Cơ hội cải cách hệ thống tài chính quốc tế

Nhằm chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về tài chính cho phát triển, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi cải cách hệ thống tài chính quốc tế mà ông mô tả là “lỗi thời, loạn chức năng và không công bằng”. Đây là việc làm cấp thiết trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thông điệp video gửi tới cuộc họp đầu tiên của Ủy ban trù bị cho Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về tài chính cho phát triển, bắt đầu ở Addis Ababa (Ethiopia) ngày 22/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres khẳng định hội nghị sắp tới mang đến cơ hội đặc biệt để giải quyết các thách thức tài chính trước mắt.

Hội nghị dự kiến diễn ra tại Tây Ban Nha từ ngày 30/6 đến ngày 3/7/2025, sẽ mở ra cơ hội cho các nhà lãnh đạo thế giới áp dụng những cải cách đầy tham vọng nhằm cung cấp nguồn tài chính dài hạn hợp lý trên quy mô lớn và cung cấp các gói kích thích các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh hội nghị sẽ thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính quốc tế, từ cơ cấu thuế và nợ, hệ thống ngân hàng phát triển công, đến các quy tắc thương mại và đầu tư, mạng lưới an toàn tài chính và quản trị toàn cầu.

Ông Guterres nhận định thế giới đang phải đối mặt với những cú sốc khiến những thách thức tài chính trở nên khó giải quyết hơn, trong khi sự chia rẽ về địa chính trị làm suy yếu các nỗ lực tập thể. Việc thời gian gần đây có rất nhiều cuộc khủng hoảng, từ đại dịch Covid-19 cho tới lạm phát tăng, và tình trạng sụt giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tác động nặng nề tới các quốc gia nghèo hơn trên thế giới.

Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về Thương mại, Đầu tư và Phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan cảnh báo các quốc gia chậm phát triển đang đứng bên bờ vực nợ nần chồng chất và các nước này hiện còn thiếu tới 100 tỷ USD mới đủ nguồn tài chính để thực hiện các bước chuyển đổi nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.

LHQ đã kêu gọi tiến hành cuộc cải tổ sâu rộng đối với hệ thống tài chính toàn cầu để giúp các quốc gia nghèo nhất thế giới thu hẹp khoảng cách tài chính khổng lồ hiện nay. Các nước chậm phát triển, với tổng dân số 1 tỷ người, chỉ chiếm 4% quyền biểu phiếu của Ngân hàng Thế giới (WB) và họ nhận được chưa đầy 2,5% khoản phân bổ chung của Quyền rút vốn đặc biệt tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nếu thực hiện việc phân bổ theo đầu người, thì nhóm nước này lẽ ra sẽ nhận được hơn 12%. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina cho rằng lục địa đen cần thu hẹp khoản thiếu hụt tài chính khoảng 402,2 tỷ USD để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu vào năm 2030.

Để khắc phục thiếu hụt này, AfDB đề xuất một chương trình nghị sự táo bạo, nhằm cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu, giúp chuyển đổi các nền kinh tế châu Phi; điều này bao gồm việc giúp châu Phi có tiếng nói lớn hơn trong các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính quốc tế, phản ánh tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội ngày càng tăng trên toàn cầu cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của châu Phi. Báo cáo của AfDB cũng kêu gọi các ngân hàng phát triển đa phương sửa đổi mô hình kinh doanh để cung cấp tài chính ưu đãi dài hạn trên quy mô lớn cho các nước đang phát triển nhằm củng cố vị thế vốn của các nước này. Phó Chủ tịch kiêm chuyên gia kinh tế trưởng của AfDB Kevin Urama nhấn mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất là chìa khóa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu của châu Phi.

Vào năm 2015, tất cả các quốc gia thành viên LHQ đã thống nhất phấn đấu đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Tuy nhiên, mục tiêu nói trên sẽ chỉ là không tưởng nếu hệ thống tài chính quốc tế không được cải thiện mạnh mẽ theo hướng tăng cường hỗ trợ các nước chậm phát triển và các nước này không nỗ lực vươn lên.

Trước thềm Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về tài chính cho phát triển, người đứng đầu LHQ bày tỏ tin tưởng tất cả các nước “sẽ tiến về phía trước với quyết tâm giải cứu Chương trình nghị sự 2030”, đồng thời khẳng định rằng việc cùng nhau hành động sẽ giúp có được một hệ thống tài chính cũng như một thế giới công bằng, bình đẳng và bền vững hơn.

Theo đó, một mặt các quốc gia chậm phát triển cần phải nỗ lực hơn nữa để huy động nguồn lực trong nước, mặt khác cộng đồng quốc tế cần tăng nguồn hỗ trợ tài chính và cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp cho những nước này nhằm giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần.