Chú trọng các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hôm qua 2/11, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc tại hội trường và thảo luận tại tổ một số dự án luật quan trọng, liên quan mật thiết đến cuộc sống hằng ngày của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh THỦY NGUYÊN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng yếu thế

Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Các đại biểu đều nhất trí việc cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; nhiều đại biểu nhấn mạnh việc bảo vệ đối tượng yếu thế, bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử…

Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng: Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có sự phát triển về giao dịch thương mại điện tử là đứng hàng đầu thế giới. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) lần này cần tập trung khắc phục những vấn đề hạn chế, bất cập hiện hành, đồng thời, tiếp tục mở rộng các quy định, kịp thời nắm bắt và cập nhật những diễn biến mới của thị trường, nhất là thị trường giao dịch điện tử. Một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch mua bán trên sàn thương mại điện tử, mua bán qua mạng internet cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời xem xét bổ sung quy định bảo đảm nguồn lực cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) và một số đại biểu khác cho rằng, dự thảo Luật có thiết kế Điều 7 về “bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương” là một quy định cần thiết vì người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Trong việc thực hiện các giao dịch mua bán, những người vùng sâu, vùng xa, những người yếu thế, người già sẽ thực hiện rất khó khăn. Tuy nhiên vẫn cần làm rõ một số nội dung về xác định đối tượng dễ bị tổn thương... Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị làm rõ, cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước; rà soát quy định về bảo vệ người yếu thế; đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng.

Liên quan đến trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, các đại biểu cho đây là quy định rất cần thiết, việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin người tiêu dùng rất quan trọng, tránh việc lấy thông tin này để làm việc không chính đáng khác. Cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng...

Đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu nêu rõ, việc sửa đổi toàn diện luật này sẽ thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, trên không gian mạng... Đại biểu Lê Văn Thìn (Phú Yên) cho rằng, Điều 2 dự thảo Luật này cần bổ sung quy định đối tượng áp dụng đối với tổ chức, cá nhân người nước ngoài nhằm đáp ứng thực tiễn số hóa hiện nay. Bên cạnh đó, việc dự thảo Luật đưa ra những quy định về giao dịch điện tử là cần thiết, nhưng cần xây dựng lộ trình đưa vào khai thác phù hợp với các quy định và tiêu chuẩn của Nhà nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.

Đổi mới trong phương thức thảo luận tại các kỳ họp

Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Đánh giá cao quá trình sửa đổi Nội quy kỳ họp, các đại biểu nhấn mạnh, dự thảo lần này đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo, bảo đảm tính đầy đủ của các quy trình, thủ tục để tiến hành kỳ họp Quốc hội, mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học hợp lý, hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế. Đồng thời, phân định rõ ràng, trách nhiệm cơ chế phối hợp của các cơ quan hữu quan tham gia vào kỳ họp.

Cho ý kiến về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) và một số đại biểu cho biết, về những tài liệu lưu hành tại kỳ họp ở Điều 7 của dự thảo quy định, những tài liệu thuộc về bí mật nhà nước sẽ lưu hành văn bản giấy. Tán thành phương thức lưu hành này, tuy nhiên, trên thực tế có những tài liệu gửi cho Quốc hội có nhiều thông tin phong phú, song nếu ở trong đó có vài con số, thông tin thuộc bí mật nhà nước thì lại đóng dấu mật toàn bộ tài liệu sẽ gây khó khăn nhất định cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình nghiên cứu, khai thác, sử dụng. Do đó, các ý kiến đề nghị cần bổ sung một khoản trong điều này là giao Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì phối hợp các cơ quan rà soát, trong trường hợp tài liệu chỉ có một vài thông tin mật, đề nghị tách riêng các thông tin này để lưu hành theo chế độ tài liệu mật, không đóng dấu toàn bộ văn bản, để tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu nghiên cứu, khai thác, sử dụng.

Một số đại biểu cho biết, theo quy định Nội quy hiện hành, các dự án luật, dự thảo Nghị quyết, dự án khác phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày và các tài liệu khác chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, trong thực tế vấn đề này còn chưa được thực hiện nghiêm túc, có nhiều nội dung sát ngày họp mới được gửi đại biểu không có thời gian nghiên cứu. Do đó, đề nghị cần có quy định cụ thể về thời gian, chế tài cụ thể, mạnh mẽ hơn để tài liệu phải được gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn, có như vậy mới giúp đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến hiệu quả hơn vào các quyết định của Quốc hội.

Đóng góp ý kiến về đổi mới phương thức thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) và nhiều đại biểu cho rằng, hoạt động thảo luận của Quốc hội hiện nay còn phần nhiều là tham luận. Cần định nghĩa rõ hai hình thức thảo luận, là thảo luận ở tổ, ở đoàn để làm rõ, vì đây là bước để sàng lọc vấn đề, để khi thảo luận tại hội trường, Quốc hội chỉ tập trung vào các vấn đề quan trọng, có ý kiến khác nhau. Nhấn mạnh việc đổi mới phương thức thảo luận sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các đại biểu đề nghị cần thay đổi phương thức thảo luận tại tổ, chuyển đổi mạnh mẽ từ tham luận sang tương tác, biện luận trực tiếp. Đồng thời, có thay đổi trong thủ tục tiến hành thảo luận tại tổ, tại các phiên họp toàn thể, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tọa phiên họp, bảo đảm phiên họp diễn ra với hiệu quả cao, đạt được kết quả thực chất.

Một số ý kiến cũng cho rằng, về thảo luận tại phiên họp toàn thể, nhất là các phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, cách thảo luận như hiện nay đề cập nhiều vấn đề cử tri quan tâm, nhưng còn quá dàn trải. Nên đổi mới theo hướng sau khi thảo luận tại tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn một số vấn đề lớn được đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận và còn nhiều quan điểm khác nhau để thảo luận ở hội trường, dành thời gian bàn thảo, tranh luận. Việc chọn những vấn đề trọng tâm để thảo luận cũng giúp cho các đại biểu dù không tham gia tranh luận cũng sẽ yên tâm hơn khi đưa ra các quyết định của mình vì đã được nghe các ý kiến được phân tích ở nhiều khía cạnh.

Quy định hình thức họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa họp trực tuyến và trực tiếp là rất cần thiết, tuy nhiên trong dự thảo hiện nay quy định nội dung này còn rất chung chung. Đề nghị cần đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức hình thức họp trực tuyến thời gian qua, bởi họp trực tuyến trong bối cảnh đặc biệt, là hình thức rất hiệu quả và được cử tri đánh giá cao.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định)

Bên cạnh việc phát biểu trực tiếp tại hội trường còn một kênh góp ý khác, mà các đại biểu Quốc hội còn ít sử dụng, đó là gửi ý kiến bằng văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp. Phương pháp này được quy định rõ trong Nội quy kỳ họp hiện hành, ý kiến bằng văn bản của các đại biểu cũng có tầm quan trọng tương đương, và cũng được nghiên cứu để tiếp thu, giải trình như ý kiến phát biểu tại hội trường. Đây là giải pháp tốt, không cần kéo dài thời gian kỳ họp. Đồng thời, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội quy định trình tự, thủ tục xác nhận ý kiến bằng văn bản của đại biểu Quốc hội và thủ tục đại biểu Quốc hội gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp.

Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai)

Về lựa chọn nội dung chất vấn tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, để tránh trùng lặp, đề nghị Nội quy kỳ họp cần quy định một số nguyên tắc lựa chọn vấn đề chất vấn, như số lượng vấn đề chất vấn phải phù hợp thời lượng dành cho một chức danh được chất vấn, các vấn đề lựa chọn chất vấn có mối liên quan hệ trực tiếp với nhau, những vấn đề bức xúc nhất hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương)

Hiện nay, ngoài kỳ họp thường kỳ, Quốc hội còn tổ chức những kỳ họp bất thường. Đây là những thay đổi linh hoạt của Quốc hội trong việc tổ chức kỳ họp để theo sát với diễn biến xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh. Đề nghị kỳ họp thường lệ kéo dài tối đa 2 tuần, bên cạnh đó có thể tổ chức các kỳ họp bất thường ngắn. Tranh luận trong các kỳ họp Quốc hội, là việc rất cần thiết, rất tiến bộ. Tuy nhiên, cần quy định số lần tranh luận tối đa của mỗi đại biểu trong một phiên họp. Việc phát biểu dựa trên văn bản hay không văn bản không quan trọng, vấn đề mấu chốt là phát biểu phải hay, mang tính xây dựng cao, trách nhiệm cao.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)