Những vấn đề được nêu lên đa dạng về góc độ tiếp cận, từ công tác sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy đến sự vận động, tiếp nhận hoặc tiến trình, xu hướng, nhưng cùng hướng tới những mục tiêu khảo sát, phân tích, đánh giá, làm rõ những vấn đề cơ bản.
Theo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn, quá trình đổi mới và phát triển của hoạt động lý luận phê bình văn học Việt Nam 50 năm qua có thể nhìn từ các góc độ: quan điểm chỉ đạo của Đảng; hoạt động nghiên cứu lý luận văn học của giới chuyên môn và những vấn đề cần được quan tâm.
Trong đó, cần ghi nhận giới phê bình ngày càng trẻ hóa và có trình độ cao; được trang bị bởi nhiều lý thuyết mới, đem đến cho phê bình diện mạo đa dạng, phát triển được cái mới, từng bước loại bỏ cái lỗi thời, phát huy được những cái phù hợp; trong khi tiếp tục cởi mở tiếp nhận lý luận mới từ nước ngoài.
Dù vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận điều còn hạn chế, nhất là khi phê bình văn học nghệ thuật hôm nay vẫn còn tình trạng chỉ để làm vừa lòng nhau, chưa thể hiện nhiều về trình độ, học thuật và những hướng đi tiếp theo.
Cũng trong một thực trạng tương tự ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật, tiếng nói từ giới chuyên môn tập trung đề xuất các giải pháp cụ thể khi đề cập hoạt động lý luận, phê bình cần tiến tới mở rộng với nhiều góc nhìn, nhiều cách tiếp cận để truyền bá giá trị, quan điểm định hướng giá trị thẩm mỹ đến công chúng.
Có thể nhìn nhận rõ nhất ở lĩnh vực sân khấu và điện ảnh chẳng hạn, công tác lý luận, phê bình còn đứng ngoài cuộc, có rất ít bài viết đánh giá đúng chất lượng các cuộc thi, hội diễn, liên hoan, rất ít ý kiến nhận xét về chất lượng giải thưởng, chất lượng công tác tổ chức một cách thẳng thắn, khách quan và công tâm…
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt đội ngũ, đặc biệt là đào tạo được lực lượng hoạt động chuyên nghiệp, cần nhận diện đánh giá, có tiếng nói khoa học, định hướng lại sáng tác và hình thức tổ chức các cuộc thi, hội diễn liên hoan để hoạt động đi vào nền nếp.
Cụ thể, cần có đề án quy hoạch, phát triển công tác lý luận, phê bình; có chính sách đầu tư, chế độ nhuận bút, giải thưởng cho tác phẩm, công trình chất lượng.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, các hội chuyên ngành cần có cơ chế bảo vệ, hỗ trợ người làm nghề…
Với lĩnh vực âm nhạc, cần xây dựng và có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu lý luận, nhất là các công trình nghiên cứu về văn hóa, âm nhạc dân gian; thúc đẩy sự liên kết giữa Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương với các trường đại học báo chí để nghệ thuật và âm nhạc trở thành môn học giúp các nhà báo tương lai tiệm cận gần hơn với văn học, nghệ thuật, âm nhạc, định hình hướng đi và sự bổ sung kiến thức và trình độ để có thể trở thành những cây bút lý luận, phê bình chuyên nghiệp trên mặt trận báo chí, truyền thông.
Cũng từ đây, việc bồi đắp, đào tạo và phát triển nhân lực ngay từ những năm tháng đại học sẽ tạo tiền đề cho vấn đề đa dạng hóa đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật về lâu dài, góp phần thúc đẩy sự phát triển và hội nhập.
Có thể nói, phân tích thực trạng và đề xuất định hướng trong công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam một cách sâu sắc, thiết thực và đi vào thực chất trong những năm qua là cơ sở khoa học để giúp Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới; gợi mở để các cơ quan, đơn vị, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương đổi mới phương thức lãnh đạo, có những chính sách phù hợp nhằm phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng được đội ngũ lý luận, phê bình chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững.
Qua đó, mỗi văn nghệ sĩ, nhà phê bình, nhà khoa học và công chúng cũng sẽ có những góc nhìn khách quan, thấu đáo hơn để từ đó tiếp tục mở ra những suy ngẫm, giải pháp và sáng tạo cần thiết.