Trước đây, nghề làm muối đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều diêm dân trong xã, nhưng vài năm gần đây, giá cả và thời tiết biến động thất thường, diêm dân gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ bỏ nghề. Từ gần 400 ha ruộng muối với khoảng 180 hộ dân tham gia sản xuất, đến nay toàn xã chỉ còn 275 ha của 170 hộ sản xuất muối. Nguyên nhân do sản lượng muối quá nhiều, sức tiêu thụ lại quá chậm, cho nên lượng muối dư thừa nhiều dẫn đến giá thấp, lượng tồn kho lớn. Cùng với đó, nghề truyền thống muối An Ngãi không còn “cha truyền con nối nữa”, mà người trẻ đi làm ở những nơi có mức thu nhập cao, công việc nhàn hơn nghề làm muối. Hiện, nhiều hộ gia đình có ý định chuyển đổi số diện tích đất này sang nuôi trồng thủy sản theo công nghệ cao, chỉ giữ lại số ít để sản xuất nhỏ lẻ. Đánh giá chung cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến các cơ sở ngành nghề truyền thống nói chung đang bị thu hẹp nhanh chóng, như: Phần lớn có quy mô nhỏ, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu…, dẫn đến sức cạnh tranh kém, nhất là so với các sản phẩm hàng hóa cùng loại sản xuất ở các địa phương khác; thu nhập ở mức rất thấp, không đủ sức thu hút lao động nông thôn hay thu hút đầu tư…
Chính vì vậy, các ngành chức năng tỉnh cần xây dựng dự án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, thông qua hình thức hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, giúp người dân phần nào giải phóng được sức lao động; hỗ trợ về xử lý nước thải để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường. Tiếp tục hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn về tín dụng; tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn; hỗ trợ để 100% sản phẩm được thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa…