Cơ hội và thách thức phát triển cây sầu riêng

NDO - Giá sầu riêng ở mức cao, mang lại hiệu quả cho người sản xuất lớn nên diện tích trồng liên tục tăng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch sầu riêng tại Đồng Nai.
Thu hoạch sầu riêng tại Đồng Nai.

Thống kê sơ bộ, từ năm 2017 đến năm 2022, bình quân mỗi năm diện tích trồng cây sầu riêng ở nước ta tăng 24,5%. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đặt ra có nên tiếp tục tăng diện tích hoặc khuyến cáo giảm diện tích trồng chưa ai có thể trả lời được.

Ngày 21/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phối hợp Hội Làm vườn Việt Nam và Hiệp hội rau quả Việt Nam tổ chức diễn đàn cơ hội và thách thức phát triển ngành sầu riêng.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nếu như năm 2017 cả nước có 37 nghìn hecta trồng cây sầu riêng thì đến năm 2022 đã tăng lên hơn 110 nghìn hecta. Trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm diện tích trồng cây sầu riêng tăng 24,5%.

Trong tổng số diện tích trồng cây sầu riêng có hơn 54 nghìn hecta cho thu hoạch, năng suất bình quân 16,5 tấn/ha, sản lượng hơn 849 nghìn tấn. Sầu riêng tập trung tại 4 vùng, gồm: Tây Nguyên chiếm hơn 47% diện tích cả nước; đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 30%; Đông Nam Bộ chiếm gần 19% và duyên hải Nam Trung Bộ chiếm 4,2%.

Cơ hội và thách thức phát triển cây sầu riêng ảnh 1

Quang cảnh diễn đàn.

Dù diện tích tăng nhanh, nhưng hiện nay nông dân trồng sầu riêng trên một số loại đất chưa phù hợp, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây. Ngoài ra, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, ít vùng sản xuất tập trung, thiếu tính liên kết sản xuất, đầu ra chưa thật sự ổn định.

Để phát triển cây sầu riêng bền vững, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát diện tích sầu riêng, xây dựng đề án phát triển sản xuất theo vùng tập trung, gắn với đầu tư khâu đóng gói, chế biến. Cùng với đó, quy hoạch toàn diện vùng cây ăn quả tập trung, trong đó, có cây sầu riêng và phát triển thành vùng chuyên canh để thuận lợi cho sản xuất áp dụng cơ giới hóa và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt kiêm Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, cơ hội đối với cây sầu riêng rất nhiều nhưng thách thức cũng không hề nhỏ.

Hiện nay, vấn đề có nên tăng diện tích hoặc khuyến cáo giảm diện tích trồng cây sầu riêng hay không còn là vấn đề bỏ ngõ, chưa ai có thể trả lời được. Bởi, không biết thị trường xuất khẩu sẽ như thế nào trong những năm tới.

Cơ hội và thách thức phát triển cây sầu riêng ảnh 3

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi phát biểu tại diễn đàn.

Tại Đồng Nai, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, sầu riêng là một trong những loại cây trồng chủ lực của địa phương, với diện tích gần 11.400ha, đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ, sản lượng khoảng 70 nghìn tấn. Cùng với phát triển sản xuất, tỉnh Đồng Nai đang tích cực thực hiện theo quy chuẩn của thị trường tiêu thụ để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu quả sầu riêng.

Đến thời điểm này, trên địa bàn Đồng Nai có 6 cơ sở đóng gói và 11 vùng trồng sầu riêng với diện tích hơn 820ha, sản lượng 20 nghìn tấn được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Ngày 16/6 vừa qua, tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Cơ hội và thách thức phát triển cây sầu riêng ảnh 4

Đại biểu tham quan gian trưng bày quả sầu riêng tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp và nhà khoa học, nông dân đã cùng nhau thảo luận về hiện trạng sản xuất, các giải pháp phát triển bền vững cây sầu riêng; tiềm năng, cơ hội và thách thức đối với thị trường xuất khẩu sầu riêng nước ta; quy định mã vùng trồng, mã đóng gói và cập nhật các quy định mới về xuất, nhập khẩu đối với quả sầu riêng tại các thị trường.