Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn

NDO - Hiện tại, chất lượng nguồn nhân lực được xem là rào cản và thách thức nhất cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Chất lượng nguồn nhân lực được xem là rào cản và thách thức nhất cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. (Ảnh: Học viện Nông nghiệp Việt Nam)
Chất lượng nguồn nhân lực được xem là rào cản và thách thức nhất cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. (Ảnh: Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

Trước thực trạng đó, ngày 11/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn.

Nguồn nhân lực chất lượng cao của nông nghiệp đông nhưng chưa mạnh

Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó, phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%, trong đó phấn đấu 35% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn.

Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết đã xác định yêu cầu: Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ngành, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; ưu tiên đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại để tạo đột phá trong nghiên cứu… đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với nhu cầu thị trường, doanh nghiệp hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực vừa là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành, vừa là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nông nghiệp.

Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn ảnh 1

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy thị trường và nó gắn liền với doanh nghiệp. Cần đưa “luồng gió mới” của thị trường, kinh tế thị trường vào cơ sở đào tạo. Đó là cách để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời mở ra phương thức đào tạo: một nửa thời gian học trên ghế nhà trường và một nửa còn lại học thực tế ở doanh nghiệp.

Qua đây, các trường cũng sẽ gắn những hoạt động nghiên cứu với hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp. Hai bên “cộng sinh” để không lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp và nhà nước.

“Kích hoạt giáo dục, đào tạo theo hướng thị trường, để những sản phẩm nông nghiệp ra được thị trường, sinh viên cũng hòa nhập được với thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra.

Tại Hội nghị các đại biểu chỉ ra rằng: Hiện tại, chất lượng nguồn nhân lực được xem là rào cản và thách thức nhất cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới. Các nghiên cứu ở các nước đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực và sự phát triển của ngành nông nghiệp. Lao động không qua đào tạo hoặc trình độ đào tạo thấp hạn chế việc áp dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; tiếp cận thị trường; sử dụng vốn đầu tư; cũng như cơ hội chuyển đổi sang các ngành nghề có thu nhập cao hơn. Nhiều ý kiến cho rằng phần lớn lao động nông thôn mặc dù có việc làm và làm nhiều giờ trong tuần, nhưng vẫn khó khăn trong cải thiện thu nhập, mà lực cản chính do chất lượng lao động thấp.

6 giải pháp trọng điểm để có nguồn nhân lực chất lượng

Theo GS, TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Lĩnh vực nào, ngành nào thì yếu tố con người vẫn đóng vai trò then chốt, quyết định. Đối với quốc gia, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng, đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng và bảo vệ các nguồn lực khác. Trong bối cảnh hiện nay, trước đòi hỏi của cạnh tranh thương mại và hội nhập quốc tế, những yêu cầu đặt ra bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt bởi sự khó lường của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và xung đột… thì ngành nông nghiệp một lần nữa được Đảng, Chính phủ xác định là “lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”, yếu tố đảm bảo an sinh, an toàn và trật tự xã hội.

Có thể thấy rằng, đối với ngành nông nghiệp hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn chuyển nhanh từ nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp 4.0, nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tri thức dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo phát triển bền vững. Điều này cho thấy, nhân lực được đào tạo, nhân lực chất lượng cao càng đóng vai trò then chốt trong giai đoạn hiện nay.

GS, TS Nguyễn Thị Lan

“Có thể thấy rằng, đối với ngành nông nghiệp hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn chuyển nhanh từ nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp 4.0, nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tri thức dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo phát triển bền vững. Điều này cho thấy, nhân lực được đào tạo, nhân lực chất lượng cao càng đóng vai trò then chốt trong giai đoạn hiện nay”, GS, TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

Thời gian vừa qua, dưới sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã đào tạo được một nguồn lực lao động có chất lượng, có tay nghề, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành, của đất nước.

Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn ảnh 2

Lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nhân lực nông nghiệp nông thôn.

Tuy nhiên, nhiều đánh giá cũng cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tuy đông nhưng chưa mạnh, vẫn còn yếu và thiếu, nhất là thiếu chuyên gia, thiếu người dẫn dắt, người có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật cao, ngoài ra tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo vẫn lớn.

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Nhà nước, các Bộ, ngành, các cơ sở đào tạo nên triển khai một số giải pháp trọng điểm.

Một là truyền thông phổ biến làm sâu sắc, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tạo sự thống nhất trong nhận thức của toàn xã hội, từ các cấp, các ngành, các địa phương, từ cơ sở đào tạo đến các trường phổ thông về tầm quan trọng của nông nghiệp đối với đất nước. Cung cấp thông tin đầy đủ về nhu cầu nguồn nhân lực, các lĩnh vực mà đất nước đang cần.

Hai là có chính sách khuyến khích sinh viên vào học các ngành xã hội có nhu cầu cao nhưng khó tuyển sinh như Khoa học đất, Nông học, Thủy sản, Công nghệ sau thu hoạch… Đặt hàng giao nhiệm vụ cho các cơ sở có thế mạnh về đào tạo nguồn nhân lực những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu hoặc các ngành khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu.

Ba là sớm rà soát quy hoạch các cơ sở đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nâng cấp các cơ sở đào tạo bảo đảm đào tạo có chất lượng.

Bốn là các cơ sở đào tạo tập trung rà soát các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, để sinh viên ra trường có chất lượng tốt, tay nghề giỏi, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Rà soát các chương trình đào tạo bám sát với nhu cầu của thị trường.

Năm là bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (chuyên gia, lãnh đạo, kỹ sư…), cũng cần chú trọng đến chất lượng của việc đào tạo, tập huấn ngắn hạn, đào tạo kỹ năng, kiến thức người dân; đào tạo người dẫn dắt tại các cộng đồng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các mô hình cụ thể, có hiệu quả cao.

Sáu là làm tốt công tác kết nối cơ sở đào tạo - doanh nghiệp - xã hội để đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn.