19 tác phẩm được trao Tặng thưởng của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

NDO - Ngày 4/12, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức họp báo về Lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2022; Hội thảo khoa học toàn quốc "Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo" và Kỳ họp thứ tư (nhiệm kỳ 2021-2026) của Hội đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi họp báo.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi họp báo.

3 hoạt động này đều nằm trong chương trình hoạt động toàn khóa và kế hoạch công tác năm 2023 của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Lễ trao Tặng thưởng sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 6/12 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội.

Trong số 87 tác phẩm (gồm 35 cuốn sách, 2 chương trình truyền hình và 50 bài viết) gửi đề nghị xét Tặng thưởng, có 19 tác phẩm được trao Tặng thưởng. Cụ thể, mức A: 1 tác phẩm (sách); mức B: 4 tác phẩm (3 sách, 1 chương trình); mức C: 10 tác phẩm (8 sách, 2 bài/cụm bài viết) và mức Khuyến khích: 4 tác phẩm (3 sách, 1 chương trình). Trong tổng số 19 tác phẩm được tặng thưởng, có 15 tác phẩm của cá nhân và 4 tác phẩm của nhóm tác giả.

Ngoài ra, 11 cơ quan, đơn vị (nhà xuất bản, cơ quan báo chí) cũng được trao Tặng thưởng về thành tích đóng góp cho sự phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng, mặt bằng các tác phẩm tham gia đề nghị xét Tặng thưởng những năm gần đây tương đối đồng đều. Việc đánh giá tác phẩm ở mỗi vòng xét chọn đều được thực hiện nghiêm túc, khách quan và khoa học.

Về Hội thảo khoa học toàn quốc "Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo", dự kiến sẽ diễn ra ngày 12/12 tại Hà Nội. Hội thảo hướng tới những mục tiêu khảo sát, phân tích, đánh giá, làm rõ một số vấn đề cơ bản sau:

1) Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong tiến trình xây dựng, phát triển lý luận, phê bình văn nghệ nước ta 50 năm sau ngày đất nước thống nhất.

2) Quá trình giao lưu, tiếp biến lý luận văn nghệ nước ngoài và những vấn đề đặt ra trong quá trình giao lưu, tiếp nhận đã và cần được giải quyết.

3) Quá trình kế thừa và cách tân lý luận văn nghệ của dân tộc trong tiến trình xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất.

4) Thành tựu và hạn chế của lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (thực trạng chung, thực trạng của từng loại hình nghệ thuật, của từng lĩnh vực và khu vực).

5) Đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể trong việc xây dựng, phát triển lý luận, phê bình văn nghệ trong thời kỳ tới, góp phần xây dựng nền văn nghệ mới tiên tiến, giàu tính dân tộc, dân chủ, nhân văn.

Tính đến thời điểm này, Hội thảo đã nhận được 100 bài tham luận của các nhà lý luận, phê bình văn học nghệ thuật; dự kiến sẽ có 250 đại biểu tham dự.

Kết quả hội thảo là cơ sở khoa học để Hội đồng tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới; gợi mở để các cơ quan, đơn vị, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương đổi mới phương thức lãnh đạo, có những chính sách phù hợp nhằm phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Về Kỳ họp thứ tư (nhiệm kỳ 2021-2026) của Hội đồng, sẽ tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023; cho ý kiến về các nhiệm vụ của Hội đồng dự kiến triển khai trong năm 2024. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

Xây dựng, đề xuất và thực hiện Chương trình tổng kết lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất; nghiên cứu tổng kết thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập; thực hiện Chương trình xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam (giai đoạn 2);

Xây dựng Chương trình dịch thuật, chương trình biên tập, xuất bản các công trình trọng điểm quốc gia về văn học, nghệ thuật nhằm giới thiệu các công trình lý thuyết văn học, nghệ thuật và mỹ học quan trọng của thế giới, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả các công việc thường niên của Hội đồng;

Xây dựng kế hoạch để chủ động tham gia cùng Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết 50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam, 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".