Những đồng muối cuối cùng ở miền bắc

Bài 2: Sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ nghề làm muối phơi cát

(Tiếp theo và hết) (*)

Có nhiều nguyên nhân khiến nghề làm muối phơi cát đang bị mai một như: Thu nhập của diêm dân thấp, không còn hạ tầng sản xuất và hệ thống tiêu thụ chưa ổn định. Nhiều chuyên gia về nông nghiệp và cán bộ nông nghiệp phụ trách nghề làm muối ở các địa phương mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định, nếu không sớm có các giải pháp hỗ trợ diêm dân thì những cánh đồng muối sẽ bị xóa sổ. Giải pháp cụ thể là cần cải tiến công nghệ, đầu tư hạ tầng và hình thức sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm muối...

0:00 / 0:00
0:00
Bài 2: Sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ nghề làm muối phơi cát

Hạ tầng sản xuất xuống cấp

Hơn 30 năm gắn bó với nghề muối, giờ đã hơn 70 tuổi và là Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Muối biển, Thạc sĩ Bùi Sơn Long vẫn ngày ngày đi tới các vùng muối trong và ngoài nước để tư vấn, chuyển giao công nghệ làm muối cho doanh nghiệp, chính quyền và diêm dân. Ông Long dành hơn ba giờ nói chuyện với chúng tôi về nghề làm muối phơi cát: "Tôi đi đã hết các vùng làm muối miền bắc và có thể khẳng định cơ sở hạ tầng cho nghề làm muối không còn". Ông Long mở đầu câu chuyện bằng các video, hình ảnh ông ghi lại các vùng làm muối Bạch Long, Thụy Hải. Theo ông Long, ngày nghề làm muối còn thịnh, có hợp tác xã tổ chức sản xuất, thu mua, luôn có một người phụ trách tháo mở cống lấy nước làm muối, gọi là thủ cống. Giờ làm gì còn thủ cống, các cống lấy nước không hoạt động, hệ thống cấp và thoát nước biển ô nhiễm, các cánh đồng muối nằm xen kẹt các ao nuôi hải sản. Nơi nào tiện đường giao thông thì còn sản xuất muối được.

Từng học cơ khí và làm nghề cơ khí, sau khi có đơn đặt hàng về dây chuyền trộn, chế biến muối i-ốt của Tổng công ty Muối Việt Nam, chế tạo vài đơn hàng xong thì ông Long mạnh dạn xin chuyển công tác về Tổng công ty Muối rồi được tạo cơ chế thành lập một trung tâm thực nghiệm chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến muối. Sau khi về hưu, ông tiếp tục vay mượn người thân thành lập Công ty cổ phần công nghệ Muối biển. Ông Long nhớ lại: "Tôi hết sức lạ lùng và ngạc nhiên vì thời gian quãng năm 1993, cả một tổng công ty phụ trách về nghề muối ở Việt Nam không có bất cứ một phòng, ban nào liên quan đến công nghệ chế biến muối. Ðơn giản là đi thu mua muối. Hạt muối phơi cát ở miền bắc có hàng chục vi lượng rất tốt cho sức khỏe, vị muối lại nhạt, mềm, cơ thể con người tiếp nhận và chuyển hóa dễ hơn muối sản xuất theo công nghệ phơi nước hoặc muối mỏ nhập khẩu. Từ kinh nghiệm mấy chục năm nghiên cứu về muối, kinh nghiệm về chế biến và chuyển giao công nghệ sản xuất muối trong cả nước và nước ngoài, đơn vị chúng tôi đã tư vấn cho nhiều địa phương phía bắc giải pháp để khôi phục và phát triển nghề muối. Mấu chốt trong các giải pháp này là phải thiết kế lại cơ sở hạ tầng cho nghề, quy hoạch, đầu tư vùng sản xuất muối theo các hướng hiện đại, sạch, gắn với du lịch và công nghệ, đồng thời phải có công nghiệp chế biến để sản phẩm muối phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay, không nên chỉ đơn giản là muối ăn...".

Trạm trưởng Trạm Quản lý chất lượng (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nam Ðịnh), Phạm Thị Thoa cho biết: "Diện tích đất làm muối trong quy hoạch của tỉnh là 703ha, nhưng hiện nay, sản xuất muối chỉ còn tập trung tại một số cánh đồng lớn như: Bạch Long, Hải Ðông, Hải Chính, Phúc Thắng. Trong vài năm gần đây, nghề làm muối phơi cát ở Nam Ðịnh đang trải qua giai đoạn khó khăn, tình trạng diêm dân bỏ nghề ngày càng nhiều khiến 80% diện tích ruộng muối bỏ hoang hoặc chuyển đổi sản xuất; một số diện tích đang sản xuất có hạ tầng xuống cấp, sản xuất có tính chất tận thu. Vì vậy, nghề muối không còn là nghề bảo đảm đời sống cho diêm dân. Nghề làm muối có nguy cơ mai một, thất truyền". Cũng theo bà Thoa, những tồn tại ảnh hưởng đến nghề làm muối ở Nam Ðịnh là do sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất, giá bán thấp dẫn tới công lao động thấp cho nên diêm dân không còn mặn mà với nghề. Ngoài ra, mức đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất còn thấp so với nhu cầu của ngành muối. Hệ thống ô, nề, thống, chạt, sân phơi xuống cấp nhưng mới chỉ được sửa chữa tạm thời, chắp vá; các mô hình khuyến diêm còn ít về số lượng, thực hiện đơn lẻ, thiếu giải pháp đồng bộ; việc huy động các nguồn lực khoa học-công nghệ và đầu tư cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng để sản xuất, chế biến muối công nghiệp…

