Khác với niềm tin chắc chắn chiến thắng áp đảo của những người ủng hộ ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử năm 2017, sự lo ngại về khả năng xảy ra cơn địa chấn "Marine Le Pen" kéo dài tới tận lúc công bố kết quả sơ bộ vào hồi 20 giờ tối ngày bầu cử vòng hai, 20/4. Lý do là vì ứng cử viên cực hữu duy trì đà thăng tiến trong bối cảnh nước Pháp chứng kiến nhiều biến động, thách thức do tác động của dịch bệnh, xung đột Ukraine dẫn tới giá cả tăng cao, niềm tin của cử tri suy giảm.
Năm năm trước, ông Emmanuel Macron cam kết sẽ làm mọi thứ để cử tri Pháp "không có lý do gì để bỏ phiếu cho những người theo quan điểm cực đoan." Thực tế từ cuộc bầu cử 2022 cho thấy kết quả khác. Số phiếu bầu cho ông Emmanuel Macron không vượt quá 60% và khoảng cách với ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đã bị rút ngắn rất nhiều so với cuộc đọ sức năm 2017. Tiếp đó là tỷ lệ vắng mặt lên tới 28,01% (hơn 13 triệu cử tri), mức cao nhất kể từ năm 1969 và có tới 4,5% phiếu trắng, tương đương hơn 1 triệu cử tri không chọn ai.
Hoàn cảnh của hai kỳ bầu cử khác nhau. Năm 2017, ông Emmanuel Macron ra tranh cử và được đa số cử tri kỳ vọng đem lại những thay đổi tích cực và mạnh mẽ cho nước Pháp. Còn lần này là ứng cử viên phải bảo vệ kết quả cầm quyền trong giai đoạn nước Pháp liên tiếp trải qua các cuộc khủng hoảng.
Tỷ lệ phiếu trắng, cử tri vắng mặt cao, rồi tới số phiếu bầu cho ứng cử viên cực hữu tăng cho thấy nhiều cử tri không tiếp tục ủng hộ ông Emmanuel Macron, có thể xuất phát từ cải cách hưu trí hay tình trạng bất bình đẳng và mất an ninh gia tăng. Bên cạnh đó còn có sự phân cực lớn trong nền chính trị khi vai trò của các đảng phái truyền thống đi xuống rất nhiều kể từ năm 2017.
Có thể nói, đây là một chiến thắng không như mong đợi của ông Emmanuel Macron. Đội ngũ tranh cử của ông cũng đã bày tỏ lo ngại xảy ra bất ngờ vào giờ phút chót.
Không khí mừng chiến thắng không hoành tráng và rầm rộ như năm 2017. Ông Emmanuel Macron có bài phát biểu ngắn gọn trước những người ủng hộ tại quảng trường dưới chân tháp Eiffel trong tối 24/4, khẳng định không phải là ứng cử viên của một phe phái nào mà là tổng thống của tất cả người dân Pháp. Ông cũng khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Pháp độc lập hơn và một châu Âu mạnh mẽ hơn.
Ngay sau khi có kết quả sơ bộ, đại diện của một số đảng phái lớn đã chúc mừng ông Emmanuel Macron, đồng thời cảnh báo về cuộc đua giành ghế trong Quốc hội trong tháng 6. Bà Valérie Pécresse, ứng cử viên tổng thống của đảng cánh hữu Những người Cộng hòa cho rằng chiến thắng của ông Emmanuel Macron cho thấy sự chia rẽ ngày càng lớn của nước Pháp vì ứng cử viên cựu hữu có số phiếu bầu cao nhất trong các lần ra tranh cử.
Dù thất bại lần thứ hai trong trận chung kết với ông Emmanuel Macron, bà Marine Le Pen cho rằng, kết quả lần này là "một chiến thắng", đồng thời kêu gọi cử tri tiếp tục ủng hộ trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới. Ông Éric Zemmour, ứng cử viên của đảng Tái chính phục thuộc phe cực hữu cũng cho rằng có hàng triệu cử tri Pháp không chấp nhận ông Emmanuel Macron tiếp tục nhiệm kỳ hai, đồng thời kêu gọi cử tri cánh hữu đoàn kết trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới
Trước khi diễn ra vòng hai bầu cử tổng thống, ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng Nước Pháp bất khuất về thứ 3 trong vòng một với 21,9% phiếu bầu, đã kêu gọi cử tri cảnh tả ủng hộ trong cuộc bầu cử Quốc hội để trở thành thủ tướng.
Như vậy, Tổng thống tái đắc cử Emmanuel Macron sẽ đối mặt thách thức rất lớn trong hai tháng tới. Thế chia ba trong nền chính trị Pháp đang hiện rõ với ba lực lượng chính gồm phe trung hữu xoay quanh đảng Nền cộng hòa tiến bước, phe cực hữu tập hợp các lực lượng từ hai đảng Tập hợp quốc gia của bà Marine Le Pen và đảng Tái chinh phục của ông Éric Zemmour và phe cánh tả với trụ cột là đảng Nước Pháp bất khuất (LFI) của ông Jean-Luc Mélenchon cùng với đảng Cộng sản Pháp (PCF) và đảng Sinh thái (EELV).
Thực tế trong quá trình vận động bầu cử vòng hai, ông Emmanuel Macron đã phải điều chỉnh ưu tiên tranh cử như cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sinh thái hay tăng cường các chính sách xã hội để thu hút sự ủng hộ của cử tri cánh tả.
Các đảng phái đổi lập đã khởi động chiến dịch tranh cử Quốc hội, được xem như vòng ba bầu cử Tổng thống, thể hiện quyết tâm giành đa số phiếu trong Quốc hội Pháp để buộc ông Emmanuel Macron phải "sống chung chính trị." Khi đó, đại diện của đảng đối lập sẽ làm Thủ tướng.
Thách thức và diễn biến khó lường đã xảy ra trong nhiệm kỳ vừa qua. Chiến thắng của ông Emmanuel Macron trong ngày 24/4 mới chỉ là bước khởi đầu trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Nếu đảng cầm quyền LREM không có đa số ghế trong Quốc hội, ông Emmanuel Macron sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các cam kết gồm cải thiện sức mua, tăng lương, cải cách hưu trí và thể chế, tăng cường đổi mới và đầu tư cho giáo dục và y tế cũng như các chính sách đối ngoại.