Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân chủ động, tích cực, tự giác trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có hiệu quả, ngày 3/10/2017, Ban Bí thư ban hành Quyết định số 99-QĐ/TW về việc hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Sau khi Quyết định số 99-QĐ/TW được ban hành, các cấp ủy, tổ chức đảng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và gặt hái được nhiều thành công với nhiều tấm gương sáng, điển hình tiên tiến và nhiều cách làm hay đã xuất hiện.
Cụ thể như cấp ủy, tổ chức đảng tại các tỉnh, thành phố đều đã ban hành các văn bản hướng dẫn để cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 99-QĐ/TW cũng như những Chỉ thị, Nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng phù hợp điều kiện thực tiễn.
Tại nhiều địa phương như Sơn La, Bắc Ninh, Nghệ An… thông qua nhiều hình thức: Tuyên truyền công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, niêm yết tại trụ sở, qua các hội nghị, sinh hoạt chi bộ hay qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa những người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng với cử tri, nhân dân… các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tại địa phương đã chủ động thông báo công khai rộng rãi và khuyến khích người dân tham gia đóng góp ý kiến, kiểm tra, giám sát về 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên; những điều đảng viên không được làm; việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên…
Những ý kiến, góp ý, phản ánh của người dân về các nội dung nêu trên đã kịp thời được các cơ quan chức năng tiếp thu và giải quyết đúng quy định, qua đó khuyến khích nhân dân tích cực, tự giác hơn nữa trong công tác đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên tại địa phương.
Nhiều tỉnh, thành phố, thực hiện tốt trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan chính quyền trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân từ đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tiếp thu và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân nhất là về những vấn đề liên quan đến các biểu hiện tiêu cực, suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố bằng những hình thức và cách làm sáng tạo đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức đại diện của mình thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên tại các tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Cũng chính từ hoạt động giám sát, nhân dân đã phát hiện, tố giác những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, tiêu cực trong tư tưởng, đạo đức, thực thi nhiệm vụ, góp phần không nhỏ giúp các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Đánh giá về những thành công đạt được sau 5 năm thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW trên địa bàn cả nước, trong Kết luận số 54-KL/TW, ngày 9/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã chỉ rõ: “Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát huy quyền làm chủ và vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái được nâng lên; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng mở rộng dân chủ, công khai để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát; việc lắng nghe, tiếp thu, giải quyết ý kiến phản ánh của nhân dân có nhiều chuyển biến; phát huy ngày càng tốt hơn quyền và trách nhiệm của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Nhân dân tin tưởng, chủ động và tích cực hơn tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.
Những thành tựu to lớn trong việc phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đạt được từ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và sự nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương là minh chứng rõ nét nhất, giúp bác bỏ những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động khi cho rằng Đảng ta vi phạm dân chủ, quan liêu, xa dân; Đảng không vì lợi ích của dân, của nước mà chỉ tìm cách thâu tóm quyền lực để phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ nên dung túng, bao che cho các cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, có hành vi tham ô, tham nhũng, vi phạm kỷ luật, kỷ cương… Những luận điệu này không có đích đến nào khác ngoài việc xuyên tạc bản chất của Đảng, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, tạo cơ hội cho các thế lực phản động chống phá Đảng, chống phá chế độ.
Tuy vậy, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế, việc phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thật sự cụ thể hóa, tổ chức thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW đầy đủ, kịp thời, bám sát thực tiễn, đặc biệt việc tổ chức thực hiện ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất nên chưa đạt hiệu quả cao. Vẫn còn tồn tại tình trạng nể nang, e ngại, ngại va chạm hoặc ngược lại lợi dụng dân chủ vì những mục đích xấu trong phản ánh, góp ý trực tiếp với cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan chức năng về những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu.
Một số kiến nghị, phản ánh của người dân chưa được xem xét thấu đáo, giải quyết kịp thời. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu vẫn còn một số hạn chế, chưa thật sự đáp ứng tốt yêu cầu của công tác xây dựng Đảng…
Những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng chủ yếu là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nhất là việc phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Những quy định về việc công khai, minh bạch thông tin, quy trình, trách nhiệm trả lời, giải quyết kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cũng như việc lấy ý kiến đóng góp, phản ánh, kiến nghị của người dân về mọi vấn đề, nhất là các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận liên quan các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên còn chưa được bổ sung, hoàn thiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về quyền làm chủ và trách nhiệm của mình trong việc tham gia công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở các cấp do đó chưa chủ động, tích cực tham gia ý kiến, kiến nghị, góp ý, phản ánh với cấp ủy và chính quyền các cấp, về biểu hiện suy thoái, tiêu cực của cán bộ, đảng viên trong tư tưởng, đạo đức, lối sống và trong thực thi nhiệm vụ; cá biệt còn có trường hợp lợi dụng dân chủ để khiếu nại, tố cáo gây mất đoàn kết trong nội bộ. Ở một số nơi chưa thực hiện tốt cơ chế, chính sách bảo vệ cũng như chưa có sự động viên, khen thưởng kịp thời với những người dân tích cực kiểm tra, giám sát, dũng cảm tố giác những cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò to lớn của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái trong nội bộ cần triển khai đồng bộ một số giải pháp như: Tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là vai trò của người đứng đầu trong việc cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả Quyết định số 99-QĐ/TW và Kết luận số 54-KL/TW của Ban Bí thư gắn liền với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII cũng như Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách để người dân thật sự thực hiện được quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên và góp ý, phản ánh đến các cơ quan chức năng để giải quyết, xử lý; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc vận động nhân dân nhận thức đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm của mình đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, từ đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận, trả lời, giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các phản ánh, kiến nghị chính đáng, những khiếu nại, tố cáo chính xác của người dân. Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ, động viên, khuyến khích người dân phát hiện, tố giác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, suy thoái và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.