Cô Tô phát triển trở thành đảo Ngọc ở vùng Đông Bắc

NDO - Trong những năm trở lại đây, diện mạo và đời sống của người dân huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) không ngừng đổi thay, cơ sở hạ tầng, giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại; Cô Tô đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn thu hút mạnh mẽ du khách trong nước và quốc tế ra thăm quan, nghỉ dưỡng trên đảo mỗi năm.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc huyện đảo Cô Tô ngày nay.
Một góc huyện đảo Cô Tô ngày nay.

Hơn 60 năm kể từ Ngày Bác Hồ ra thăm đảo, Cô Tô đang nỗ lực hướng tới trở thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia hiện đại, từng bước vươn mình trở thành đảo Ngọc ở vùng Đông Bắc Tổ quốc như lời Bác Hồ đã từng mong muốn.

Lời Người vọng mãi ngàn năm

Đã hơn 60 năm trôi qua, nhưng trong tâm trí cụ Trần Thị Trác ở Khu 4 thị trấn Cô Tô vẫn nhớ như in cái buổi sáng vinh dự và tự hào có một không hai ấy của đời cụ và hàng nghìn quân dân trên đảo Cô Tô. Đó là sáng 9/5/1961, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Bấy giờ Cô Tô còn là một xã đảo thuộc huyện Cẩm Phả, tỉnh Hải Ninh cũ, nay là tỉnh Quảng Ninh.

Nhớ lại ngày đón Bác Hồ ra thăm đảo, cụ Trác khi ấy mới 19 tuổi, là một nữ dân quân ưu tú được tham gia lực lượng bảo vệ bãi đáp trực thăng chở Bác Hồ ra thăm đảo.

Cụ Trác kể lại: Khoảng 8 giờ sáng 9/5, chiếc trực thăng chở Bác Hồ từ từ đáp xuống đúng vị trí đã được đánh dấu và canh phòng, trong tiếng vỗ tay vang dội khắp một vùng biển đảo của hơn bốn ngàn người đủ già, trẻ, gái, trai, bộ đội, công an.

Bác lần lượt bắt tay các đồng chí lãnh đạo địa phương và chỉ huy các đơn vị, ôm hôn động viên các chiến sĩ, ân cần thăm hỏi các cụ già và chia kẹo cho các cháu thiếu nhi, sau đó, Bác đứng nói chuyện với đồng bào, cán bộ và chiến sĩ ngay trên bãi đất trống. Bác khen ngợi nhân dân đảo Cô Tô đã tận tình giúp đỡ cán bộ và bộ đội trong kháng chiến; trong xây dựng hòa bình thì đoàn kết tương trợ nhau vượt qua khó khăn, thực hành tiết kiệm, thi đua sản xuất. Bác nêu lên những công việc phải làm để xây dựng đảo lớn mạnh, chỉ ra những điều mà cán bộ phải hướng dẫn và giúp đỡ bà con trong lao động sản xuất và xây dựng đời sống mới.

Mặc dù đã hơn 60 năm nhưng đến giờ cụ Trác vẫn nhớ như in lời căn dặn của Bác Hồ khi nói chuyện với quân và dân trên đảo đó là: Thủ đô Hà Nội tuy cách xa đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ.

Cô Tô phát triển trở thành đảo Ngọc ở vùng Đông Bắc ảnh 1

Huyện đảo Cô Tô ngày càng phát triển, xứng đáng là đảo Ngọc vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Sự quan tâm ấy thêm một lần được minh chứng vào ngày 12/6/1969, tức là khoảng 3 tháng trước khi Bác vĩnh viễn đi xa, Bác đã gửi tặng đồng bào và chiến sĩ đảo Cô Tô một bức ảnh chân dung của Người, do tự tay Người viết lời “Chào thân ái và quyết thắng” cùng nét chữ ký thân thuộc Bác Hồ.

Một hòn đảo trong hàng nghìn hòn đảo của Tổ quốc Việt Nam được hai lần vinh dự như thế, thực sự rất đặc biệt. Nhưng Cô Tô còn một điều vinh dự đặc biệt hơn nữa, đó là hòn đảo duy nhất được Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng của Người lúc sinh thời. Cho đến thời điểm này, Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô vẫn là bức tượng đẹp nhất vùng Đông bắc. Tượng đài Bác chính là linh hồn của đảo Cô Tô, vừa uy nghiêm vừa thân thương sừng sững hiên ngang giữa mênh mông biển trời Đông bắc. Hình ảnh Bác Hồ vẫy tay chào biển cả trở nên vô cùng thân thuộc, khắc sâu vào tâm khảm của quân và dân đảo Cô Tô.

Cô Tô phát triển trở thành đảo Ngọc ở vùng Đông Bắc ảnh 2

Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đảo Cô Tô.

Chị Phạm Thị Dung ở thị trấn Cô Tô xúc động chia sẻ: "Chúng tôi vô cùng tự hào bởi mình được sinh sống và lập nghiệp trên hòn đảo tiền tiêu Đông bắc của Tổ quốc. Chúng tôi mãi khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, đoàn kết xây dựng Cô Tô ngày càng phát triển, xứng đáng là đảo Ngọc tỏa sáng nơi biển trời Đông Bắc".

Cô Tô phát triển trở thành đảo Ngọc ở vùng Đông Bắc ảnh 3

Các đảng viên mới vinh dự được trao Quyết định kết nạp Đảng dưới Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô.

Xứng đáng là đảo Ngọc vùng Đông Bắc

Từ một huyện đảo nghèo, kinh tế chậm phát triển, thiếu thốn mọi bề, đến nay Cô Tô đã có cả điện lưới quốc gia, nước ngọt, hệ thống tàu khách, tàu vận tải phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ở mức cao từ 15 đến 16%/năm, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch đúng hướng mạnh mẽ sang ngành dịch vụ du lịch.

