Cơ hội mới cho du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới ban hành Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”. Đề án được triển khai nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao; khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Tour khám phá Hoàng thành Thăng Long về đêm mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho du khách. (Ảnh: Phạm Chiểu)
Tour khám phá Hoàng thành Thăng Long về đêm mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho du khách. (Ảnh: Phạm Chiểu)

Đề án đưa ra các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, như: hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm...

Đồng thời, đề án đặt mục tiêu: Đến năm 2025, các địa bàn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Hội An, Đà Lạt,... có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm; hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; tăng thời gian lưu trú trung bình của du khách (ở các địa bàn thực hiện đề án) thêm ít nhất 1 đêm.

Dù ngành du lịch Việt Nam liên tục phát triển trong hơn 15 năm qua, song “mảng” du lịch đêm vẫn là một điểm yếu.

Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Phú Quốc, Bà Rịa-Vũng Tàu; hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam... Đề án được đánh giá là “đánh thức tinh thần sáng tạo và cống hiến của người dân và doanh nghiệp du lịch Việt”.

Dù ngành du lịch Việt Nam liên tục phát triển trong hơn 15 năm qua, song “mảng” du lịch đêm vẫn là một điểm yếu, do chưa có những mô hình tốt, sản phẩm phù hợp để phát huy tiềm năng và lợi thế của du lịch. Trên thực tế, du lịch đêm giúp tăng tiêu dùng, mua sắm và dịch vụ về đêm; góp phần tăng doanh thu và thuế cho ngân sách, cũng như thúc đẩy đầu tư phát triển ngành du lịch và tạo ra nhiều việc làm.

Các hoạt động dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan... mở cửa về đêm tạo ra nhiều công việc mới, rất đa dạng và mang lại thu nhập đáng kể cho cộng đồng địa phương. Du lịch đêm còn mở ra một không gian văn hóa mới độc đáo, tạo điều kiện cho khách du lịch tương tác với văn hóa địa phương; giúp quảng bá và bảo tồn văn hóa truyền thống, nghệ thuật và ẩm thực địa phương.

Một số điểm đến, một số địa phương cũng trở nên sống động vào ban đêm nhờ ánh sáng, âm nhạc và những hoạt động, sự kiện đặc biệt, giúp tăng cường trải nghiệm du lịch. Ngoài ra, du lịch đêm mang lại trải nghiệm rất mới mẻ cho du khách...

Do những lợi ích kể trên, các quốc gia có ngành du lịch phát triển mạnh đều tăng cường đầu tư vào du lịch đêm. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, năm 2018, du lịch đêm tạo ra giá trị xấp xỉ 2.300 tỷ yen (tương đương 21 tỷ USD) và chiếm 1,1% GDP của xứ “Phù Tang”. Còn ở Pháp, du lịch đêm là một phần quan trọng của ngành du lịch nước này.

Năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra giá trị hơn 133 tỷ euro (tương đương 157 tỷ USD), chiếm 20% tổng giá trị ngành du lịch và bằng khoảng 9,7% GDP của Pháp. Ngay cả các nước cùng trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, du lịch đêm cũng đang giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế các nước này.

Năm 2019, du lịch đêm chiếm 11% tổng giá trị ngành du lịch, đạt giá trị 1,9 nghìn tỷ baht (63 tỷ USD) và đóng góp khoảng 2% vào GDP của Thái Lan; trong khi du lịch đêm tạo ra giá trị khoảng 82,2 tỷ ringgit (20 tỷ USD), chiếm 20% tổng giá trị ngành du lịch và đóng góp hơn 5% vào GDP của Malaysia... Những con số thống kê này càng tạo thêm động lực, niềm tin cho Việt Nam trong lộ trình phát triển du lịch đêm mà Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” chính là một bước đi cụ thể hóa lộ trình ấy.

Dĩ nhiên, chúng ta cũng phải lường trước rằng, đề án khi triển khai sẽ gặp những khó khăn, thách thức và cả rào cản liên quan đến các quy định của pháp luật hiện hành và cả thói quen kinh doanh, phục vụ du lịch lâu nay.

Sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm du lịch đêm không chỉ mang đến những trải nghiệm mới mẻ, thu hút du khách, mà còn nâng tầm vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và con người Việt Nam.

Du lịch mở rộng sang ban đêm, cần bảo đảm an ninh, an toàn và trật tự công cộng; đồng thời giảm đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cư dân địa phương. Muốn triển khai thành công du lịch đêm, cần tăng nguồn tài chính để đầu tư vào hạ tầng chiếu sáng đường phố, các tiện ích công cộng, giao thông công cộng để tạo sự thuận lợi và an toàn cho du khách. Du lịch đêm cũng làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của cư dân địa phương.

Kiểm soát tiếng ồn và ô nhiễm ánh sáng là một thách thức mới đối với các bên liên quan. Phát triển du lịch đêm cũng sẽ kéo theo một lượng lớn du khách đổ về các điểm đến vào buổi tối, gây tắc nghẽn giao thông, quá tải các điểm du lịch, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng trải nghiệm du lịch của du khách và gây căng thẳng với cộng đồng địa phương.

Sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm du lịch đêm không chỉ mang đến những trải nghiệm mới mẻ, thu hút du khách, mà còn nâng tầm vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và con người Việt Nam. Kỳ vọng, trong tương lai gần, những cụm từ kiểu như “Hà Nội by night”, “Hồ Chí Minh City by night” hay “Đà Nẵng by night” và nhiều địa danh khác của Việt Nam gắn với “by night” (về đêm) sẽ trở nên hấp dẫn mời gọi và dần quen thuộc đối với du khách quốc tế.

Tin rằng, du lịch đêm-ánh sáng đêm, chính là một cơ hội mới để Việt Nam xây dựng thương hiệu du lịch vượt trội, truyền cảm hứng và tạo sức hấp dẫn mới trên bản đồ du lịch thế giới.