Xây dựng Hội Nông dân vững mạnh, làm chỗ dựa tin cậy của nông dân

Với chủ đề “Đoàn kết-Đổi mới-Văn minh-Phát triển”, Đại hội đại biểu Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra vào hai ngày 26 và 27/9, phiên khai mạc diễn ra vào sáng 27/9. Đại hội có sự tham dự của 300 đại biểu chính thức, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và tình cảm của hơn 57 nghìn hội viên nông dân thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ thông tin của Hợp tác xã Tuấn Ngọc, thành phố Thủ Đức.
Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ thông tin của Hợp tác xã Tuấn Ngọc, thành phố Thủ Đức.

Thời gian qua, công tác tập hợp hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để thành lập các mô hình kinh tế tập thể được Hội Nông dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng. Hiện tại Hội Nông dân huyện Bình Chánh có 16 cơ sở Hội với tổng số hội viên 13.697, diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện khoảng 16.000 ha.

Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân huyện Bình Chánh có hơn 16.370 lượt hộ hội viên đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, kết quả bình xét có khoảng 13.840 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu này. Qua triển khai các phong trào, nhất là phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều mô hình thực hiện có hiệu quả như mô hình trồng rau VietGAP với diện tích gieo trồng gần 2.995 ha, giá trị sản xuất đạt hơn 200 tỷ đồng; mô hình hoa lan với diện tích 39,5 ha, giá trị sản xuất đạt 30 tỷ đồng; mô hình trồng mai vàng với diện tích 550 ha, giá trị sản xuất 120 tỷ đồng; mô hình trồng dừa xiêm với diện tích 79 ha, thu nhập bình quân khoảng 165 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng bưởi da xanh với diện tích 64 ha, thu nhập bình quân 400 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi cá kiểng, hoa nền; bonsai, cây kiểng… cũng mang lại cho nông dân thu nhập cao so với trồng lúa.

Để vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi vào kinh tế tập thể, theo ông Mai Ngươn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh, Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền thực hiện Luật Hợp tác xã, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia các tổ hợp tác làm tiền đề xây dựng các hợp tác xã nhằm giúp nông dân liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả, Hội phối hợp vận động và thành lập 15 hợp tác xã với 258 thành viên, 55 tổ hợp tác với gần 400 thành viên. Đến nay, toàn huyện có 22 hợp tác xã nông nghiệp và 95 tổ hợp tác với hơn 2.300 thành viên, đồng thời xây dựng thí điểm Hợp tác xã Hoa Lan Việt, Hợp tác xã Mai vàng Bình Lợi thành hợp tác xã điểm về cung ứng vật tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hoạt động của các tổ hợp tác và hợp tác xã đã hỗ trợ tích cực cho xã viên và nông dân giải quyết đầu vào, đầu ra nông sản từng bước ổn định.

Cũng theo Hội Nông dân huyện Bình Chánh, Hội Nông dân huyện đã có nhiều hoạt động giúp hội viên nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.

Đồng thời, Hội cũng định hướng nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể gắn với nông nghiệp đô thị hiện đại; ký kết với các đơn vị liên quan để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Cụ thể, Hội Nông dân huyện phối hợp Phòng Kinh tế huyện Bình Chánh, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng website cho Hợp tác xã Hoa Mai vàng Bình Lợi, xây dựng Thương hiệu Hoa Mai vàng Bình Lợi; phối hợp các đơn vị liên quan giúp nông dân tham gia sàn thương mại điện tử MEKONG EXPO… để giới thiệu sản phẩm.

Theo Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân thành phố tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, học tập nâng cao trình độ, ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp gắn với thi đua thực hiện tiêu chí “Người nông dân mới Thành phố Hồ Chí Minh”.

Qua đó, nông dân ngày càng khẳng định vai trò chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững với mô hình “nông dân khá giúp nông dân khó”, thực hiện tốt phương châm của thành phố “lấy sức dân chăm lo cho dân”.

Thụ hưởng những thành quả từ phong trào xây dựng nông thôn mới, đời sống và thu nhập của người nông dân ngày càng được cải thiện, từng bước thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Chất lượng hoạt động cơ sở Hội và chi hội, tổ hội ngày càng nâng cao, bình quân hằng năm có 98% số cơ sở Hội và hơn 90% số chi hội, gần 79% số tổ hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không có cơ sở Hội, chi hội, tổ hội yếu kém.

Ngoài ra, Hội Nông dân thành phố chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Qua đó, phong trào tiếp tục phát triển sâu rộng, tạo động lực thúc đẩy hội viên nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nỗ lực vươn lên không cam chịu đói nghèo.

Bình quân, hằng năm có 17.745 hộ đăng ký, trong đó có 13.973 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Số lượng hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tăng dần về chất lượng qua từng năm. Trong nhiệm kỳ, có 90 gương được tuyên dương “Nông dân tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh”, sáu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, sáu “Nhà khoa học của nhà nông”; xây dựng được 426 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị với 116 sản phẩm được tôn vinh “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh”, gần 70 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho biết, nhiệm kỳ 2023-2028, Hội tập trung triển khai thực hiện các đề án trọng tâm như: Đề án “Xây dựng tiêu chí Người nông dân mới Thành phố Hồ Chí Minh “Yêu nước-Gương mẫu, Năng động-Sáng tạo, Đoàn kết-nghĩa tình”, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước”; “Tư vấn, hỗ trợ Nông dân khởi nghiệp gắn với chuyển đổi số, phát triển kinh tế nông thôn”; tiếp tục “Tổ chức đưa nông dân đi học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hiện đại, đạt hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh, thành phố trong nước giai đoạn 2023-2025”…