Với những tiềm năng to lớn về cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa, con người, du lịch Việt Nam ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bài toán nhân lực luôn là một thách thức lớn. Phải thừa nhận, nguồn nhân lực của chúng ta còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, chưa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của các dịch vụ du lịch.
Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mỗi năm ngành du lịch cần tới 40.000 lao động nhưng thực tế nguồn cung chỉ bảo đảm được khoảng 20.000 nhân lực. Trong số đó, tỷ lệ lao động du lịch có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm xấp xỉ 10%; sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm hơn 50%; dưới sơ cấp khoảng 40%. Trong tổng số lao động du lịch đó chỉ có 43% là được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch. Có thể thấy, bức tranh về lao động du lịch Việt còn những mảng tối cần được khắc phục cho phù hợp với yêu cầu của thời kỳ hiện nay. Nguyên nhân của tình trạng này bắt đầu từ khâu đào tạo. Các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của thị trường về cả số lượng và chất lượng.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến nay cả nước có 407 cơ sở đào tạo ngành du lịch, lĩnh vực du lịch nhưng còn nhiều bất cập cần giải quyết. Trong khi đó, cả nước có đến gần 4.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế luôn trong tình trạng thiếu nhân lực, vừa trông đợi vào “đầu ra” của các cơ sở đào tạo, vừa phải tự đào tạo. Cái thiếu nhất của nguồn nhân lực du lịch hiện nay là kỹ năng cứng về nghiệp vụ, kiến thức tin học, ngoại ngữ, giao tiếp, ứng xử... Các cơ sở đào tạo hiện chưa có một quy trình chuẩn hóa, thiếu sự liên thông giữa trong nước và quốc tế, vẫn còn manh mún, mạnh ai nấy làm. Việc này ít nhiều làm giảm mức độ cạnh tranh của du lịch Việt, khiến chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế.
Tại Hội thảo “Vai trò của các bên liên quan trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 14/11 vừa qua, nhiều giải pháp liên quan vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được đề xuất. Các chuyên gia cho rằng, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du lịch, cần phải có sự phối hợp, kết nối, xâu chuỗi giữa cơ quan quản lý nhà nước và các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội cũng như các tổ chức, cơ sở đào tạo nghề.
Một cụm từ được nhấn mạnh là các cơ sở đào tạo cần phải “tư duy lại” phương pháp, cách thức, để điều chỉnh công tác phát triển, bồi dưỡng nguồn lực con người cho du lịch phù hợp với bối cảnh công nghệ du lịch và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
Cụ thể, Việt Nam cần phải nắm bắt, đón đầu xu hướng cũng như dự báo các vấn đề liên quan đến đào tạo nhân lực du lịch. Nếu vẫn cứ đào tạo theo cách thông thường như thời gian qua thì khó có thể có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Cần đổi mới quy mô, phương pháp và nội dung đào tạo. Công tác số hóa như giáo trình số, ứng dụng công nghệ AI trong giảng dạy sẽ là ưu tiên hàng đầu, giúp bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi kỹ năng, ngoại ngữ, công nghệ...
Các mô hình đào tạo chuyên sâu cần được quan tâm nhiều hơn để chủ động nguồn nhân lực hạt nhân chất lượng cao đủ sức cạnh tranh với du lịch các nước trong khu vực và trên thế giới. Các hình thức đào tạo đa dạng như chính quy, vừa học vừa làm, đào tạo từ xa... là để chủ động cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp, giảm tình trạng thiếu hụt và mất cân đối giữa các lĩnh vực công việc trong du lịch hiện nay.