Sóng cả

vững tay chèo

LTS-Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã quét qua hầu hết các tỉnh, thành phố của cả nước, di chứng để lại hết sức nặng nề… Nhưng cũng chính những ngày tháng cam go ấy là phép thử đối với năng lực điều hành của chính quyền địa phương trong việc vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa giữ được ổn định sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Bước sang năm mới, những kinh nghiệm đúc kết được hẳn sẽ là hành trang quý báu để mỗi địa phương có thể tự tin đối diện với những bài toán phát triển dài hạn và không kém phần thử thách.

Đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh

Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ

Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Bắc Ninh liên tục chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19. Vượt qua những thách thức, khó khăn, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước tăng 6,9% so năm 2020 (vượt kế hoạch đề ra từ 4-5%), chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%; sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, giá trị sản xuất tăng 3,6%; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 87,7 tỷ USD, tăng 21,1%. Thu ngân sách ước thực hiện 31.110 tỷ đồng, vượt 11,7% dự toán...

Để có được kết quả này, Bắc Ninh đã bám sát và cụ thể hóa các chỉ đạo Trung ương một cách sáng tạo để đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp với tình hình địa phương. Nhờ đó hài hòa được cùng lúc nhiều nhiệm vụ như: vừa bảo đảm an toàn chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa bảo vệ quyền lợi người lao động, vừa chăm lo an sinh xã hội cho người dân... Đặc biệt, để không đứt gãy chuỗi sản xuất, tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp; thành lập 40 tổ kiểm tra; tổ phản ứng nhanh ba nhất (Tư vấn hiệu quả nhất, giải quyết nhanh nhất, chống dịch an toàn nhất) nhằm nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả và ổn định sản xuất.

Năm 2022, tỉnh Bắc Ninh kỷ niệm tròn 190 năm ngày thành lập tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Bắc Ninh xác định phải tăng cường năng lực dự báo, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; quyết liệt hơn nữa để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; hướng về cơ sở; chỉ đạo sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm từng tháng, từng quý; thường xuyên kiểm tra, giám sát; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo đột phá về thể chế; tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”. Đặc biệt là tìm tòi, sáng tạo, khắc phục những hạn chế; thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể tổ chức chính trị-xã hội các cấp.

Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng để phát triển kinh tế, xã hội. Ảnh: Đăng Khoa

Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng để phát triển kinh tế, xã hội. Ảnh: Đăng Khoa


Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

Giữ vững vị thế cực tăng trưởng phía bắc

Như nhiều địa phương, hai năm qua thật sự là phép thử khắc nghiệt đối với Quảng Ninh khi phải đương đầu những thách thức mà đại dịch Covid-19 gây ra. Nhờ nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, kiên trì trong phòng, chống dịch với phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, cùng quyết sách chính xác, kịp thời, táo bạo dựa trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn, tỉnh Quảng Ninh chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhờ bảo đảm “mục tiêu kép”, Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng hai con số trong sáu năm liên tiếp (2016-2021), GRDP cả năm ước đạt 10,28% (đứng thứ hai cả nước), thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 52.400 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt hơn 42.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao và dự toán đầu năm, thuộc nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước.

Tỉnh khởi công mới và hoàn thành nhiều công trình giao thông động lực, chiến lược, đồng bộ, hiện đại thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác quốc tế. Đầu năm 2022, các công trình động lực quan trọng như đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả và cầu Tình Yêu được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái và khởi động bốn dự án trọng điểm với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 280.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông liên vùng, mở rộng không gian phát triển đô thị, du lịch, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển của tỉnh lên tầm cao mới.

Công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục được cải thiện (chỉ số PCI và PAR Index dẫn đầu cả nước bốn năm liên tiếp, chỉ số SIPAS dẫn đầu các tỉnh, thành phố hai năm liên tiếp và năm 2020 lần đầu tỉnh dẫn đầu toàn quốc về chỉ số PAPI); GRDP bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 7.614 USD...

Năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 15 của Đảng bộ tỉnh với mục tiêu cao nhất là mang lại cho nhân dân cuộc sống an toàn, bình yên, ấm no và hạnh phúc, xây dựng Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.


Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên

Đi trước, đón đầu trong chuyển đổi số

Mùa xuân này, trên quê hương Thái Nguyên, những đường nét của một trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại vùng trung du miền núi phía bắc và vùng thủ đô vào năm 2030 đang dần hiện hữu. Với truyền thống lịch sử 190 năm phát triển, là quê hương giàu truyền thống cách mạng, đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên kiên trì thực hiện những giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế, biến khó khăn, thách thức thành động lực, cơ hội phát triển.

Trong năm 2022, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh sẽ được triển khai toàn diện, đồng bộ, chú trọng đề cao vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cùng với cơ chế bảo vệ cán bộ và xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ và hành động, xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, giàu đạo đức.

Để thực hiện mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành một cực tăng trưởng trong liên kết vùng và với các tỉnh lân cận, Thái Nguyên tập trung xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh chú trọng thực hiện tái cơ cấu các ngành và lĩnh vực theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Tập trung phát triển theo chiều sâu, phát triển các khu, cụm công nghiệp lớn, gắn với phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ và đô thị hiện đại.

Là địa phương đầu tiên trong cả nước có nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số và Ngày chuyển đổi số, Thái Nguyên sẽ tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, với mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực và thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu về chuyển đổi số vào năm 2025.


Đồng chí Đỗ Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang

Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân

Có thể nói, năm 2021 là một năm đầy sóng gió, là liều thuốc thử mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang đã vượt qua. Thứ nhất, tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, chuyển sang trạng thái bình thường mới, hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong. Thứ hai, công tác an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững, ổn định. Thứ ba, trong phát triển kinh tế, nông nghiệp giữ vững vai trò là trụ đỡ, sản lượng lúa đạt hơn 4,5 triệu tấn, vượt 2,47% kế hoạch; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản vượt 8,51% kế hoạch. Thứ tư, các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng khoa học-công nghệ, thương mại điện tử, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản... được đẩy mạnh.

Bước sang năm 2022, Kiên Giang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm từ 6% trở lên, làm cơ sở để khôi phục kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng dựa trên bốn trụ cột chính. Một là, ưu tiên khôi phục, phát triển lĩnh vực du lịch, triển khai đồng bộ các giải pháp khôi phục thị trường du lịch nội địa, thực hiện thí điểm “hộ chiếu vaccine” đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Hai là, tăng cường đầu tư phát triển các đô thị tạo động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển, gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Thứ ba, khai thác tốt thế mạnh nông nghiệp và kinh tế biển, bệ đỡ của nền kinh tế tỉnh. Và thứ tư, tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn để khai thông dòng vốn, nhất là trên địa bàn thành phố Phú Quốc.

Bên cạnh đó, Kiên Giang sẽ khai thác hiệu quả các công trình trọng điểm đã và đang triển khai như hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn-Cái Bé, hệ thống giao thông ven biển, trên đảo Phú Quốc... Triển khai thực hiện tốt vấn đề liên kết vùng, mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội...

Thích ứng với tình hình mới, Phú Quốc (Kiên Giang) đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế theo chương trình thí điểm “hộ chiếu vaccine”. Ảnh: Viết Chung

Thích ứng với tình hình mới, Phú Quốc (Kiên Giang) đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế theo chương trình thí điểm “hộ chiếu vaccine”. Ảnh: Viết Chung


Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

Kỳ vọng Phú Yên 2022

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội của nhân dân và sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung, Phú Yên nói riêng. Nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản.

Đứng trước những khó khăn và thách thức, tinh thần đoàn kết, truyền thống anh hùng, tương thân tương ái của dân tộc lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Điều này được thể hiện rõ nét hơn qua “chiến dịch” hơn 70 ngày đêm Phú Yên tổ chức đưa đón trên 17 nghìn công dân có hoàn cảnh khó khăn tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam về quê và kịp thời chăm lo đời sống ổn định.

Sau khi trở về trạng thái bình thường mới, Phú Yên đã tập trung ngay vào đẩy nhanh tiến trình phục hồi, hướng đến phát triển bền vững dựa vào việc nắm bắt tốt xu thế chung, phát huy được những thế mạnh riêng của tỉnh. Bước sang năm 2022, khi những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn còn đó, những thói quen sinh hoạt thay đổi, xu thế phát triển kinh tế thế giới có những dịch chuyển lớn,… thì để đẩy nhanh tiến trình phục hồi, hướng đến phát triển trong giai đoạn tới, đòi hỏi tỉnh phải nắm bắt tốt xu thế và phát huy mạnh mẽ hơn nội lực của mình.

Đó là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đưa công nghệ vào phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh và quản trị xã hội. Đại dịch Covid-19 bùng phát cũng lại là cơ hội để chúng ta đẩy nhanh tiến trình số hóa và khẳng định vai trò của công nghệ trong giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội trên toàn cầu. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược nhằm chuẩn bị điều kiện phát triển cho giai đoạn tới. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, tăng cường đầu tư công, thu hút đầu tư ngoài xã hội nhằm tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; tăng cường ứng dụng công nghệ vào quản trị xã hội để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, để khơi thông các nguồn lực, kích hoạt những tiềm năng, để tạo thói quen, xây dựng nền tảng số cho phát triển kinh tế số.

Vai trò của an ninh lương thực và trụ đỡ kinh tế của ngành nông nghiệp trở nên quan trọng hơn khi chuỗi cung ứng và lưu thông gặp nhiều khó khăn. Phải phát huy được thế mạnh về nông nghiệp, đưa công nghệ vào nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm từ nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, từ đó tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế biển. Phát huy kinh tế biển trên cơ sở tiếp cận những xu thế mới là động lực quan trọng để 28 tỉnh, thành phố ven biển nói chung, Phú Yên nói riêng, phát triển nhanh và bền vững.


Đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau

Khơi dậy tiềm năng kinh tế biển

Thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW và Nghị quyết 26/NQ-CP về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng bộ Cà Mau xác định một trong ba khâu đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2020-2025 là: Tăng cường xúc tiến đầu tư, ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế như phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng tái tạo,... nhằm tạo sự đột phá.

Để đạt mục tiêu đề ra, ngay khi chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, Cà Mau đã đặt nền móng vững chắc khi khẩn trương xúc tiến các công trình, dự án lớn, trong đó có 14 dự án điện gió (tổng công suất 900 MW) đã được phê duyệt theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Đây cũng là dư địa lớn để Cà Mau tăng thu ngân sách bền vững kể từ năm 2022. Song hành với các “mũi nhọn” kinh tế khác, Cà Mau tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu “dài hơi” của Cà Mau đến năm 2030 sẽ tăng thêm 4.000 MW và năm 2045 thêm 5.000 MW điện gió.

Để hỗ trợ địa phương hoàn thành các mục tiêu theo lộ trình đề ra, Cà Mau đã trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương xem xét gia hạn thời gian giá bán điện với các dự án điện gió theo cơ chế cố định (FIT) đến cuối tháng 12/2022; phê duyệt, đồng ý cho tỉnh triển khai tiếp tục 34 dự án phát triển năng lượng với tổng công suất khoảng 20.000 MW, cùng các công trình lưới điện và nhà máy sản xuất khí hydro xanh bảo đảm giải phóng công suất cho các dự án năng lượng. Nếu được chấp thuận, các dự án trên sẽ tạo đòn bẩy giúp tỉnh tăng thu ngân sách gấp vài lần so với hơn 5.300 tỷ đồng mỗi năm như hiện nay và còn có dư để nộp vào ngân sách quốc gia, phục vụ phát triển đất nước.

