Nguyễn Huy Tưởng và những trang nhật ký viết về Hồ Chủ Tịch

Ðọc những dòng viết của Nguyễn Huy Tưởng về Bác, ta thấy toát lên một niềm kính yêu chân thành nhưng không quá sùng bái, hay thần thánh siêu hình. Ðó là vì đạo đức và tư tưởng cũng như tác phong giản dị của Bác đã được nhà văn nhận thức và lĩnh hội sâu sắc.

Những trang nhật ký này được rút ra từ bộ "Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng" (tập 2 và tập 3) do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành 9-2006.18-5-1946. Mỗi một cảnh, một người là một tâm trạng. Tâm trạng do nghệ sĩ tả được bằng bút hay bằng màu. Nguyễn Ðỗ Cung khi vẽ Cụ Hồ có cái cảm tưởng kinh ngạc trong cái khuôn khổ Bắc Bộ phủ vốn không phải làm cho cách mạng. Có một ông già ngồi đấy, chỉ huy mọi việc, mà đi lúc nào không biết.

19-5-1946. Ngày sinh nhật Cụ Hồ. Nói chuyện Ðời sống mới với Cụ (bằng tư cách Tổng thư ký Ủy ban Trung ương vận động Ðời sống mới). Cụ tỏ ra thiết thực. Cụ gọi các chú, các thím, vui vẻ, nước da đỏ. Cụ nói không phải lúc chúc thọ, mình đang công tác. Sau cụ nói ngoài 50 chưa già, còn trẻ để làm việc. Và Cụ nêu vấn đề làm gương khi đi tuyên truyền Ðời sống mới, và cần nhất, cho mọi cuộc thành công phải siêng năng, siêng năng.

23-5-1946. Xe ô-tô về Quốc hội (35 Ngô Quyền, Hà Nội). Dọc đường dân chúng biếu hoa. Về Quốc hội, sang Bắc Bộ phủ. Hồ Chủ tịch thết bia, như người cha thấy con về. Quần chúng náo nhiệt. Các em nhi đồng tới hát chúc phái đoàn. Phạm Văn Ðồng ra. Những người tai mắt trong Chính phủ đều có mặt. Hồ Chủ tịch ra giữa tiếng hoan hô. Trẻ em hát bài thơ tả Cụ. Một buổi vui tưng bừng.

31-5-1946. Ngày Hồ Chủ tịch lên đường sang Pháp (với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp). Vào Bắc Bộ phủ, gặp nhiều người quen, nhưng ngượng. Không dám đến gần Cụ Hồ. Ngồi xe gíp sang Gia Lâm.

Lúc Cụ Hồ lên máy bay, rơm rớm nước mắt. Máy bay cất cánh, còn có những bàn tay vẫy trong cửa sổ con.

18-9-1946.  Cứ tưởng tượng cảnh Cụ Hồ ký Tạm ước 14-9-1946 với Moutet. Bị ép ký. Ðêm khuya, một mình vào giường Moutet. Một sự im lặng bi đát. Thương Cụ và định viết một bài về Cụ. Một vở kịch về Cụ.

5-10-1946. Muốn viết về Cụ Hồ một tùy bút.

30-11-1947. Vào hiệu một người Nùng. Lễ phép. Ca ngợi Hồ Chủ tịch:

- Hồ Chủ tịch thì ai chả biết.

- Hồ Chủ tịch là cha chú mình.

16-1-1948. Lành viết xong "Việt Bắc". Hay. Bên cạnh có đám cưới. Mời. Bà cụ nói: Nhân Cụ Hồ mở nước. Các anh về đây. Chúng tôi cho cháu về làm ăn...

17-3-1948. Họp hội nghị thanh niên Ðông Nam Á châu tại Calcutta từ 19-2. Ðại biểu Việt Nam được lên đầu. Tên Việt Nam - Hồ Chí Minh được hoan hô nhiệt liệt.

19-5-1948. Sinh nhật Cụ. Về tới Thanh Cù. Cổng chào dựng trên đường: Hồ Chủ tịch muôn năm.

19-12-1949. Kỷ niệm ba năm kháng chiến ở cơ quan. Cụ Phan nói ra nói vào về cách tổ chức. Ðọc hiệu triệu của Hồ Chủ tịch.

7-8-1950. Lên Cao Bằng. Ðến Pắc Bó. Suối trong xanh. Gần đó có hang, cửa hang có lau, rét đốt lửa. Ngày ngày ra suối nói chuyện. Bố trí những chỗ ngồi bên suối.

12-9-1950. Tuế nói về thư Cụ gửi cho bọn mình. Muốn viết một kịch về thư Hồ Chủ tịch.

14-9-1950. Hành quân. Ðoàn quân áo dài. Anh em vui giữa lúc người đi người về. Một biểu ngữ bắc qua đường, chỗ dốc đi lên E36: "Quyết giật giải của Hồ Chủ tịch và huy hiệu anh hùng Cao Bắc Lạng".

17-9-1950. Thư Hồ Chủ tịch được đọc trước bộ đội.

25-10-1950. Chiều. Làng Khuổi Dạ bỏ không. Bộ đội tới đóng. Tù binh giải về. Thổi cơm. Vui vẻ. Tấp nập.

Bộ đội hôm nay được gặp Bác.

Cụ đến. Ăn mặc xuyềnh xoàng, dép đứt quai sau. Hỏi bộ đội có khỏe không, có đói không. Cụ ăn nói dễ hiểu, vui. Khăn mặt quàng vai. Cố gắng để Bác bảo đi là đi, bảo đánh là đánh, đánh là thắng. Bộ đội tất thắng. Cụ hôn Thái Dũng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88 - cụt tay nên thường gọi là Dũng cụt.

26-10-1950. Bác sang thăm thương binh ở Thủy Khẩu. Vào vén màn từng người xem. Anh em còn ngủ. Bác trở ra. Sau biết tin Cụ Hồ đến, chạy cả ra ngoài. Bác nói, rồi ứa nước mắt, ngoảnh mặt đi lâu lâu năm phút, rồi mới tiếp tục nói chuyện. Về nói: Trông thấy các cháu có đứa 17, 18 tuổi mà đã bị cưa, cụt, không sao đành lòng được.

20-10-1951. Khánh (con gái thứ ba của Nguyễn Huy Tưởng - N.T.K) nói: Hà Nội chỉ khổ vì thằng Tây. Bao giờ Cụ Hồ đánh về Hà Nội, thì Cụ Hồ bắt thằng Tây đắp đường.

Hỏi sao Khánh biết Cụ Hồ yêu Khánh. Khánh nói: "Các chú ấy bảo thế".

Dẫn con đi mua mật. Về, Khánh lội suối lấy.

Khánh thấy để ảnh Cụ Hồ ở dưới các ảnh khác. Khánh để ảnh Cụ Hồ lên trên. Trách mẹ: "Thế này mà mẹ bảo yêu Cụ Hồ".

6-11-1951. Khánh hỏi: "Mẹ ơi, Cụ Hồ trông thấy con, Cụ Hồ có hỏi chuyện con không?".

13-11-1951. Gặp Bác. Mặt võ, da bủng. Lòng nao nao buồn trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ (cuộc họp này được Nguyễn Huy Tưởng viết thành bài "Bên đống lửa").

7-3-1952. Hoàng Ðiền - Hiệu trưởng Trường lục quân Trần Quốc Tuấn (phân hiệu II miền trung), cùng tổ ba người học viên trường Ðảng kể chuyện:

Tháng 4-1941 có giấy gọi đi Nam Ninh (Trung Quốc) học. Ðến Nam Ninh gặp một số phục quốc. Học tình báo: quân sự, chính trị, điều tra địch tình. Ngoài kêu gọi đoàn kết với Phục Quốc nhưng trong thì chia rẽ. Hỏi có biết Nguyễn Ái Quốc không?

1942. Thư trong nước sang: "Báo cáo các đồng chí biết, vừa rồi Ðảng ta có gửi ba anh sang Trung Quốc liên lạc. Một anh bị bắt tên là Hồ Chí Minh. Một anh gãy chân, một anh bị Tây bắt. Vậy thì phải điều tra, tìm tòi, thấy ở đâu thì vận động gây phong trào đòi tha".

1943. Một hôm đi khai hội, 16 giờ gặp chị Thuần (Phục Quốc nhưng nghiêng về mình) nói: "Có một người Việt Nam bị tù tên là Hồ Chí Minh. Có nhớ thư năm 1942 không?". Nhớ ra: "Có cách xa không?" Tuy 4 giờ nhưng cũng cứ vào hỏi. Họ đưa Cụ ra. Trong thư nói anh, nay lại gặp một ông cụ, không biết có phải Hồ Chí Minh không. Hỏi: "Ðồng chí có phải Hồ Chí Minh không ?" "Sao biết?" "Vì trong nước có tin. Cụ bị đã lâu chưa ?" "Từ 1942, đi nhiều nhà tù, chết hụt mấy lần". Một tuần lễ sau ra. Về nhà: bán tín bán nghi, sao lại cử một đại biểu như thế này, không biết có đúng thư không ? Báo thư về nước: Không phải là anh mà là cụ. Chủ nhật sau, lại ra, vào thăm, thì ông cụ đã ra. Chỉ nhà. Ðến thấy ông Cụ đang viết báo, bằng tiếng Anh. "Cụ đã ra rồi à ?" "Phải". Gọi là đồng chí. Ra bãi nói chuyện. Nói đúng điều lệ. Bắt đầu có cái nể, không bờm xơm, đầm ấm mà nghiêm, gần mà rợn. Hỏi: "Nếu Tàu hỏi thì trả lời thế nào cho thống nhất?" "Thì cứ trả lời là người Việt Nam gặp nhau thôi. Không nói cách mạng gì cả".

Lần sau, gặp ở chỗ khác, khách sạn. Thấy viết không ra chữ gì, li ti: Tốc ký. Phải làm bút bằng tre.

Liên lạc với Ðồng minh Hội. Nhảy đầm, đánh máy. Ba tuần sau, trong nước có điện khẩn, yêu cầu chính phủ Trung Hoa thả Hồ Chí Minh, hội viên của quốc tế phản xâm lược Ðồng minh Hội. Uy tín tự nhiên lên. Gặp bà Hồ Ngọc Lãm, bà ấy bảo: "Ðó là Nguyễn Ái Quốc".

Cùng cụ ăn sữa đậu, dầu thiu. Một hôm khoe: "Hôm qua tập bắn sướng quá, nhưng mệt, khổ quá". Cụ nói: "Thanh niên học để cứu nước, mà lại buồn". Sau lại cho đi ăn cháo, nói chuyện ôn tồn. Sau khi tốt nghiệp, được cử đi một binh đoàn chiến đấu. Hỏi cụ: Có nên đi không? Không thì nói bảo dát, nên đi. Tử thủ Quế Lâm, xin Tưởng 200 nghìn quân. Nó nói: "Phòng Cộng hơn phòng Nhật". Tìm cách chuồn về nước. Ra khỏi một tuần, Quế Lâm tan vỡ. Về gặp cụ.

Gặp cụ ở Bách Sắc, giải tán bọn lính. Lấy một số Phục Quốc cùng cụ về. Trong khi đi đường, cụ bảo đọc Chinh phụ ngâm. Lúc ấy cuối 44.

12-5-1952. Ðại hội chiến sĩ thi đua. Những Giáp Văn Khương, Nguyễn Thị Chiên. Bác luôn luôn gọi Chiên, cho một khẩu súng lục. Những con người mới.

19-5-1952. Kỷ niệm sinh nhật Bác.

9-10-1952. Bác dạy về cách viết. Chỉ thị viết về chiến sĩ thi đua.

18-9-1954. Ra đi công tác tiếp quản Thủ đô. Hồ Chủ tịch ngồi trên xe gíp chạy qua. Như một lời nhắc nhở.

17, 18-10-1954. Tiệc trà Nê-ru - Thủ tướng Ấn Ðộ. Tiệc La-vri-sép- Ðại sứ Liên Xô tại Việt Nam. Hồ Chủ tịch nhảy với một nữ đồng chí Liên Xô trong tòa đại sứ.

13-12-1954. Sưu tầm những bài viết về Hồ Chủ tịch (tập ký "Gặp Bác" Nhà xuất bản văn nghệ ấn hành 1955).

1-1-1955. Ngày mừng  Hồ Chủ tịch và Chính phủ về Thủ đô. Hà Nội vui bật lên.

23-1-1955 (30 Tết). Ðêm giao thừa thi vị. Tiếng Tố Hữu ngâm thơ. Tiếng Hồ Chủ tịch trong đài. Tháp Rùa óng ánh. Phòng Thông tin Bờ Hồ chói sáng xanh.

25-1-1955 (Mồng 2 Tết Ất Mùi). Triển lãm quân đội: vĩ đại. Tư tưởng ông Năm- người quen: Thương Cụ Hồ hy sinh, nhưng lại lo về sinh kế.

22-5-1955. Mít-tinh mừng sinh nhật Bác. Hà Nội tưng bừng. Hồ Gươm rực rỡ đèn đủ các mầu nổi trong lá cây quanh hồ.

25-6-1955. Hồ Chủ tịch đi Trung Quốc, Liên Xô. Mao Chủ tịch ra đón tại sân bay là một việc vui sướng.

1-11-1955. Sang Liên Xô. Gần 12 giờ trưa thì tới Mạc Tư Khoa. Ðường từ ga về 20 cây số: mà hồi Hồ Chủ tịch sang đông nghịt người.

18-11-1955. Thăm nông trường Djenjinski và Sloatz. Chỗ nào cũng nói nhân dân Việt Nam anh dũng, rồi chúng ta sẽ sung sướng. Chúc sức khỏe Hồ Chủ tịch. Chúc tình hữu nghị.

12-2-1956 (Mồng một Tết Bính Thân). Mười hai giờ đêm còi, Quốc ca. Lời Bác chúc Tết. Bắt đầu mưa.

26-4-1956. Bác tiếp đoàn Nghệ thuật Tiệp Khắc. Phủ Chủ tịch không đông lắm. Bác cầm một con rối (nàng công chúa tóc vàng) đưa cho Khánh Vân ca sĩ. Bữa tiệc thân mật. Quây tròn chung quanh. Cuối cùng đoàn hát, múa con rối. Và đưa con rối tặng Bác. Cảnh vô cùng ấm cúng.

11-6-1956. Họ coi thường nghệ sĩ quá. Làm nhà, họ chỉ theo một số nguyên tắc cứng đờ. Không nghĩ đến gia đình người cán bộ. Vừa đây, Hồ Chủ tịch đến thăm khu nhà công nhân viên, có hỏi sao không có chỗ cho gia đình anh em, họ mới cuống lên. Thơ lại. Phụ nữ không được chăm sóc. Một nghệ sĩ như Khánh Vân không có một buồng riêng.

9-9-1956. Trần Huy Liệu gặp Cụ Hồ, kể các chuyện cải cách ruộng đất. Cụ cũng đau xót nhưng nói phải bình tĩnh. Cuống thì không giải quyết được.

22-9-1956. Lên báo cáo với Bộ Chính trị về tình hình nhóm nhân văn. Gặp Bác. Nghe thảo luận của Bộ Chính trị. Bác ngồi chủ tọa.

29-12-1956. Khai mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa I. Trước khi Chính phủ tới, người ta cho cử âm nhạc vui. Rồi Hồ Chủ tịch chào mừng Quốc hội. Các đại biểu đứng lên vỗ tay. Hồ Chủ tịch giơ tay theo thói quen bảo mọi người ngồi. Rồi đọc bài chào mừng, nhắc đến miền nam, khóc.

22-1-1957. Toàn thể Quốc hội nhất trí tán thành toàn bộ chính sách của Chính phủ và hoàn toàn tín nhiệm Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

11-8-1957. Ở Nam Tư, Ti-tô lái xe đưa Cụ Hồ đến cuộc họp. Cho đội phi cơ đi hộ vệ từ biên giới về Belgrade. Có cán bộ phê bình Ti-tô là học đòi tư sản. Người ta chờ đợi chuyến đi của Cụ Hồ. Không biết có sự thay đổi gì không?

19-8-1958. Ghi được bài thơ Cụ Hồ làm tặng bộ đội khi đơn vị chuẩn bị lên đường trở lại Tây Bắc:

Ðá rắn quyết tâm ta rắn hơn đá

Núi cao, chí khí ta còn cao hơn

Khó khăn, ta quyết vượt cho kỳ được

Gian khổ, không thể làm lòng ta sờn

Ðảng phái ta lên mặt trận sản xuất

Nhiệm vụ ấy ta quyết làm cho tròn

Ðội ơn đào tạo: người quân đội

Quyết chí đền bù: nghĩa nước non

16-2-1959. Ðón Hồ Chủ tịch đi dự Ðại hội 21 Ðảng Cộng sản Liên Xô về. Ông cụ giản dị.

31-12-1959. Tối tiệc trà ở Phủ Chủ tịch. Vài cái kẹo, vài quả quýt. Nhưng năm mới đã sang. Phảng phất một cái gì mới.

15-3-1960. Viết bài "Những lần gặp Bác" theo lời kể của Nguyễn Lương Bằng. Xem chừng được ông Lành thích.

15-4-1960. Họp xong kỳ 12 Quốc hội khóa I. Hồ Chủ tịch phát biểu ý kiến và lẩy Kiều:

Quốc hội gian khổ công lao

Mười lăm năm ấy xiết bao nhiêu tình.

24-5-1960. Hôm nọ, nói chuyện với giáo viên trường bổ túc công nông về Cụ Hồ. Nhiều giáo viên lạ khi thấy mình già, trong khi văn lại trẻ.

Tình hình trong nước: Khá bi về kinh tế. Vụ chiêm thất. Nếu vụ mùa không khá, thì có thể đói. Ông Lê Duẩn lớn tiếng chống phong kiến. Ngày xưa, thực dân phong kiến chỉ có một tổng đốc ở một tỉnh. Nay nếu không nhận rõ mình là cán bộ cách mạng thì dân một tỉnh phải chịu bốn ông tổng đốc. Rồi cũng lên trật, xuống trật. Ai ô-tô này, ai ô-tô kia. Trung ương cách xa nhân dân. Những điều ông Duẩn nhận xét về cái tác hại của tình trạng phong kiến trong Ðảng, so với sự thật đã thấm vào đâu?

Khi xưa, dưới thời Trung cổ, một ông vua khi nghe dân kêu, hay nghe một câu đồng dao, vua phải suy nghĩ về chính lệnh của mình. Người ta chú trọng đến ý kiến kẻ sĩ.

Nay ta tự mãn quá. Chẳng chú trọng đến ý kiến của kẻ sĩ. Anh đưa một nghị quyết của anh ra cho người ta học anh, chứ anh có học ai đâu.

16-6-1960. Bị ung thư, nằm Việt - Xô từ 26-5-1960 đến giờ đã gần tháng. Ðêm nghỉ được chút ít. Ông Nguyễn Lương Bằng - người mà đã kể để mình ghi lại hồi ký "Những lần gặp Bác"- tới thăm.

Nguyễn Thụy Kha (biên soạn)

-------------------------------

Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng viết đến ngày 21-6-1960 thì dừng lại. Căn bệnh ung thư đã đưa ông sang thế giới bên kia vào ngày 25-7-1960. Dù chỉ có 15 năm được biết và có những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Huy Tưởng đã để lại những dòng nhật ký chân thật và đẹp đẽ về Người.