Trong cuốn sách, Tổng Bí thư nêu rõ đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của Đảng; là nguồn sức mạnh, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời kỳ, trong đó, vai trò của nhân dân vô cùng to lớn. Bởi lẽ, nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc chính là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Để phát huy tối đa sức mạnh nhân dân trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư nhấn mạnh những quan điểm mới về vị trí, vai trò của nhân dân: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và cũng là trung tâm, chủ thể của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là bước phát triển mới về nhận thức dân là gốc; là sự bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hơn về mặt lý luận, để từ đó có những chỉ đạo sâu sát, đúng hướng.
Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và cũng là trung tâm, chủ thể của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là bước phát triển mới về nhận thức dân là gốc; là sự bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hơn về mặt lý luận, để từ đó có những chỉ đạo sâu sát, đúng hướng.
Thời gian qua, từ nhận thức mới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã có nhiều giải pháp, cách làm để tập hợp, huy động nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được thì một số cấp ủy, chính quyền còn thiếu sâu sát trong việc nắm bắt tình hình nhân dân và giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh tại cơ sở; chưa huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực trong nhân dân.
Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” chậm được cụ thể hóa; quyền làm chủ của nhân dân, nhất là ở một số cơ sở chưa được phát huy đầy đủ; mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân có lúc, có nơi chưa thật sự chặt chẽ. Đây cũng là những hạn chế mà Tổng Bí thư đã nêu trong cuốn sách.
Để khắc phục hạn chế, phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới, thiết nghĩ các cấp ủy đảng, chính quyền cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí của nhân dân; quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư được nêu trong cuốn sách. Đó là cần phải thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở làm tốt, làm có hiệu quả phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cần làm tốt vai trò làm nòng cốt để nhân dân làm chủ; quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của mỗi tầng lớp nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi và vận động, lôi cuốn để nhân dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động, nhằm phát huy mọi nguồn lực trong dân, khả năng sáng tạo và đóng góp tích cực của nhân dân vào sự nghiệp chung của đất nước.