Các dự án năng lượng sẽ tạo đòn bẩy giúp các địa phương tăng thu ngân sách gấp vài lần. Ảnh: Trung Nam Group

Các dự án năng lượng sẽ tạo đòn bẩy giúp các địa phương tăng thu ngân sách gấp vài lần. Ảnh: Trung Nam Group


Đồng chí Trần Đức Quận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng

Phát huy ý chí tự lực, tự cường

Đi qua một năm đầy khó khăn như năm 2021, Lâm Đồng đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo và nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và sự quan tâm của Trung ương để thực hiện khá tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Từ định hướng của Trung ương Đảng, Chính phủ và tình hình thực tế của địa phương, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng xác định chủ đề năm 2022 là: “Phát huy cao độ tinh thần đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm nêu gương, dám nghĩ, dám làm, biến thách thức thành cơ hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11”. Theo đó, Lâm Đồng tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành; xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; có chiến lược và giải pháp phù hợp để phục hồi, phát triển lĩnh vực du lịch-dịch vụ; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh; tăng cường kết nối chuỗi giá trị nông sản và đặc biệt quan tâm công tác an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, vùng khó khăn của tỉnh; giữ vững quốc phòng-an ninh; tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Với niềm tin và kỳ vọng mới, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; thích ứng với “trạng thái bình thường mới”, tạo nền tảng cho phục hồi kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới.


Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên

Phấn đấu để “ngày càng Hưng, ngày càng Yên”

Năm 2022, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trên tinh thần quán triệt năm nhiệm vụ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên. Theo đó:

Một là, tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP hơn 7%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 19.525 tỷ đồng. Ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Hai là, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng và tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp của tỉnh, nhất là chương trình hành động và các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19.

Ba là, đẩy mạnh và tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Tiếp tục triển khai đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; xây dựng chính quyền các cấp theo hướng đặt trọng tâm vào cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ cương, lề lối, phong cách lãnh đạo; xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đi đôi với tăng cường vai trò, năng lực lãnh đạo và kỷ cương của Đảng bộ gắn với đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Năm là, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân; khơi dậy khát vọng phát triển Hưng Yên “ngày càng Hưng và ngày càng Yên hơn nữa” như lời chúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên.


Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng

Năm nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá

Trong điều kiện khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ, với tinh thần đoàn kết, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm chính trị cao, năm qua Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của tỉnh, năm qua, xuất khẩu hàng hóa của Sóc Trăng tiếp tục là điểm sáng.

Tổng kim ngạch đạt 1 tỷ 150 triệu USD, vượt 15% chỉ tiêu Nghị quyết; trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 910 triệu USD (tăng 8,6%), xuất khẩu gạo đạt 190 triệu USD, tăng 13,4%. Nhiều công trình, dự án trọng điểm, kết nối vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh... được tập trung triển khai thực hiện, đưa vào hoạt động giúp hình thành năng lực sản xuất mới cho tỉnh. Thu nội địa vượt chỉ tiêu đề ra... Kết quả trên thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Bước sang năm Nhâm Dần 2022, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát huy tinh thần Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Đổi mới, quyết tâm thực hiện có hiệu quả năm nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Với tinh thần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Sóc Trăng tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, vùng ven biển của tỉnh, gắn với chế biến, xuất khẩu; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển du lịch văn hoá, lễ hội, du lịch biển, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc triển khai cảng biển Trần Đề, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.


Đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Tập trung cho mục tiêu phát triển bền vững

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2021-2025 đặt ra, với quyết tâm phấn đấu đưa Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, thông minh và hiện đại, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Cũng năm này, dù nằm trong tâm điểm của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, nhưng nhờ quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa tập trung phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh đã đạt dự toán đề ra và có tăng trưởng. Các chính sách hỗ trợ cho những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh được thực hiện kịp thời, đúng lúc. Kết quả các chỉ số về năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh có bước cải thiện lớn về điểm số và thứ hạng; đề án thành phố thông minh Bình Dương được ICF vinh danh vào tốp 7...

Đón năm mới 2022 với kỳ vọng mới, cũng là dịp Bình Dương kỷ niệm 25 năm Ngày tái thành lập tỉnh, tỉnh quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng Bình Dương là đô thị thông minh, văn minh và hiện đại. Theo đó, chương trình hành động của tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: huy động mọi nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19, duy trì trạng thái bình thường mới bảo đảm an toàn, hiệu quả; tiếp tục đầu tư, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ và chất lượng ngành y tế công lập, kết hợp với xã hội hóa hệ thống y tế, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển đô thị-đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, làm tiền đề để xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

Thúc đẩy xuất nhập khẩu góp phần vào việc lấy lại đà tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19. Ảnh: T.T

Thúc đẩy xuất nhập khẩu góp phần vào việc lấy lại đà tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19. Ảnh: T.T


Đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Tiếp sức, lấy lại đà tăng trưởng

Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Với sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh, dịch bệnh đã dần được kiểm soát, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội của địa phương trong năm 2021 vẫn đạt và vượt so với kế hoạch.

Bước sang năm 2022, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định tập trung các giải pháp hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất, khôi phục nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua như du lịch, công nghiệp, nông nghiệp... cần được nhanh chóng “tiếp sức” lấy lại đà phục hồi. Tỉnh cũng sẽ xây dựng các chính sách để thu hút người lao động trở lại làm việc hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội, tạo chỗ ở ổn định cho người lao động, công nhân trong các khu công nghiệp; tiếp tục duy trì các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, cương quyết loại bỏ các dự án công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động...

Năm 2022 sẽ là một năm nhiều thử thách, đòi hỏi sự đoàn kết, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị các cấp, sự chung lòng, chung sức của mọi tầng lớp nhân dân để đưa đất nước ta nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các nghị quyết, kế hoạch mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.


Đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị

Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài

Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Với sự nỗ lực cao nhất cLần đầu tiên tỉnh Quảng Trị thu ngân sách đạt hơn 5.000 tỷ đồng chính là vào năm 2021 vừa qua. Các chỉ tiêu đề ra cơ bản đạt được, tổng mức đầu tư phát triển xã hội đạt cao, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến thực hiện các dự án đầu tư. Đặt trong bối cảnh cả nước phải đương đầu dịch bệnh, những kết quả này rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn trăn trở bởi kết quả đạt được chưa tương xứng với lợi thế của tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2020-2025 xác định các trụ cột phát triển gồm nông nghiệp công nghệ cao, bền vững; công nghiệp, đáng chú ý là công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. Năm 2022, Quảng Trị quyết tâm hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, đưa tỉnh phát triển lên một tầm vóc mới.

Được Chính phủ định hướng trở thành trung tâm năng lượng miền trung, Quảng Trị tiếp tục hoàn thiện hơn nữa quy hoạch phát triển cũng như hiện thực hóa các dự án đầu tư chiến lược. Nhiều dự án điện gió ở huyện Hướng Hóa đã đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang hoàn thành trong năm 2022. Những dự án trọng tâm như khởi công xây dựng và sớm hoàn thành dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng công suất giai đoạn một 1.500 MW; Cảng hàng không Quảng Trị… tạo nên nguồn động lực, có tính chất dẫn dắt cho nền kinh tế của tỉnh. Với khả năng tích hợp các dự án công nghiệp, du lịch-dịch vụ, logistics trong lợi thế là tỉnh nằm trên Hành lang kinh tế đông-tây, thời gian tới đây, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông của tỉnh sẽ chuyển biến rõ rệt, đáp ứng nhu cầu tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, góp phần phát triển cho khu vực.

Chú trọng đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư, Quảng Trị quyết tâm cải cách hành chính, thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng… qua đó, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp tục đến với tỉnh.

Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Thực hiện: LƯU LAN HƯƠNG VÀ NHÓM PHÓNG VIÊN
Trình bày: HÙNG HIẾU