“Con đường văn sĩ” – Chân dung văn và đời của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

NDO - “Con đường văn sĩ” - cuốn nhật ký bắt đầu từ năm 1938 của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, với những suy tư, trăn trở của ông về nghiệp viết và về cuộc sống, được nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng, con trai ông, biên soạn, Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả Nguyễn Huy Thắng, TS Đỗ Thanh Nga và TS Đỗ Anh Vũ trò chuyện về tác phẩm.
Tác giả Nguyễn Huy Thắng, TS Đỗ Thanh Nga và TS Đỗ Anh Vũ trò chuyện về tác phẩm.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một nhà văn, nhà viết kịch Việt Nam nổi tiếng. Ông là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: “Vũ Như Tô”, “Đêm hội Long Trì”, “Bắc Sơn”, “Sống mãi với thủ đô”. Ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi đặc sắc: “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Tìm mẹ”, “An Tư công chúa”, “Cô bé gan dạ”… Ông là một trong những người sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từng tích cực tham gia các phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh ở Hải Phòng; hoạt động Truyền bá quốc ngữ... Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật. Tháng 8/1945, Nguyễn Huy Tưởng được cử tham dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Cách mạng tháng Tám thành công, ông trở thành người lãnh đạo chủ chốt của hội Văn hóa cứu quốc và là đại biểu Quốc hội khóa 1 năm 1946. Sau 1954, ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từng được trao nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt I, năm 1996.

“Con đường văn sĩ” – Chân dung văn và đời của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ảnh 1

Buổi giao lưu tác giả - tác phẩm có sự tham gia của đông đảo các độc giả trẻ.

Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết khao khát cống hiến nhưng cũng đầy băn khoăn tìm đường đó, Nguyễn Huy Tưởng chọn nhật ký là nơi vừa giãi bày vừa luyện viết. Những trang nhật ký được viết trong suốt những năm 1938 đến 1945 thời điểm trước Cách mạng tháng Tám bùng nổ là những trang tư liệu chân thực để tìm hiểu về con đường lập thân lập nghiệp của người thanh niên - công chức sở Thuế quan để trở thành nhà văn, nhà hoạt động xã hội, nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Huy Tưởng.

Những trang nhật ký của nhà văn cũng phần nào phác họa chân thực một thế hệ nhà văn tiền chiến, những trang sử quý giá về các hoạt động cách mạng và yêu nước trước Cách mạng tháng Tám của trí thức tiểu tư sản thành thị.

Những trang nhật ký của nhà văn cũng phần nào phác họa chân thực một thế hệ nhà văn tiền chiến, những trang sử quý giá về các hoạt động cách mạng và yêu nước trước Cách mạng tháng Tám của trí thức tiểu tư sản thành thị.

Cuốn sách gồm 3 phần, phần 1 là những trang nhật ký từ 1938 - 1939 với các nội dung chính: “Đời công chức”, “Mộng văn chương”, “Em bé Hàng Vôi”, “Truyền bá quốc ngữ và hôn nhân. Phần 2, nhật ký những năm 1940 - 1943 với các nội dung: “Đổi xuống Hải Phòng”, “Hướng đạo”, “Tri tân”, “Đêm hội Long Trì và mẹ mất”. Phần 3 là những trang nhật ký từ 1943 đến trước Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ với các nội dung chính: “Vũ Như Tô”, “An Tư”, “Văn hóa Cứu quốc”, “Tiên Phong”. Giữa phần 1 và phần 2 là “Một thiên kí sự” những trang nhật ký về một tháng tân hôn cũng rất đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

“Con đường văn sĩ” cho thấy “con đường văn sĩ” của Nguyễn Huy Tưởng với mộng văn chương ở phần 1 khi chàng trai Nguyễn Huy Tưởng luôn bị “con ma văn chương ám ảnh”, cho đến phần 2 là khi ông có tác phẩm đầu tay “Đêm hội Long Trì” được in thành sách và phần 3 khi ông cho ra đời tác phẩm lớn trong sự nghiệp của mình: “Vũ Như Tô”. Bên cạnh “con đường văn sĩ”, với bố cục 3 phần này, độc giả cũng có thể biết được hành trình tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động yêu nước trước cách mạng của ông với phong trào Truyền bá quốc ngữ đến Hướng đạo rồi Văn hóa cứu quốc.

Mẹ con tôi cũng thấy ấm lòng khi biết cha lo cho mình như thế nào, điều này đã cho tôi một điểm tựa trong suốt cuộc đời mình. Khi gặp những chuyện buồn hay khó khăn, tôi thường nhớ lại tình cảm của cha dành cho mình, và vượt qua được.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng

Tác giả Nguyễn Huy Thắng cho biết, cha ông mất sớm, ông bắt đầu đọc các trang nhật ký của cha từ khi bắt đầu đọc và hiểu, vào khoảng 9, 10 tuổi. Khi đó, mặc dù cuốn nhật ký mang nhiều nội dung riêng tư, nhưng mẹ ông vẫn để cho ông đọc mà không ngăn cản. “Cha xa tôi từ khi tôi còn rất bé, mới 5 tuổi và những ký ức về ông trong tôi rất mờ mịt. Nhờ những trang nhật ký của ông mà tôi hiểu thêm được rất nhiều điều về ông, từ tính cách, con người, những hoài bão, mong muốn cho đến tình yêu thương mà ông dành cho mấy mẹ con tôi” – tác giả chia sẻ.

Tôi luôn có hình ảnh cha bên mình. Đó là chỗ dựa vô giá đối với tôi.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng

Cũng nhờ những trang nhật ký, mà những bạn văn, bạn thơ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, như nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Hoàng Quý, các nhà văn, nhà thơ Tô Hoài, Nguyên Hồng, Trần Huyền Trân… được mô tả với những hoạt động văn thơ sôi nổi thời bấy giờ.

Cùng với những trang viết về cảm xúc cá nhân và các bạn văn thơ, những trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng còn cho thấy những hình dung về hoàn cảnh, đời sống xã hội và con người những năm 1930-1945, những cảm nhận về nhân tình thế thái cũng như những mong muốn thay đổi trong cuộc sống của bản thân nhà văn.

Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ chia sẻ, cách đây 3 năm, toàn bộ nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã từng được xuất bản với 3 tập đồ sộ, gồm khoảng hơn 1.500 trang sách. “Con đường văn sĩ” có thể coi như một phiên bản rút gọn của bộ nhật ký đồ sộ này, với cách tiếp cận bạn đọc gần gũi hơn và dễ tiếp nhận hơn với bạn đọc trẻ.

“Con đường văn sĩ” – Chân dung văn và đời của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ảnh 2

Cuốn "Con đường văn sĩ". (Ảnh: NXB Kim Đồng)

Chia sẻ về cuốn nhật ký, Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ cũng cho rằng, ở nhiều tác giả, việc viết tự truyện hay hồi ký thường được thực hiện khi tuổi đã ở lúc xế chiều, vì thế có những sự mờ nhạt nhất định. Nhưng ở cuốn nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, luôn có sự tươi mới, khi chúng ta biết được đây là những dòng văn ông viết hằng ngày. Bạn đọc cũng có thể rút ra những chiêm nghiệm của riêng mình khi suy ngẫm, so sánh với những gì đã biết trong thực tế về lịch sử, về xã hội và về cuộc đời cũng như sự nghiệp của nhà văn.

Tiến sĩ văn học Đỗ Thanh Nga cho rằng, cuốn nhật ký không chỉ cung cấp cho người đọc chân dung văn học của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, mà còn cho thấy ông là một con người đầy trăn trở, với những phẩm chất của một nhà văn trước hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống. “Con đường văn sĩ” chính là tác phẩm cho thấy cách ông gạn lọc công phu để chọn những gì tinh hoa nhất trong cuộc đời làm văn của mình, cách một nhà văn rèn giũa ngòi bút của mình, những khát vọng văn chương, khát vọng bộc lộ mình, cũng như những trăn trở trước cuộc sống.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết, mục tiêu hướng tới bạn đọc trẻ là lý do để tác giả Nguyễn Huy Thắng biên soạn lại bộ nhật ký đồ sộ thành cuốn “Con đường văn sĩ”. Nhà xuất bản Kim Đồng hy vọng rằng, cuốn sách sẽ được đông đảo bạn đọc trẻ đón nhận, để hiểu thêm về các thế hệ đi trước đã dành tuổi trẻ, thanh xuân của mình cho những hoài bão, trăn trở như thế nào.