Đổi mới hình thức sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm

Ðể bảo đảm nghề làm muối phơi cát tại các địa phương được bảo tồn và nâng cao thu nhập cho diêm dân thì các địa phương cần đổi mới hình thức sản xuất cho phù hợp. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân cần được tính đến là đa dạng hóa sản phẩm muối, bởi đây là một trong những giải pháp sống còn nhằm tránh tình trạng những cánh đồng muối nổi tiếng một thời trước đây bị xóa sổ. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, Ðinh Vĩnh Thụy: "Thái Bình là tỉnh có truyền thống sản xuất muối. Trong thời gian gần đây, sản xuất muối ở Thái Bình đang bị thu hẹp dần. Trước đây, nhiều địa phương sản xuất muối nhưng đến nay trên địa bàn chỉ còn một địa điểm duy nhất là xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy với diện tích gần 40ha, nhưng thực tế sản xuất chỉ còn 7ha, còn lại bỏ hoang. Nhằm bảo tồn và phát triển nghề muối, ngày 23/6/2021, UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định phê duyệt đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030. Theo nội dung đề án, tỉnh sẽ xây dựng khu chế biến các sản phẩm muối đặc thù có giá trị cao thành sản phẩm hàng hóa với các nhóm chính là: Muối thực phẩm dinh dưỡng, muối dược liệu, muối tâm linh; xây dựng khu sản xuất muối công nghệ cao; xây dựng sản phẩm muối đặc thù thành sản phẩm OCOP từ 4 đến 5 sao… Nhưng để thực hiện được điều đó, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối; quy hoạch lại đồng muối để nâng cao năng lực sản xuất; chuyển giao ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất và chế biến muối; đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp chế biến, hợp tác xã và diêm dân; xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nghề muối truyền thống gắn với du lịch trải nghiệm...". Cũng theo đồng chí Ðinh Vĩnh Thụy, vùng 50ha được quy hoạch theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại xã Thụy Hải sẽ chia thành hai khu, trong đó một khu 36ha sẽ sản xuất muối theo cách thức mới để nâng cao năng suất, chất lượng muối. Khu còn lại là sản xuất ra các loại muối khác nhau với nhiều sản phẩm gắn với du lịch tâm linh, trải nghiệm. Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy, Lê Nguyên Hoài cho biết: "Ðể nâng cao giá trị hạt muối cũng như giữ gìn nghề truyền thống, huyện đã có nhiều phương án, trong đó phương án đa dạng hóa sản phẩm từ muối kết hợp với du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm được tính đến và có tính khả thi cao".

Còn theo Trạm trưởng Trạm Quản lý chất lượng (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nam Ðịnh) Phạm Thị Thoa, để nghề làm muối theo phương thức phơi cát truyền thống trên địa bàn tỉnh được duy trì và ổn định phát triển bền vững, bảo đảm đời sống diêm dân thì Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất như: Ðê bao, trạm bơm, hệ thống cống, kênh mương cấp, thoát nước biển, giao thông. Ðồng thời, cần nghiên cứu, chuyển giao khoa học-kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng muối; tổ chức lại sản xuất nghề muối, sản xuất gắn với du lịch nhằm tạo việc làm và thu nhập cho diêm dân; đẩy mạnh sản xuất muối sạch, chất lượng cao đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, phân phối và xuất khẩu với các hợp tác xã, tổ dịch vụ, diêm dân…

Về lâu dài, để giữ gìn nghề muối phơi cát tại phía bắc thì các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ, hoàn thiện mô hình hợp tác sản xuất muối sạch, bền vững, kết hợp chế biến giúp người dân chuyển đổi nhanh phương thức sản xuất muối nhỏ lẻ theo hộ gia đình, năng suất thấp sang sản xuất muối sạch, có sự hợp tác trong sản xuất, chế biến để tăng thu nhập và ổn định đời sống diêm dân. Chủ động ứng dụng vật liệu mới có khả năng truyền, dẫn và hấp thụ nhiệt tốt để làm nền ô kết tinh nhằm tăng năng suất, sản lượng muối. Ứng dụng cơ giới trong một số khâu như: Bơm nước mặn, vận chuyển bằng xe cơ giới... Ðồng thời, nghiên cứu và ứng dụng kết hợp sản xuất muối với nuôi trồng thủy sản ngoài thời vụ làm muối để tận dụng đất và nước mặn nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích; hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình kết tinh muối ứng dụng hiệu ứng nhà kính nhằm giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu..

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 20/7/2022, diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 11.134ha, trong đó diện tích muối thủ công 7.623ha, muối công nghiệp 3.511ha. Sản lượng muối đạt khoảng 579.990 tấn. Lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất khoảng 211.966 tấn. Giá muối tại miền bắc từ 1.800 đến 3.000 đồng/kg, miền trung muối thủ công từ 800 đến 1.800 đồng/kg, muối công nghiệp từ 950 đến 2.000 đồng/kg, khu vực Nam Bộ từ 1.500 đến 1.600 đồng/kg.


-----------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 11/9/2022.