Nhưng để sản xuất một chiếc máy bay của Boeing cần tới hơn 6 triệu linh kiện, phụ kiện và trong quá trình tìm kiếm nguồn hàng từ nhiều nơi trên thế giới, Boeing mong muốn có thêm nhiều nhà cung cấp ở Việt Nam để mở rộng nguồn hàng từ thị trường quan trọng này.
Cách tiếp cận của Boeing đang diễn ra đúng như hướng đi Samsung, Intel,… đã lựa chọn khi đặt niềm tin vào môi trường đầu tư Việt Nam và quyết định mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất. Xu hướng hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn đã mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam sau một thời gian dài phát triển ổn định, thể hiện ở tổng vốn tăng thêm luôn chiếm quy mô lớn nhất so với vốn thu hút dự án mới và hoạt động góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Ðáng lưu ý, một số tập đoàn lớn đã thực hiện quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam, như Apple, Dell, Foxconn, Pegatron,… Với vai trò là đầu tàu xuất khẩu, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc cung cấp nguyên phụ liệu và hợp tác kinh doanh.
Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới và dòng vốn tái định vị sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung ứng của các nước đối tác lớn và các tập đoàn đa quốc gia. Các ngành công nghiệp có nhiều triển vọng đón nhận dịch chuyển đầu tư đều là các ngành sản xuất chủ lực, có đóng góp lớn trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, gồm chế biến thực phẩm, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, công nghiệp sản xuất hàng điện tử và linh kiện, công nghiệp chế biến, ô-tô,…
Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua để đón nhận làn sóng đầu tư mới. Do đó, trước hết cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông đường bộ, cảng biển. Bên cạnh đó, chúng ta cần phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết và lan tỏa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài,… Chỉ khi sẵn sàng về năng lực tiếp nhận và hấp thụ vốn ngoại, chúng ta mới có thể nắm bắt, tận dụng được các cơ hội đang đến từ sự dịch chuyển của dòng vốn FDI toàn cầu.