Môi trường đầu tư của Việt Nam thuận lợi và thông thoáng

Đó là nhận xét của Tham tán kinh tế thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm khi trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân mới đây. Ông Hồ Tỏa Cẩm cũng nhấn mạnh, bên cạnh những tiềm năng dồi dào thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, hai nước cũng có nhiều cơ hội và lợi ích do Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mang lại.

Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được ưa chuộng tại nước ngoài.
Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được ưa chuộng tại nước ngoài.

Theo ông Hồ Tỏa Cẩm, bất chấp thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững. Theo thống kê của phía Việt Nam, năm 2015, tổng trao đổi kim ngạch thương mại hai nước đạt hơn 66 tỷ USD, tăng 13,3% so cùng kỳ năm trước, củng cố vị trí của Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong năm thứ 12 liên tiếp. Hiện Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Quy mô thương mại hai nước những năm gần đây được mở rộng nhanh chóng, với mức tăng trưởng khoảng 30%/năm. Vấn đề mất cân bằng trong thương mại song phương từng bước được cải thiện. Thương mại mậu biên đóng vai trò quan trọng trong tổng trao đổi kim ngạch buôn bán giữa hai nước. Đầu tư trực tiếp (FDI) của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục khởi sắc. Hiện Trung Quốc có hơn 1.280 dự án FDI tại Việt Nam, với số vốn đăng ký đạt gần 10 tỷ USD, đứng thứ chín trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nhiều sản phẩm của Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc, như: Đồ gỗ, mỹ nghệ, hoa quả sấy, bánh đậu xanh, dép cao-su…

Là người đã có hơn 15 năm gắn bó với Việt Nam, Tham tán kinh tế thương mại Trung Quốc Hồ Tỏa Cẩm nhận xét, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Năm 1998, Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam ra đời và từ đó đến nay nhiều lần được bổ sung, sửa đổi, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc. Tháng 7-2015, Việt Nam thông qua Luật Đầu tư mới với những điều khoản tạo môi trường đầu tư bình đẳng và thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, có tính linh hoạt. Rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một cơ cấu có tiêu chuẩn cao song cũng mở ra nhiều cơ hội lớn.

Ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết, việc Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột, gồm, Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội ra đời và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2016 đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Hiệp hội. Trung Quốc ủng hộ ASEAN thúc đẩy thị trường chung ở khu vực. Trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các nước ASEAN tiến tới xóa hàng rào thuế quan, qua đó không chỉ mang lại nhiều cơ hội cho thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN nói chung, mà còn tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam nói riêng. Các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm tất cả các lĩnh vực hợp tác liên quan AEC, trong đó chú trọng các ngành dệt may, bất động sản, dịch vụ và du lịch…

Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi, thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế cải thiện và phát triển tích cực. Hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch đạt tiến triển. Hai bên nhất trí thúc đẩy các dự án kết nối trong khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Một vành đai, một con đường”; tăng cường hợp tác về năng lực sản xuất; sớm thành lập Nhóm công tác, bàn và ký Phương án tổng thể chung xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Đại sứ hy vọng, việc Trung Quốc khẳng định sẽ quan tâm hơn vấn đề nhập siêu của Việt Nam, các dự án đầu tư quy mô lớn, có chất lượng sẽ được triển khai và tình trạng nhập siêu sẽ từng bước được cải thiện.