Bảo đảm cung cấp nước sạch cho khu vực sân bay Long Thành

Cùng với đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, việc đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông kết nối, điện, nước sạch phải đi trước một bước để bảo đảm đồng bộ vào năm 2026 khi sân bay hoạt động. Trong đó, việc đưa nước sạch cho sân bay lớn nhất nước ta đang được các đơn vị gấp rút thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân thi công đường ống cung cấp nước cho sân bay Long Thành.
Công nhân thi công đường ống cung cấp nước cho sân bay Long Thành.

Tỉnh Đồng Nai đang tính toán đầu tư hệ thống cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của các khu công nghiệp, khu đô thị sân bay hình thành trong những năm tới.

Nỗ lực thi công

Tháng 6/2022, sau khi Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) chấp thuận hướng tuyến đường ống, vị trí đấu nối và lưu lượng nước cấp cho sân bay Long Thành, Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai đã thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng Dự án tuyến ống cấp nước cho sân bay Long Thành. Trước đó, đơn vị đã tính toán để thực hiện công trình cung cấp nước cho dự án trọng điểm quốc gia này.

Nguồn nước thô sẽ được lấy từ thượng nguồn sông Đồng Nai, dưới đập hồ thủy điện Trị An, đoạn thuộc xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, sau đó được đưa vào xử lý tại Nhà máy xử lý nước Nhơn Trạch. Qua hệ thống đường ống gang D800 nguồn nước này được cung cấp để đấu nối cho sân bay Long Thành. Tuyến đường ống phạm vi trong sân bay quốc tế Long Thành sẽ do phía ACV đảm nhiệm.

Theo Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai, Dự án tuyến ống cấp nước cho sân bay Long Thành được khởi công từ đầu tháng 5/2024, với tổng số vốn đầu tư gần 46 tỷ đồng, dài hơn 5,6 km, đi qua địa bàn xã Long An và Long Phước của huyện Long Thành.

Công trình được chia làm 3 đoạn: Đoạn 1 từ điểm đấu nối Gang D800 đi bên phải vỉa hè đường hẻm và đường kết nối tuyến giao thông kết nối số 2 sân bay Long Thành (T2); Đoạn 2 từ Km17+974,2 đến Km20+377 bên phải tuyến đường T2; Đoạn 3 từ Km1+600 đến Km4+281,89 bên phải tim đường giao thông kết nối số 1 sân bay Long Thành (T1) đến hàng rào sân bay quốc tế Long Thành.

Khi hoàn thành, tuyến ống cấp nước cho sân bay Long Thành sẽ cung cấp cho sân bay giai đoạn 1 là 10 nghìn m3 nước/ngày. Sau đó, tùy theo công suất sử dụng của sân bay quốc tế Long Thành khi tiếp tục xây dựng giai đoạn 2, giai đoạn 3, Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai sẽ nâng dần công suất lên đến 36 nghìn m3/ngày.

Theo Phó Ban quản lý dự án Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai Hoàng Quốc Phương: Tuyến ống cấp nước cho sân bay Long Thành được đơn vị xác định là công trình trọng điểm. Do vậy, công ty phối hợp với nhà thầu, cơ quan chức năng và đơn vị liên quan nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án, bảo đảm công trình hoàn thành sớm nhất có thể.

Theo chủ đầu tư dự án, hiện nay toàn tuyến ống chỉ còn khoảng 40m băng qua đường gom của Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu phải thi công đường rồi mới lắp đặt được đường ống nước cho nên tiến độ hoàn thành dự án phụ thuộc vào tiến độ thi công dự án này.

Chỉ huy trưởng nhà thầu thi công Dự án tuyến ống cấp nước cho sân bay Long Thành Nguyễn Ngọc Ánh cho biết, thời gian thi công Dự án tuyến ống cấp nước cho sân bay Long Thành đến nay được 2,5 tháng, tiến độ đã đạt 95%. Đến thời điểm này, chủ đầu tư cơ bản bàn giao mặt bằng đầy đủ, chỉ còn một ít mặt bằng chồng lấn với Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu chưa đắp đất thi công băng qua. Sau khi đơn vị làm đường cao tốc sân bay triển khai nền hạ, nhà thầu sẽ tiếp tục thi công, đặt cống, bảo đảm thoát nước: "Dự án dự kiến triển khai trong khoảng 60 ngày, nhưng do điều kiện khách quan như mùa mưa, giải phóng mặt bằng chậm, chồng lấn với Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu cho nên tiến độ kéo dài. Chúng tôi đang nỗ lực để hoàn thành toàn bộ gói thầu trong tháng 8 tới", ông Nguyễn Ngọc Ánh nói.

Đẩy nhanh tiến độ dự án

Để tiếp tục bảo đảm nguồn và chất lượng nước cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là trong bối cảnh Đồng Nai sẽ có thêm nhiều khu công nghiệp và khu đô thị sân bay theo quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai sẽ đầu tư phát triển mạng lưới đường ống, nâng công suất các nhà máy xử lý nước từ hơn 448 nghìn lên hơn 867 nghìn m3/ngày.

Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết, cùng với nâng công suất các dự án hiện hữu, tỉnh Đồng Nai cũng tính toán, thu hút các nhà đầu tư có kinh nghiệm, đủ năng lực thực hiện Dự án cấp nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những công trình đang được dự tính đầu tư là dự án Xa lộ nước Long Thành với mục tiêu khai thác, xử lý và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Dự án có công suất thiết kế 600 nghìn m3/ngày đêm; thời gian hoạt động 50 năm. Điểm đầu tuyến đường ống Xa lộ nước Long Thành ở sông Đồng Nai, thuộc huyện Vĩnh Cửu, sau đó đi qua địa bàn thành phố Biên Hòa và kết thúc ở xã Long Đức, huyện Long Thành. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 5.252 tỷ đồng, trong đó hơn 1.000 tỷ đồng do chủ đầu tư là Công ty cổ phần nước môi trường Bình Dương, còn lại huy động từ các nguồn khác. Về nguồn vốn thực hiện dự án, chủ đầu tư kiến nghị được hỗ trợ vay từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, công ty tăng vốn điều lệ và huy động vốn các nguồn vay khác từ ngân hàng.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có thêm các khu đô thị, khu công nghiệp ở khu vực huyện Long Thành, Cẩm Mỹ. Do đó, cùng với các nhà máy đang khai thác hiện nay, việc đầu tư thêm hệ thống cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt rất cần thiết, phải thực hiện ngay từ bây giờ. Nhu cầu sử dụng nước đối với các lĩnh vực sản xuất bán dẫn, công nghệ cao mà các tập đoàn hàng đầu trên thế giới đầu tư vào khu vực quy hoạch đô thị sân bay Long Thành trong những năm tới để phục vụ sản xuất khá lớn. Riêng Dự án Xa lộ nước Long Thành, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị chủ đầu tư sớm làm việc cụ thể với các sở, ngành liên quan và 3 địa phương có dự án đi qua gồm huyện Vĩnh Cửu, thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành để hoàn thiện các thủ tục, phù hợp quy hoạch tạo điều kiện thuận lợi khởi công dự án.