Kinh tế biển được đầu tư phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện theo hướng bền vững gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khuyến khích hoạt động nuôi trồng thủy hải sản, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

An sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng giáo dục đào tạo và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện rõ rệt. Từ tháng 8/2019 toàn huyện không còn hộ nghèo; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác quốc phòng quân sự địa phương được thực hiện tốt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm , chủ quyền biển đảo được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng chuyển biến tích cực, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được giữ vững; sự đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị được phát huy đã tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền từng bước được nâng lên; vai trò của mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội được khẳng định đã góp phần quan trọng vào phát sự triển mạnh mẽ của huyện. Đặc biệt, năm 2015 huyện Cô Tô được Chính phủ công nhận là huyện đảo đạt chuẩn Nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Cô Tô hiện nay đang được coi là điểm du lịch hấp dẫn, đáng đến trong hành trình du lịch Hạ Long-Quảng Ninh.

Cô Tô phát triển trở thành đảo Ngọc ở vùng Đông Bắc ảnh 4

Giao thông ra đảo Cô Tô giờ đây đã thuận lợi hơn với phương tiện và hệ thống cầu cảng được đầu tư hiện đại.

Trong chiến lược phát triển bền vững, huyện Cô Tô đã xây dựng quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 phát triển trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, đặc sắc về văn hóa, sinh thái biển đảo của Quảng Ninh và vùng ven biển vịnh Bắc bộ. Liên kết với Vân Đồn trở thành vùng du lịch Cô Tô-Vân Đồn - một trong hai điểm đột phá về du lịch của Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030; kết nối chặt chẽ với Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái để tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch biển đảo cao cấp, độc đáo, khác biệt.

Từng bước xây dựng Cô Tô trở thành một tổ hợp dịch vụ du lịch biển đảo phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, sinh thái, vui chơi giải trí trên biển, là nơi phát huy và bảo tồn được giá trị sinh thái hệ thống đảo một cách bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và quốc phòng an ninh nơi Đông Bắc tổ quốc.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng cho biết: Cô Tô xác định mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030 là xây dựng Cô Tô trở thành một huyện đảo phát triển năng động, một trọng điểm phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và chiến lược biển cả nước nói chung, trong đó trước mắt huyện tập trung triển khai đồng bộ quy hoạch gắn với quản lý đất đai, trật tự đô thị, môi trường; thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, triển khai số hóa thông tin du lịch, xây dựng đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch thông minh; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp du lịch khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc để thu hút du khách đến với Cô Tô.

Cô Tô xác định mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030 là xây dựng Cô Tô trở thành một huyện đảo phát triển năng động, một trọng điểm phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và chiến lược biển cả nước nói chung.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng

Cô Tô phát triển trở thành đảo Ngọc ở vùng Đông Bắc ảnh 5

Cô Tô ngày càng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế lên đảo khám phá và trải nghiệm.

Theo đó, huyện Cô Tô đã xây dựng quy hoạch cùng với các chiến lược phát triển mang tính đột phá, toàn diện, cụ thể nhằm thực hiện hoàn thành mục tiêu duy trì địa bàn an toàn, xây dựng và phát huy lợi thế các ngành kinh tế biển gắn với phát triển mạnh dịch vụ du lịch, nhanh, bền vững; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của văn hóa, con người Cô Tô.

Huyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; bảo đảm quốc phòng-an ninh, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, thân thiện với môi trường; xây dựng Cô Tô thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Đã hơn 60 năm kể từ ngày Bác Hồ ra thăm đảo, thực hiện lời Bác dặn, bằng trí tuệ, sự năng động sáng tạo của nhân dân, cán bộ, đảng viên và chiến sĩ các lực lượng vũ trang huyện đã học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người, quyết tâm xây dựng Cô Tô phát triển, vươn lên trở thành một điển hình về vượt khó, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những thành quả đó đã thể hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ huyện và được chuyển hóa thành chất lượng cuộc sống của mỗi người dân Cô Tô đang thụ hưởng.

Cô Tô phát triển trở thành đảo Ngọc ở vùng Đông Bắc ảnh 6

Cô Tô sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng không đâu có.

Cô Tô hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, ngày càng trù phú, giàu đẹp. Đây là thành quả thấm đẫm mồ hôi của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã đoàn kết một lòng, khắc ghi và làm theo lời dặn của Bác xây dựng xây dựng hòn đảo tiền tiêu trở thành phên dậu vững chắc và thực sự tỏa sáng nơi Đông Bắc của Tổ quốc.

Đúng vào dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Bác Hồ ra thăm đảo, chúng tôi vinh dự cùng với quân và dân trên đảo được dự Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đảo Cô Tô. Và càng đặc biệt hơn bởi tại Lễ thượng cờ kỷ niệm ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô năm nay có sự tham gia của Đội Tiêu binh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nghi Lễ thiêng liêng đánh dấu mốc quan trọng kỷ niệm Ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô - ngày 9/5/1961, đồng thời nhắc nhở quân và dân huyện đảo luôn ghi nhớ lời căn dặn của Người “Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào các đảo đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”.

Hình ảnh Bác Hồ tươi cười vẫy tay chào trong ánh bình minh rạng ngời cùng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên biển trời Đông Bắc của tổ quốc chính là cột mốc trường tồn nơi biển đảo tiền tiêu nơi tuyến đầu Tổ quốc. Chúng tôi cùng quân và dân trên đảo nguyện khắc ghi lời dạy của Bác, xây dựng Cô Tô ngày càng phát triển, xứng đáng là đảo Ngọc vùng Đông Bắc của Tổ quốc.