Trong lần công bố thứ 9 này, Sách trắng về thương mại và đầu tư 2017 tổng hợp ý kiến của các công ty thành viên EuroCham, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Ông Michael Behrens, Chủ tịch EuroCham khẳng định, Sách Trắng năm nay nhằm hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của châu Âu ở châu Á, và trung tâm kinh tế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Ông Michael Behrens cho rằng, trong bối cảnh Hiệp định TPP đang khó đoán định, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có khả năng trở thành dẫn chiếu trong quá trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam trong năm 2017 và sau này. EVFTA cũng khiến Việt Nam trở thành điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất tại khu vực Đông Nam Á cho các doanh nghiệp châu Âu.
EU cam kết hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa và hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 của Việt Nam, viện trợ của EU thông qua chương trình Định hướng hỗ trợ đa niên cho Việt Nam giai đoạn 2014-2020 đã được tăng thêm 30% và đạt mốc 400 triệu Euro, trong đó mục tiêu trọng tâm là phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam.
Tại buổi lễ công bố, Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với EVFTA. Bộ Công thương mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp EU và Việt Nam để tạo điều kiện tốt nhất giúp các doanh nghiệp phát triển hài hòa.
Sách trắng 2017 đánh giá, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh hàng loạt những thay đổi về pháp lý, Chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh vốn FDI vào các hoạt động sản xuất. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu ghi nhận, sự phát triển và sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài là không thể phủ nhận bởi lẽ Việt Nam đang không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.
Theo Sách trắng 2017, trong năm 2015, EU là đối tác đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam với tổng số vốn FDI cam kết đạt 1,3 tỷ USD. Về thương mại và các hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm: Dệt may, giày dép, cà phê, hải sản và các mặt hàng điện tử. Các hàng hóa xuất khẩu từ EU chủ yếu là dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải. Quan hệ giữa hai bên đã đem lại giá trị thương mại hơn 28,3 tỷ USD trong năm 2014. Trong số các nhà đầu tư nước ngoài, EU ngày càng trở thành nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam, tính đến cuối tháng 12-2015, EU đã đầu tư 23,2 tỷ USD cam kết vào 1.730 dự án.
Bên cạnh đó, Sách trắng 2017 cũng đưa ra những tồn tại, bất cập cần được tiếp tục cải thiện. Đó là quy trình cấp phép các dự án có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn khá mơ hồ. Hệ thống hành chính của Việt Nam còn rườm rà. Việc khai báo thuế, thông quan đăng ký kinh doanh và các thủ tục hành chính khác thường xuyên bị chậm trễ... gây phiền phức và tốn kém cho các doanh nghiệp.