Triển lãm mang tên “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với cảm hứng sách thiếu nhi”, đặt tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 58 năm thành lập NXB Kim Đồng (17-6-1957 – 17-6-2015). Triển lãm bao gồm hàng trăm bức ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đặc biệt là những đóng góp của ông trong công tác xuất bản sách cho thiếu nhi, nhật ký thể hiện tư tưởng, quan điểm sáng tác, tư liệu ghi chép phục vụ sáng tác, những bức thư thăm hỏi, trao đổi giữa nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với các nhà văn, cộng tác viên, cán bộ biên tập của NXB Kim Đồng.
Một số học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu nghe thuyết minh tại triển lãm.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và nhà văn Tô Hoài là hai sáng lập viên chủ chốt của NXB Kim Đồng. Nguyễn Huy Tưởng là giám đốc đầu tiên, còn Tô Hoài là người đặt tên cho NXB. Với cương vị và uy tín của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã mời gọi được nhiều văn nghệ sĩ tham gia viết, vẽ cho thiếu nhi, như các nhà văn Nguyễn Tuân, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi, các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Văn Cao, các họa sĩ Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến, Tạ Thúc Bình…
Tại triển lãm, những bức ghi chú trong đó nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhắc nhở, kêu gọi các nhà văn viết cho thiếu nhi vào những năm 1957, 1958, 1974… cũng được trưng bày: Tô Hoài viết Kim Đồng, Nguyễn Tuân viết Chuyện một chiếc nồi đất, Từ Giấy viết Chuyện ruồi muỗi, Đoàn Giỏi viết Đất rừng phương nam, Võ Huy Tâm viết Vùng mỏ…
Vài trang của "Chuyện bánh chưng", in năm 1942.
Đương nhiên, không thể thiếu một phần vô cùng quan trọng trong cuộc đời sáng tác của nhà văn, đó là mảng văn học cho thiếu nhi. Rất nhiều bản thảo, tác phẩm đã được xuất bản của Nguyễn Huy Tưởng được trưng bày tại đây như bản thảo Tìm mẹ, Thằng Quấy, Con cóc là cậu ông Giời…, đặc biệt là Lá cờ thêu sáu chữ vàng, tác phẩm cuối cùng của nhà văn trước khi vào bệnh viện và không bao giờ quay trở lại nữa. Ngoài ra, những tiểu thuyết, kịch bản, truyện ký gắn với tên tuổi của nhà văn cũng được trưng bày như Sống mãi với Thủ đô, Vũ Như Tô – kịch bản đầu tay đã trở thành kiệt tác của ông, Lũy hoa… Một độc giả lớn tuổi chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ như in tác phẩm Tìm mẹ của ông, hai nhân vật Nhà và Gạo gắn với những ước mơ rất thật ngoài đời cho đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn ấn tượng như thủa ban đầu mới đọc truyện cách đây mấy chục năm rồi”.
Tại triển lãm, rất nhiều thư viết tay trao đổi giữa nhà văn với các đồng nghiệp, giấy ghi chú, nhật ký… thể hiện quan điểm, tư tưởng sống và sáng tác của nhà văn cũng được trưng bày. Khi mới 19 tuổi, ông đã viết: “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cầy ruộng. Cầy với ai cũng được mà cầy ruộng nào cũng được”. Nhật ký năm 1956, ông viết: “Nghề nào cũng đẹp, miễn đấy là một cái nghề. Nhưng có nghề nào thú vị hơn nghề văn, nó lấy nguyên liệu chính là từ con người, một cái gì đẹp nhất, toàn diện nhất, kỳ diệu nhất của sự sáng tạo. Đừng viết cái gì sai với sự thực của con người, dù là với hình thức phục vụ. Người là thật. Phải thật với nghề”. Có những bức thư ông viết gửi gia đình, vợ con khi đi công tác xa, đầy ắp tình yêu thương…
Bút tích của nhà văn.
Xem triển lãm, mới thấy tấm lòng và tình cảm mà các bạn văn dành cho nhà văn khi ông lâm trọng bệnh. Những bức thư viết tay của các nhà văn Võ Quảng, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng… khiến Nguyễn Huy Tưởng ấm lòng lên rất nhiều trong thời gian nằm viện. Nguyên Hồng viết: “Thăm Tưởng, khỏe và vui nữa. Hôn Tưởng nồng nàn không dứt. Ngày 2-7-1960. Nguyên Hồng”…
Đứng giữa triển lãm, giữa những hiện vật, tư liệu, giấy tờ liên quan và vô cùng quen thuộc với cha mình, ông Nguyễn Huy Thắng, người con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng không giấu được sự xúc động. Ông cho biết, gia đình ông, đặc biệt là mẹ ông, bà Trịnh Thị Uyên, đã lưu giữ được rất nhiều thư tay, bản thảo, tài liệu, giấy mời.. của nhà văn. Mẹ ông, bà Trịnh Thị Uyên được mệnh danh là “người gác chữ cho chồng”, còn giữ cả những tấm giấy mời, phía sau có bút tích của nhà văn ghi lại những điều ông tự nhắc nhở mình…
Hiện đang phụ trách NXB Kim Đồng trong cương vị Phó Giám đốc, ông Nguyễn Huy Thắng luôn coi đó là may mắn, có duyên và tự hào khi được tiếp nối sự nghiệp của cha.
Chia sẻ về người cha nổi tiếng của mình, ông Nguyễn Huy Thắng nói: “Cha tôi mất sớm, khi tôi mới 5 tuổi, những gì tôi được biết về ông chỉ là qua nhật ký và ghi chép. Ông ghi nhật ký rất sớm, từ năm 18 tuổi cho đến năm 48 tuổi. Trong suốt 30 năm ấy, ông đã ghi chép rất nhiều. Ngày nay, mỗi khi làm việc tại NXB, tôi thường tự răn mình giữ đạo đức, trách nhiệm, với bản thân và những người chung quanh mình trong cuộc sống hằng ngày”.