Có hay không sự thờ ơ, làm ngơ của cơ quan quản lý trước vi phạm quyền lợi người tiêu dùng?

NDO - Nêu thí dụ về tình trạng “bia kèm lạc” khi mua ô-tô, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, lâu nay vẫn có những hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng diễn ra liên tục, công nhiên và có cả sự làm ngơ của cơ quan quản lý.
0:00 / 0:00
0:00

Có Luật hơn 10 năm, vi phạm vẫn kéo dài

Sau gần 12 năm thi hành, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có nhiều quy định quan trọng liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng…, đòi hỏi cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn phát sinh.

Tham gia đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho biết, đây là đạo luật liên quan đến tất cả mọi người.

Bày tỏ đồng tình và đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về sự cần thiết xây dựng dự án Luật, đại biểu cho rằng dự thảo lần này đã quy định nhiều hành vi bị cấm để bảo vệ người tiêu dùng nhưng thực tế vẫn chưa bao quát hết.

Có hay không sự thờ ơ, làm ngơ của cơ quan quản lý trước vi phạm quyền lợi người tiêu dùng? ảnh 1

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

“Trong dự thảo có điều cấm và quy định gần 20 việc cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp dịch vụ hàng hóa… Luật đã hơn 10 năm nay rồi nhưng có những hành vi vi phạm diễn ra liên tục, công nhiên và có cả sự làm ngơ của cơ quan quản lý”, đại biểu dẫn thực trạng.

Nêu thí dụ về tình trạng “mua bia phải kèm theo lạc” khi mua ô-tô, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, lợi ích của người tiêu dùng bị xâm phạm nghiêm trọng khi nhiều hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng diễn ra liên tục, công khai nhưng cơ quan chức năng quản lý lại thờ ơ, làm ngơ.

“Thí dụ chuyện “bán bia kèm lạc” khi khan hiếm hàng ô-tô chẳng hạn, người tiêu dùng phải bỏ thêm một số tiền rất lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng để mua thêm các phụ kiện đi kèm, trả tiền chênh thêm để được lấy xe trước. Chuyện này cơ quan quản lý không phải là không biết”, đại biểu nêu nhận định.

Không chỉ vậy, theo đại biểu, có tình trạng xe máy của hãng Honda ở các đại lý Head bán đều chênh với giá niêm yết hãng công bố có khi lên đến hàng chục triệu đồng, và việc này cơ quan quản lý cũng… “không phải không biết”.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nói về tình trạng “bia kèm lạc” khi mua ô-tô. (Nguồn video: Truyền hình Quốc hội)

“Chúng ta lại khai thuế theo giá niêm yết nhưng bán cho người dân với giá cao. Sự vi phạm này không những công nhiên, công khai mà còn kéo dài liên tục”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Do đó, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội kiến nghị, các điều cấm này cần phải được quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật để xử lý các hành vi vi phạm mang tính chất rõ rệt như đã nêu.

Người tiêu dùng luôn ở thế yếu

Góp ý cụ thể vào các nội dung trong dự thảo, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, vẫn cần thêm những quy định rõ và cụ thể hơn để bảo vệ người tiêu dùng, vốn luôn rơi vào thế yếu khi tham gia các giao dịch.

Do đó, theo đại biểu, dự thảo Luật lần này cần phải quy định rất rõ vai trò của cơ quan quản lý, nhất là cơ quan quản lý thị trường trong thực thi trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Người tiêu dùng bao giờ cũng ở trong thế yếu khi tham gia các giao dịch nên vai trò của cơ quan quản lý, đặc biệt quản lý thị trường, các tổ chức đại diện cần phải có nội dung rất rõ”, đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai kiến nghị.

Trong dự án Luật có 1 chương liên quan đến tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An chỉ rõ, điểm tựa pháp lý cho hội này vận hành, đứng ra bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách chủ động thì vẫn đang thiếu và quy định mới chỉ mang tính chất khuyến nghị, khuyến cáo.

Người tiêu dùng bao giờ cũng ở trong thế yếu khi tham gia các giao dịch nên vai trò của cơ quan quản lý, đặc biệt quản lý thị trường, các tổ chức đại diện cần phải có nội dung rất rõ.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai)

Đặc biệt, quyền chủ động khởi kiện của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi không có yêu cầu của người tiêu dùng cũng cần phải làm rõ. Đại biểu bày tỏ mong muốn có quy định rõ hơn để Hội này được làm, muốn làm và dám làm trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Câu chuyện này ở nước ngoài rất nhiều nhưng lâu nay, các vi phạm liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng nhiều nhưng việc khởi kiện ít, mặc dù tranh chấp lớn”, đại biểu nói.

Về Chương tố tụng trong bảo vệ người tiêu dùng, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã có ý kiến rất cụ thể về quy trình này. Theo đại biểu, cần phải xác định rành mạch tố tụng bảo vệ người tiêu dùng trong mối quan hệ tố tụng dân sự và trong mối quan hệ với các quy định xử lý vi phạm hành chính, hình sự để không bị lẫn vụ kiện bảo vệ người tiêu dùng với vụ kiện dân sự.

“Lâu nay, chúng ta mua bán nhỏ, tạo ra cảm giác người tiêu dùng không muốn khởi kiện,tranh chấp vì nhỏ. Do đó, lâu nay người tiêu dùng thường ở thế yếu”, đại biểu nêu nhận định.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật cũng dành chương quy định chung 5 Điều về bảo vệ thông tin, trong đó có 1 mục hoặc phần riêng về cung cấp thông tin và bảo mật thông tin. Đại biểu cho rằng hiện nay thông tin người tiêu dùng đang bị lấy và bảo quản, lưu trữ trong tình trạng "rất rối". Do vậy, đại biểu kiến nghị trong dự án Luật cần phải có một Điều riêng về việc này.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng góp ý về việc cần có những quy định rõ và cụ thể về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các giao dịch đặc thù trên hệ thống thương mại điện tử, cũng như dành một mục riêng về các quy định liên quan bán hàng đa cấp.