Bên lề Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV:

Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng

NDO - Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho biết, tuy đa số các doanh nghiệp đã thực hiện tốt Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng còn một số vẫn có các hành vi vi phạm, như cung cấp thông tin thổi phồng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, sản phẩm, hay chưa thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Theo chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trong kỳ họp này, nhằm thực hiện tốt hơn chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.

Còn nhiều vi phạm trong thực hiện pháp luật bảo vệ người tiêu dùng

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) nhấn mạnh, các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đại biểu, thời gian vừa qua, đại đa số các doanh nghiệp đã thực hiện tốt Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các quy định của Luật, có các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Trong đó nổi bật là các hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin người tiêu dùng. Đại biểu chỉ rõ, một số doanh nghiệp đã không thông báo rõ ràng, công khai hoặc có thông báo nhưng nội dung không đầy đủ theo quy định về mục đích thu thập, sử dụng thông tin về người tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Đặc biệt là một số đơn vị thực hiện chức năng tư vấn, hỗ trợ tài chính trực tuyến, doanh nghiệp lớn, hoạt động trong lĩnh vực siêu thị, điện máy cũng có sai phạm, chưa thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó là vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, thường là che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định, thí dụ như cung cấp thông tin gây hiểu nhầm về hàng hóa, dịch vụ, về chính sách đổi trả sản phẩm, về uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp…

Đại biểu Trần Văn Khải cũng chỉ rõ, đối với trách nhiệm của các bên thứ ba trong cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cũng có những dấu hiệu vi phạm, như việc quảng cáo, cung cấp thông tin thổi phồng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, sản phẩm, chương trình khuyến mại...

Đối với trách nhiệm của các bên thứ ba trong cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cũng có những dấu hiệu vi phạm, như việc quảng cáo, cung cấp thông tin thổi phồng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, sản phẩm, chương trình khuyến mại...

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Ngoài ra, còn có vi phạm về thực hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Theo đại biểu, hành vi vi phạm thường thấy là doanh nghiệp có niêm yết điều kiện giao dịch chung tại điểm giao dịch. Tuy nhiên, các điều kiện giao dịch chung không xác định rõ thời điểm áp dụng, hoặc không được niêm yết ở nơi thuận lợi tại địa điểm giao dịch để người tiêu dùng có thể nhìn thấy.

Các doanh nghiệp cũng vi phạm về giao kết hợp đồng, điều kiện giao dịch chung với người tiêu dùng có điều khoản không có hiệu lực. Trong đó, tập trung vào nội dung loại trừ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng và hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng.

Trong quá trình thanh, kiểm tra, các cơ quan quản lý cũng ghi nhận một số vi phạm khác của doanh nghiệp. Cụ thể, về trách nhiệm bảo hành hàng hóa, vẫn có doanh nghiệp không thực hiện đúng thời hạn bảo hành, không đổi mới sản phẩm cho người tiêu dùng theo quy định; không cung cấp hợp đồng/hóa đơn cho người tiêu dùng sau khi ký kết; có hành vi quấy rối người tiêu dùng, đặc biệt trong các giao dịch gọi điện thu/nhắc nợ của các đơn vị cho vay tiêu dùng...

Nguyên nhân và giải pháp

Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng ảnh 2

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng một phần xuất phát từ những bất cập, hạn chế liên quan đến chủ thể thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chủ thể thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang gặp phải hạn chế về nguồn lực và kinh phí hoạt động.

"Thực tế cho thấy, ngân sách hằng năm dành cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Trung ương và địa phương rất ít, không tương xứng với khối lượng công việc mà các cơ quan tổ chức thực thi", đại biểu nêu thực trạng.

Về nhân lực, các cơ quan cũng đang trong tình trạng 1 người phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, với mô hình hoạt động chưa hoàn thiện và thống nhất. Ở cấp Trung ương, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu được giao cho 2 đơn vị cấp phòng của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công thương.

Theo đại biểu Trần Văn Khải, mô hình này quá khiêm tốn so với yêu cầu từ thực tế Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế. Ở cấp địa phương, chưa có sự thống nhất về việc giao nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho cấp phòng thuộc Sở Công thương.

Cụ thể, đa số (50/63) các sở công thương giao chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho Phòng Quản lý thương mại. Một số khác (13/63) giao cho các phòng, ban khác như Phòng Xuất nhập khẩu, Phòng Kế hoạch Tài chính, Thanh tra Sở.

“Việc không thống nhất trong mô hình tổ chức hoạt động có thể gây ra sự gián đoạn, không xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, đại biểu Trần Văn Khải nêu rõ.

Việc không thống nhất trong mô hình tổ chức hoạt động có thể gây ra sự gián đoạn, không xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải

Chính vì vậy, để thực hiện tốt chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố theo chức năng của mình tăng cường triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chính phủ cũng cần chỉ đạo Bộ Công thương và các Bộ, ngành có liên quan chủ động rà soát, tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thực thi nhiệm vụ theo chức năng được giao.

Đại biểu đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ tích cực tham gia xây dựng, góp ý đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và các nghị định để hướng dẫn triển khai sau khi Luật được ban hành.

Cuối cùng, đại biểu Trần Văn Khải kiến nghị cần nghiên cứu ban hành cơ chế phối hợp hiệu lực, hiệu quả giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương theo cả chiều dọc và chiều ngang trong việc triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.