ND- Ngày 29-4, UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội tổ chức Lễ gắn biển di tích cách mạng kháng chiến nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tại ngôi nhà của ông ở làng Dục Tú, xã Dục Tú, huyện Ðông Anh.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh năm 1912 và mất năm 1960, tham gia cách mạng từ năm 1930 và là đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Ông là nhà văn lớn, có nhiều đóng góp cho nền văn học cách mạng. Những ngày tiền khởi nghĩa mùa hè năm 1945, ông đã đưa các đồng chí cùng hoạt động ở Hội Văn hóa cứu quốc về làng Dục Tú, tổ chức biên soạn ngay tại nhà mình số đầu Tạp chí Tiên phong, dự kiến sẽ ra trong bí mật.
Tạp chí Tiên phong, cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc, có thể coi là tiền thân của báo Văn nghệ, cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ông cũng từng tham gia biên tập báo Cờ giải phóng, là đại biểu Quốc hội khóa I, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa I, Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Ðồng.
Với các tác phẩm văn học có giá trị: Ðêm hội Long Trì, Vũ Như Tô, Ký sự Cao Lạng, Sống mãi với Thủ đô, Lá cờ thêu sáu chữ vàng..., nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (đợt 1 năm 1996).