Cùng suy ngẫm:

Cơ chế, chính sách cho ngành nghề nông thôn

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch vụ đông xuân trên cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: TTXVN0
Thu hoạch vụ đông xuân trên cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: TTXVN0

Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn sẽ đạt khoảng 6-7%/năm. Thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn gấp 2,5-3 lần so với năm 2020. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng ngành nghề nông thôn đạt hơn 6 tỷ USD/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực ngành nghề nông thôn là 80% và tỷ lệ được cấp bằng, chứng chỉ đạt 35%.

Thực tế những năm qua, ngành nghề nông thôn là hoạt động mang lại thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, do tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực ngành nghề nông thôn còn thấp; tỷ lệ được cấp bằng, chứng chỉ lại càng ít dẫn đến hoạt động của các ngành nghề nông thôn kém hiệu quả, không phát huy hết được tiềm năng của khu vực kinh tế nông thôn.

Mặt khác, các vùng nguyên liệu tập trung tại nông thôn cũng chưa được hình thành và hoạt động ổn định nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành nghề. Đây cũng là nguyên nhân chính của tình trạng lao động nông, lâm, thủy sản có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua ở các vùng nông nghiệp trọng điểm như đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Phần lớn số lao động này đã di cư ra khỏi vùng để tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, đô thị của các vùng khác. Chính vì vậy, phát triển ngành nghề nông thôn trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Theo chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các ngành nghề chính sẽ được tập trung quan tâm là: Nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn…

Theo chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các ngành nghề chính sẽ được tập trung quan tâm là: Nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn…

Tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất được tăng lên; quy trình sản xuất theo chuỗi được cải tiến bảo đảm dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Cơ chế, chính sách cho phát triển ngành nghề nông thôn cần sớm được bổ sung, hoàn thiện; trong đó tập trung các chính sách về đất đai, đầu tư, bảo hiểm, tín dụng, tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành nghề nông thôn; ưu tiên thu hút đầu tư dịch vụ, hạ tầng, logistics và các công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn; đầu tư các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, có chứng chỉ bền vững, phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển ngành nghề nông thôn hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị và dựa trên tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.