Cơ hội để nông nghiệp Bình Phước bứt tốc

Bình Phước có lợi thế về đất đai để phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã từng bước đạt được một số kết quả nhất định. Để ngành nông nghiệp thật sự là bệ đỡ của nền kinh tế, Bình Phước đang đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp FDI đến đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhất là mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm khép kín.
0:00 / 0:00
0:00
Một vùng trồng sầu riêng hữu cơ tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Một vùng trồng sầu riêng hữu cơ tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Căn cơ từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, đến nay toàn tỉnh có 440 ha cây trồng được ứng dụng công nghệ cao; 6.000 ha cây trồng ứng dụng tưới tiết kiệm nước và có 75 mã số vùng trồng được xuất khẩu chính ngạch với khoảng 4.500 ha, sản lượng khoảng 148.783,36 tấn/năm. Chăn nuôi cũng được đẩy mạnh với 271 trang trại chăn nuôi lợn tập trung, trong đó có 60 trang trại có ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Bình Phước có năm nhãn hiệu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gồm: chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, “Hồ tiêu Lộc Ninh”, “Gà thả vườn Thanh Lương”, “Nhãn tiêu da bò Thanh Lương” và “Cao-su Bình Phước”. Đến nay, tỉnh có 157 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3-5 sao và có khoảng hơn 206 chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị đang hoạt động hiệu quả với 38 hợp tác xã tham gia.

Ngành nông nghiệp Bình Phước ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó đến năm 2030 tập trung vào một số ngành hàng chủ lực và phát triển ở địa bàn có lợi thế về đất đai rộng. Tỉnh đang xây dựng vùng trồng cây ứng dụng công nghệ cao, gồm: cây ăn trái diện tích 5.000 ha; vùng trồng hồ tiêu với diện tích 3.000 ha; đồng thời xây dựng chuỗi chăn nuôi trên khoảng 9.500 ha.

Tỉnh Bình Phước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó phê duyệt danh mục dự án đầu tư: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy giết mổ, chế biến, gia súc, gia cầm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Dự án phát triển một số vùng trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái; Phát triển cụm ngành điều, cụm ngành chế biến gỗ-cao su, chế biến trái cây. Cùng với đó, Bình Phước đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch, khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

Cơ hội cho nông nghiệp Bình Phước thăng hoa

Trong tháng 3/2024, Bình Phước sẽ tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước năm 2024”, đây là cơ hội để tỉnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách ưu đãi; giúp các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp cận các dự án trọng điểm, các dự án tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, các dự án nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết: Mục đích của diễn đàn là kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc phát triển công nghiệp, thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây đều là những lĩnh vực đã được đưa vào mục tiêu phát triển xanh, bền vững của tỉnh Bình Phước. Mặt khác, các doanh nghiệp EuroCham có thế mạnh về năng lực tài chính và thị trường tiêu thụ, đầy tiềm năng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng. Nếu níu chân được các doanh nghiệp châu Âu, không chỉ giúp Bình Phước thay đổi bộ mặt nông nghiệp theo hướng bền vững mà còn góp phần đóng góp tích cực hơn vào kinh tế-xã hội.

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu EuroCham (từ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu), như: Heineken, De Heus, Big Dutchman, Phileo by Lesaffre, Kilimo, Logwin Air and Ocean, Stolz Asia, The Fruit Republic, Biodevas, Lallemand, Hùng Nhơn Aust Export… và các doanh nghiệp đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (AusCham).

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho biết: “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ, nâng tầm thương hiệu, giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Đồng thời, đây là cơ hội để Bình Phước giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đến với thị trường châu Âu. Tại diễn đàn, EuroCham sẽ đề xuất với lãnh đạo tỉnh Bình Phước các giải pháp phát triển hệ sinh thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, cho biết: Với mục đích kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngoài các phát biểu đánh giá và nhận định về xu hướng đầu tư, hợp tác của các doanh nghiệp EuroCham, diễn đàn sẽ có nhiều ý kiến phát biểu, các tham luận của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng.

Sự kiện này là cơ hội để Bình Phước giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách ưu đãi của địa phương; từ đó mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược có uy tín và tiềm lực tài chính, công nghệ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đây là cơ hội để ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước phát triển bứt phá, trong thời gian tới. Tuy nhiên, để các sản phẩm của ngành nông nghiệp vươn ra “biển lớn”, tỉnh Bình Phước cần chuẩn bị đủ các yếu tố để các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới đến tìm hiểu và ký cam kết xúc tiến đầu tư.