000ha sản xuất muối phục vụ ăn uống, chế biến thực phẩm, công nghiệp, y tế và làm đẹp; sự đa dạng sản phẩm vùng miền. Hạt muối Việt Nam có trên 160 chất và khoáng chất… Hạt muối cũng đi vào đời sống văn hóa người Việt: Đền thờ bà chúa muối ở Thái Bình, tục mua muối đầu năm…
“Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến làm muối. Ngành muối được xếp vào danh mục một trong 7 ngành, nghề nông thôn quan trọng”, ông Thịnh khẳng định.
Tuy nhiên, sản lượng muối hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Mặc dù sản lượng muối đạt khoảng 1 triệu tấn mỗi năm, nhưng con số này vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường, đặc biệt là khi phải đối mặt với những yếu tố bất lợi như mất mùa, biến đổi khí hậu và sự thay đổi của thị trường. Nghề muối ở nhiều khu vực vẫn còn gắn liền với sự khó khăn, nghèo đói, khi mà người nông dân làm muối chủ yếu sống dựa vào công việc thủ công, thu nhập thấp và không ổn định.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ tại buổi họp báo. |
Ông Thịnh cho biết, phát triển nghề muối bền vững cần có chiến lược phát triển đúng đắn, khai thác tiềm năng từ các sản phẩm muối đa dạng và tích hợp đa giá trị. Để gia tăng giá trị kinh tế, cần cải tiến chất lượng muối, nâng cao mẫu mã, thương hiệu cũng như áp dụng du lịch sinh thái gắn với làng nghề muối.
Nâng tầm giá trị hạt muối
Với Bạc Liêu, hạt muối đã có chỉ dẫn địa lý. Nghề làm muối đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2020). Người dân các huyện (Hòa Bình, Đông Hải) làm muối luôn khát khao phát triển nghề.
Ông Thịnh lưu ý, việc tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu phải được chuẩn bị chu đáo với mục đích nhằm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về tầm quan trọng, tiềm năng và triển vọng của hạt muối Việt Nam, đồng thời góp phần cải thiện đời sống xã hội, nâng tầm giá trị hạt muối.
Không để Lễ hội rơi vào tình trạng của một hội chợ thông thường. Nội dung Lễ hội cần hướng tới việc viết lại câu chuyện về muối Bạc liêu, muối Việt Nam tạo nên tình cảm yêu thương, trân quý về nghề muối, diêm dân và những sản phẩm từ muối.
Ban tổ chức kỳ vọng, qua việc tôn vinh, bảo tồn, phát triển nghề muối, nâng cao giá trị nghề muối Việt Nam nói chung, của tỉnh Bạc Liêu nói riêng sẽ khơi dậy tình yêu ngành nghề truyền thống của thế hệ trẻ có trình độ tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp từ nghề muối; để hạt muối Việt Nam được sản xuất theo hướng hiện đại, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hạt muối.
Festival cũng tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ muối và các sản phẩm OCOP giữa các địa phương trong cả nước.
Ban tổ chức kỳ vọng, qua việc tôn vinh, bảo tồn, phát triển nghề muối, nâng cao giá trị nghề muối Việt Nam nói chung, của tỉnh Bạc Liêu nói riêng sẽ khơi dậy tình yêu ngành nghề truyền thống của thế hệ trẻ có trình độ tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp từ nghề muối. (Ảnh: TTXVN) |
Qua đó, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tác nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh muối trong nội bộ ngành muối và với các lĩnh vực khác như du lịch, y tế, ẩm thực; đồng thời, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản nghề muối ở Bạc Liêu và các địa phương tham gia.
Chuẩn bị sẵn sàng cho festival
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, để chuẩn bị cho festival, tỉnh đã xây dựng kế hoạch lựa chọn 15 sản phẩm tiêu biểu của diêm dân, hợp tác xã về muối; ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau thời gian diễn ra sự kiện; xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2025…
Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu chia sẻ về kế hoạch triển khai Festival muối 2025. |
Toàn tỉnh có 420 cơ sở lưu trú với khoảng 4.500 phòng phục vụ lễ hội; 11 địa điểm du lịch được bình chọn là “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long (Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; khu du lịch sinh thái Hồ Nam; khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Quảng trường Hùng Vương; khu nhà Công tử Bạc Liêu; Khu du lịch Nhà Mát; Khách sạn Sài Gòn-Bạc Liêu; khu Quán âm Phật đài; Điện gió Bạc Liêu; Di tích lịch sử văn hóa chùa Xiêm Cán và Di tích lịch sử quốc gia Nọc Nạng); các địa điểm du lịch trải nghiệm (Vườn chim Bạc Liêu; Đồng hồ Thái Dương, Nhà thờ Tắc sậy; Vườn nhãn cổ Bạc Liêu; Đặc biệt là Cánh đồng Muối Bạc Liêu trên địa bàn huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải)…
Nghề làm muối Sa Huỳnh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Qua Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người”; tỉnh Bạc Liêu mong muốn sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân và du khách, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; đặc biệt nâng tầm giá trị hạt muối của Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng.