Cùng suy ngẫm

“Con nợ” bất đắc dĩ

Hơn 6 tháng nay, hàng nghìn người lao động thuộc bốn doanh nghiệp thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (gồm: ba Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi: Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà, Dầu Tiếng-Phước Hòa, và Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Khai thác Hải sản Biển Đông, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) không được nhận lương, do các đơn vị này chưa nhận được kinh phí hoạt động của năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Công trình thủy lợi của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà. (Ảnh: bacbamha.com)
Công trình thủy lợi của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà. (Ảnh: bacbamha.com)

Cùng với đó, bốn đơn vị này cũng gặp rất nhiều khó khăn do chưa được cấp kinh phí hoạt động, trong khi hằng ngày vẫn phải thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích để bảo đảm các nhiệm vụ do Nhà nước giao. Các doanh nghiệp thủy lợi cần bảo trì công trình, tưới nước cho sản xuất nông nghiệp, mua sắm công cụ phòng, chống bão lũ, thiên tai, hạn hán, trả lương cho người lao động…

Doanh nghiệp dịch vụ hậu cần nghề cá thì phải thu mua nguyên vật liệu, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để mang ra biển cung cấp, phục vụ cho ngư dân bám biển dài ngày… Vô hình trung, các đơn vị này trở thành những “con nợ” bất đắc dĩ, từ nợ lương người lao động đến nợ tiền điện, tiền mua xăng dầu...

Từ năm 2021 trở về trước, các doanh nghiệp này đều được cấp dự toán ngân sách thông qua hình thức lệnh chi tiền. Từ năm 2022, hình thức ấy thay đổi sang rút dự toán ngân sách với mục đích giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường kiểm soát chi trong việc sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, khi thực hiện rút dự toán qua Kho bạc Nhà nước lại gặp phải nhiều vướng mắc và đến nay (gần giữa tháng 7/2022) vẫn chưa rút được tiền.

Với bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần đánh giá, xem xét, áp dụng một cách phù hợp với đặc điểm hoạt động các doanh nghiệp, như tính thời vụ, công tác ứng phó, khắc phục thiên tai, công tác phục vụ sản xuất...; và nếu áp dụng cũng cần phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định hiện hành.

Trong khi đó, Nghị định 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Thủy lợi vẫn còn hiệu lực, trong đó tại điểm a các khoản 4, 5, 6, Điều 18 quy định việc cấp phát, thanh toán kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (cho các phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu) theo hình thức cấp phát thanh toán bằng lệnh chi tiền.

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn rút dự toán từ ngân sách mới đang quy định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cho nên không phù hợp khi áp dụng cho các doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, đơn vị liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước Việt Nam… cần phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tài chính cho các đơn vị nêu trên, để tránh ảnh hưởng đến công tác vận hành phục vụ sản xuất do không có kinh phí hoạt động trong thời gian dài, đồng thời bảo đảm cuộc sống của hàng nghìn lao động và gia đình họ.